Các cuộc đình công tại nhà máy ở Trung Quốc gia tăng trong khi tình hình kinh tế tồi tệ hơn
Trong những tháng gần đây, nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài chậm lại và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng quốc tế đã gây áp lực lên hoạt động của các nhà máy Trung Quốc, đồng thời cũng dẫn đến các cuộc biểu tình thường xuyên của công nhân trên khắp Trung Quốc.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Theo “Bản đồ Hành động tập thể của công nhân” do tổ chức “Thông tin lao động Trung Quốc” (China Labour Bulletin, CLB) biên soạn, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, đã có ít nhất 875 cuộc đình công, biểu tình hoặc tuần hành trên khắp Trung Quốc. Trong số đó, tỉnh Quảng Đông có nhiều nhất với 287 sự kiện trong năm nay.
Trong một báo cáo , CLB cho biết các cuộc đình công và biểu tình đang gia tăng mạnh mẽ vào năm 2023, với 741 sự kiện trong nửa đầu năm so với 830 sự kiện trong cả năm 2022. Giả sử xu hướng này tiếp tục, ước tính Trung Quốc sẽ gặp ít nhất 1.300 sự kiện trong năm nay, mức cao mới sau đại dịch.
Các cuộc biểu tình trong ngành xây dựng luôn chiếm phần lớn trong tổng số các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, nhưng ngành sản xuất đã trở thành động lực quan trọng dẫn đến sự gia tăng các cuộc biểu tình trong năm nay. CLB phát hiện có 10 cuộc kháng nghị trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 1, đạt đỉnh điểm là 59 cuộc vào tháng 5. Kể từ tháng 3 đã có hơn 30 cuộc đình công và kháng nghị trong ngành sản xuất mỗi tháng.
Báo cáo chỉ ra, các hoạt động kháng nghị nổ ra do “làn sóng di dời và đóng cửa sản xuất ở các tỉnh ven biển” và vấn đề ngày càng nghiêm trọng.
Nikkei Asia
“Sau đại dịch, các cuộc đình công của công nhân đã lên đến một tầm cao mới. Nhiều hoạt động kháng nghị có liên quan đến sự suy giảm nhu cầu thương mại quốc tế.”
Nhà nghiên cứu Chu Aidan cho biết, CLB tiếp tục tìm kiếm trên mạng xã hội Trung Quốc để tìm dấu hiệu đình công, đồng thời gọi điện cho các công đoàn địa phương để xác nhận thông tin chi tiết và hỏi xem họ có tham gia vào hoạt động này hay không.
Trong nhiều video đình công do CLB thu thập, có thể thấy các công nhân đứng trước cổng nhà máy, với dòng chữ tố cáo chỉ trích công ty trì trệ trả lương hoặc từ chối nộp bảo hiểm xã hội cho công nhân. Trong phần bình luận của cư dân mạng bên dưới video, thường xuyên có đề cập đến tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nhà máy khác. Một số video thậm chí còn đổ lỗi cho chính quyền đã không vào cuộc và giúp đỡ [công nhân].
Trong báo cáo, CLB cho biết công nhân trong ngành điện tử và may mặc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 66 cuộc kháng nghị tại các nhà máy điện tử và 38 cuộc kháng nghị tại các nhà máy may mặc trong nửa đầu năm, chiếm hơn một nửa tổng số các cuộc kháng nghị trong lĩnh vực sản xuất.
Theo dữ liệu hải quan của ĐCSTQ, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong các chuyến hàng xuất khẩu của Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 12,4%.
Ông Victor Shih, giáo sư tại phân hiệu San Diego của Đại học California (UCSD), người nghiên cứu chính sách tài chính của Trung Quốc, cho biết nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt và tác động kéo dài của đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành hoạt động sản xuất.
“Do lệnh phong tỏa, nhiều người Trung Quốc đã mất việc trong vài tháng. Khi dịch bệnh kết thúc, tiền tiết kiệm của họ cạn kiệt”,
“Cùng với đó, người tiêu dùng Mỹ cũng bắt đầu giảm chi tiêu, bởi vì thu nhập thêm của họ vào năm 2020 (nhờ biện pháp kích thích kinh tế) đã không còn bao nhiêu. Từ năm 2021 đến 2022, người tiêu dùng Mỹ mua rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, từ đó giúp chèo chống cho nền kinh tế Trung Quốc.”
“Vì vậy, người Trung Quốc không thể chi tiêu, trong khi sức chi tiêu của người Mỹ và người châu Âu cũng đang suy giảm, điều này tạo ra áp lực kép cho nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Aidan Chu cho biết, nhóm của ông đã phát hiện một nhà cung cấp cho Adidas ở tỉnh Chiết Giang, do đơn hàng giảm mạnh trong năm nay nên nhà cung cấp này đã giảm một nửa tiền lương xuống còn khoảng 300 đến 400 USD một tháng. Do đó công nhân đã đình công, yêu cầu tăng lương và công đoàn cũng tham gia nhưng chỉ có thể thông qua đàm phán để mức tăng lương khoảng 50 đến 100 USD.
Adidas đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Nikkei Asia.
CLB cho biết, đơn đặt hàng giảm là nguyên nhân chính dẫn đến việc đóng cửa hoặc di dời nhà máy, tiếp theo là “nhân tố bất ổn do tranh chấp thương mại đang diễn ra”.
Các báo cáo trước đó chỉ ra, do nhu cầu yếu và việc chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, hầu hết các nhà cung cấp thiết bị điện tử của Trung Quốc đã không tuyển dụng được nhân tài quy mô lớn trong mùa hè này, cũng như không tuyển dụng được lao động tạm thời được trả lương cao.
Ông Aidan Chu nói ngành công nghiệp điện tử và may mặc dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự suy thoái của thương mại quốc tế.
“Hầu hết công nhân (may mặc) là phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40, đã làm việc ở cùng một nơi trong nhiều năm. Việc sa thải gần đây đã ảnh hưởng lớn đến nhóm lao động này”.
“Các công đoàn đang cố gắng xoa dịu người lao động và ngăn chặn cuộc đình công, nhưng họ không thực sự đại diện cho lợi ích của người lao động”.
Ông Li Qiang, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận “Quan sát lao động Trung Quốc” (China Labour Watch) có trụ sở tại New York, nói rằng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị hỗn loạn trong thời kỳ dịch bệnh, nên nhiều công ty đa quốc gia đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chủ yếu là chuyển sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, v.v.
Ông Li Qiang cho biết, ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang bắt đầu chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đến những nơi có chi phí lao động thấp hơn, chẳng hạn như Châu Phi.
Ông nói thêm rằng khi các nhà máy ở Trung Quốc gặp khó khăn, họ thường không đóng cửa ngay lập tức. Thay vào đó, họ trì hoãn trả lương, vay thêm tiền và hy vọng thương mại sẽ khởi sắc. Thật không may cho các nhà máy này, sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, Trung Quốc chưa thể xuất hiện sự phục hồi kinh tế như được chờ đợi từ lâu.
“Các hoạt động kháng nghị của công nhân thường hiệu quả hơn việc thông qua hệ thống pháp luật vốn kéo dài về mặt thủ tục và không đáp ứng được nhu cầu của công nhân.”
“Không có khuôn khổ pháp lý nào ở Trung Quốc mà người lao động có thể dựa vào, nhưng các hoạt động kháng nghị có thể gây áp lực lên các công ty và quan chức chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề,”
Theo Trần Đình, Epoch Times
Suy thoái kinh tế: Liệu Trung Quốc “hắt hơi” có làm thế giới “cảm lạnh”? Nền kinh tế Trung Quốc suy thoái trầm trọng hiện nay làm dấy lên nghi ngờ về thời gian phục hồi