Các cụ dạy: 'Không so đo 3 điều, không lãng quên 3 việc, cả đời bình an như ý'
Những lời dạy của cổ nhân cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là lời khuyên về đối nhân xử thế, cách sống ở đời.
Cổ nhân có câu: Đến tuổi trung niên cần làm được: 3 việc không so đo, 3 chuyện không nên nói, 3 điều không tranh đấu, 3 sự không quên lãng,… Như vậy cả cuộc đời mới có thể an nhiên.
3 việc không so đo
Không so đo tiền tài
Khi còn trẻ, chúng ta có thể cho rằng: “Có tiền là có tất cả”. Khi đến tuổi trung niên, chúng ta đều nên hiểu rằng tiền bạc không thể mua được tình yêu, sức khỏe và hạnh phúc thực sự.
Tiền tài là vật ngoại thân, biết đủ dùng là được, không cần phải so sánh thiệt hơn.
Mỗi người đều có hoàn cảnh, cuộc sống và phúc phận riêng. Có được bao nhiêu tiền tài thì nên trân quý bấy nhiêu, tốt nhất không nên so đo. Sống ở đời, hạnh phúc bình an là được.
Không so đo con cái với “con nhà người ta”
Lý do khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi một nửa là do sinh tồn và một nửa là do “so đo, tính toán”.
Ở đời, không bao giờ có một khuôn mẫu và tiêu chuẩn nhất định cho hạnh phúc, đừng áp đặt định nghĩa thành công của bạn cho con cái.
Như người xưa có câu: “Con cháu tự có phúc của con cháu”, cuộc sống của con cái hãy để nó tự quyết định.
Không so bì con cái xuất sắc hay xuất chúng, khỏe mạnh bình an là tốt rồi.
Không so đo hôn nhân
Tục ngữ có câu nói rất hay: “Đôi giày của mình, chỉ có đôi chân của mình mới biết đi có vừa và thoải mái hay không?”
So sánh bản thân là điều tồi tệ nhất trong hôn nhân, nếu so sánh cuộc hôn nhân của mình với người khác, bạn sẽ chỉ tự chuốc lấy thêm rắc rối và phiền não cho mình mà thôi.
Không cần so đo kích thước ngôi nhà to hay nhỏ, trong tâm cảm thấy vui vẻ, an nhiên là được.
3 chuyện không nên nói
Không nói lời xấu
Tục ngữ có câu: Một lời thiện ấm 3 đông, một lời ác lạnh 6 tháng ròng. Chúng ta có 2 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách im lặng đúng lúc đúng chỗ.
Làm người thì phải biết tôn trọng người khác. Biết người không cần nói hết lời, không vạch trần khuyết điểm của người ta, càng không nên nói xấu sau lưng người khác.
Càng trưởng thành, càng phải biết tiết chế và làm chủ cảm xúc bản thân, hiểu chừng mực, thận trọng trong lời nói và việc làm, trước khi nói nên suy nghĩ cẩn thận và chín chắn.
Không nói lời thừa thải
Không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có những khuyết điểm và thiếu sót của riêng mình.
Trong “Cách Ngôn Liên Bích” có viết: “Hãy ngồi yên tĩnh để nghĩ về những thiếu sót của bản thân đã phạm phải, đừng nói về những lỗi lầm của người khác”.
Khi có thời gian, thay vì thảo luận về ưu và khuyết điểm của người khác, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh và suy ngẫm về bản thân, từ đó ngày càng có thể tự hoàn thiện mình.
Không nói lời oán hận
Đừng gặp phải một vấn đề nhỏ xíu mà oán hận Trời đất bất công. Oán giận là vô ích, phàn nàn cả một năm, cũng không bằng nỗ lực của cả một ngày.
Thay vì phàn nàn, oan giận ngút Trời, chi bằng cố gắng thay đổi bản thân trước tiên và biến tất cả những lời phàn nàn và không hài lòng của bạn thành động lực để cố gắng.
3 điều không tranh đấu
Không tranh dài hay ngắn
Khi bạn nhìn thấy vinh quang của người khác, bạn cũng phải nhận thức được những nỗ lực âm thầm phía sau của họ, và bạn càng cần phải nhận ra đạo lý rằng: Tranh hơn thua cao thấp thật vô vị, điều đó chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn mà thôi.
Muốn đạt được điều gì thì đều cần phải trải quá quá trình nỗ lực và chờ đợi lâu dài, dù thế giới có thay đổi thế nào thì hãy luôn giữ vững mục tiêu và chịu đựng sự cô đơn, lẻ loi nhất thời.
Không tranh giành đúng sai
Lập trường khác nhau, cách nhìn và góc độ khác nhau sẽ đưa đến những kết quả không giống nhau.
Người khôn ngoan sẽ âm thầm đặt chuyện đúng sai trong lòng, không nhất thiết việc gì cũng phải phân định rõ ràng, tranh thua cao thấp đúng sai. Họ có thể tránh được những mối muộn phiền lâu dài trong lòng.
Không tranh ánh đèn sân khấu
Cạnh tranh ánh đèn sân khấu và hô hào thể hiện lợi thế của bạn sẽ gây ra rắc rối và bị cản trở ở khắp mọi nơi.
Làm người cần phải học cách khiêm tốn, không cần thiết việc gì cũng phải thể hiện trước mặt người khác, càng không nên cố tình “tranh” ánh đèn sân khấu của người khác.
Cổ nhân nói: “Kiêu ngạo là ngọn nguồn của tội ác, khiêm tốn là gốc rễ của thiện lương”, người khiêm tốn mới có thể dễ dàng đạt được thành công lâu dài.
3 sự không quên lãng
Không quên ý định ban đầu, đó là động lực để cố gắng
Thế giới phức tạp và đầy rẫy dục vọng, cám dỗ đã khiến nhiều người đánh mất chính mình. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ không thể lặp lại. Mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở, hãy nhìn lại chặng đường gian nan mình đã đi và nhớ lại lý do tại sao chúng ta bắt đầu.
Chỉ bằng cách không quên ý nguyện và mục tiêu bản thân đặt ra ban đầu, chúng ta mới có thể tìm thấy hy vọng phía sau màn sương mù, kiên trì theo đuổi cuộc sống và đạt được mục tiêu ban đầu.
Đừng quên gia đình và người thân của bạn
Khi cha mẹ còn đó thì cuộc đời vẫn còn, khi cha mẹ không còn thì không còn chốn quay về.
Bao dung với cha mẹ già cũng giống như cách mà cha mẹ kiên nhẫn nuôi dạy chúng ta từ khi còn nhỏ, đó mới chính là Đạo hiếu.
Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, đạo hiếu là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nhân phẩm của một người. Trời luôn ban phúc cho người con hiếu thảo
Đừng quên tấm ân tình, uống nước phải nhớ nguồn.
Cây cao đến mấy cũng không quên gốc, người huy hoàng đến mấy cũng không được quên ơn.
Những người đã giúp đỡ mình, những người đang giúp đỡ mình thì dù là giọt nước “ân tình”, chúng ta cũng nên đền đáp công ơn của họ.