Các cụ nói: 'Đời cha ăn mặn, đời con khát nước', vì sao lại khẳng định như vậy?
Từ xa xưa, có một câu nói rất hay và thấm ai ai cũng biết, đó là: 'Đời cha ăn mặn, đời con khát nước', hãy tìm hiểu rõ hơn vì sao lại thế?
Hàng nghìn năm nay, báo ứng trên đời vẫn chưa bao giờ thiên vị cho những người hành ác. Người xưa quan niệm “Trên đầu ba thước có Thần linh”, vì thế mỗi việc thiện việc ác của con người đều được Thần linh quan sát, ghi chép một cách tỉ mỉ và cẩn thận. Những người làm việc thiện, dù sớm hay muộn họ cũng sẽ nhận về phúc báo; ngược lại những người làm việc ác, sớm hay muộn cũng sẽ phải chịu báo ứng. Quả báo từ những việc làm xấu mà bản thân gây ra có thể xảy đến với bản thân hoặc những người trong gia đình của người đó.
Do đó, người xưa cũng có câu nói rất hay rằng “tích đức tích đức”, tức là nên tích đức không ngừng, tích đức mọi lúc mọi nơi có thể. Nếu như muốn con cái sau này có cuộc sống sung túc, tương lai tươi sáng thì cha mẹ nên tích cực tích đức, làm nhiều việc thiện. Nếu không, họ sẽ khiến con cái mình phải chịu tội, gia đình cũng vì thế mà ngày càng lụi tàn.
Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” được sáng tác những năm cuối đời của Kỷ Hiểu Lam chính là hàng loạt những ghi chép về những sự việc chân thật nhất, phổ biến nhất, nổi tiếng nhất mà chính bản thân ông đã mắt thấy tai nghe. Trong những câu chuyện và sự việc này còn có trải nghiệm của chính bản thân ông cùng với những người thân trong gia đình.
Dễ dàng thấy được, phong cách văn chương của ông rất bình dị và đơn giản, nhưng lại vô cùng tự nhiên và sâu sắc. Những nội dung bên trong cũng rất phong phú với nhiều kiến thức sâu rộng. Người đọc sẽ cảm nhận được sự thú vị sâu sắc, khiến họ được trải nghiệm hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đó có hai câu chuyện, chính là ví dụ điển hình về việc cha mẹ tàn ác thì con cái sẽ phải chịu báo ứng, đúng như câu nói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Người mẹ hãm hại người hầu, con gái sinh ra không tai cũng không mũi
Dưới thời Trinh Quan triều Đường, có một người phụ nữ chỉ vì ghen tị với người hầu gái trong nhà nên đã nổi ác tâm. Một ngày, bà nghĩ ra kế hãm hại cô, dùng dao để cắt tai và cắt mũi người hầu gái này. Không lâu sau đó, người phụ nữ này mang thai và nhanh chóng hạ sinh một người con gái. Tuy nhiên, điều mà mọi người vô cùng sợ hãi đó là, cô con gái này từ khi sinh ra đã không có tai, cũng chẳng có mũi. Điều này khiến bà cảm thấy vô cùng buồn phiền và đau lòng.
Khi con gái trưởng thành, cô bé bất ngờ nhìn thấy người hầu gái ở trong gia đình cũng giống như mình, không có tai và không có mũi. Thấy thế, người hầu gái đã kể lại đầu đuôi câu chuyện cho cô bé nghe. Sau khi nghe xong cô bé đã hiểu ra rằng, những khiếm khuyết hiện tại trên cơ thể mình chính là hậu quả từ những hành động, việc làm sai trái và độc ác của người mẹ. Từ đó trở đi, cô bé đối với mẹ mình vô cùng chán ghét và oán hận.
Quan viên hành ác, con cái sau này chịu tội thay
Thời nhà Thanh ở quận Tây An có một vị quan chuyên hành ác. Vị quan này vì tham tiền đến lu mờ cả lí trí, sẵn sàng che chắn, bảo hộ cho những tù nhân có tiền, thường xuyên xét xử oan cho những người vô tội. Cả đời của vị quan viên này đã làm không ít những việc bất chính. Thế nhưng, điều kỳ lạ ở chỗ, cuộc sống của ông vẫn luôn trôi chảy, thuận buồm xuôi gió, những năm cuối đời vẫn thoải mái an nhàn, hưởng trọn vinh hoa phú quý.
Thế nhưng sau khi viên quan này qua đời, ba người con gái của ông nhưng chóng trở thành kỹ nữ lầu xanh, cuộc sống vô cùng lầm than, khốn đốn, không có khổ nhục nào là chưa từng trải qua. Vì thế, không ít người thắc mắc rằng, tại sao khi vị viên quan này còn sống đã làm không ít việc ác nhưng vẫn trải qua cuộc đời giàu trang, hưởng trọn vinh hoa phú quý?
Thực tế, đó chính là phúc phận mà ông ta đã tích cóp được từ kiếp trước, từ những việc làm tốt đẹp mà có được. Những việc làm độc ác, bất chính là ông làm trong đời này, nghiệp báo sẽ xảy đến với con cái của ông sau này.
Người xưa nói quả không sai “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Nếu như cha mẹ làm điều thất đức, con cái đời sau sẽ phải chịu khổ sở, khó khăn, không nhận được phúc báo từ cha mẹ, sẽ phải cả đời vất vả vì những điều xấu xa mà cha mẹ từng gây ra. Vậy nên cổ nhân mới có lời răn dạy rằng “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Có những người không tin vào luật nhân quả, cũng không tin vào Thần Phật, điều này khiến cho họ vô tư làm điều ác mà không nghĩ đến hậu quả. Thậm chí, nhiều người còn dẫn chứng về việc tại sao người này, người kia cũng độc ác, cũng làm điều xấu xa mà vẫn xinh đẹp rạng ngời, tiền bạc như nước? Thực tế, quả báo thường đến muộn nhưng chắc chắn là sẽ đến. Thay vì làm điều xấu xa, thất đức, mỗi người hãy tích cực hành thiện, làm nhiều việc tốt để tạo nhiều phúc báo cho con cháu. Vì thế người xưa mới nói “Có đức mặc sức mà ăn” chính là như thế.