Các cụ dặn "49 chưa qua 53 đã tới" có ý nghĩa gì? Hai tuổi hạn lớn nhất đời người có đáng sợ?
Hai tuổi 49, 53 là “tuổi hạn” nặng nhất trong đời người nên thường xuyên được nhắc tới như một câu cửa miệng “49 chưa qua, 53 đã tới”.
“49 chưa qua, 53 đã tới” là câu nói ám chỉ hai tuổi hạn lớn nhất của cuộc đời mỗi người. Vào năm 49 tuổi, con người sẽ gặp điều xui xẻo, vận xấu, thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng. Khắc phụ hậu quả của năm tuổi 49 chưa hết, thì lại đến năm 53 tuổi, vận hạn cũng không kém, cuộc sống lại lao đao. Nhưng nếu vượt qua hai cái mốc này thì cuộc đời con người bước sang trang mới, ung dung nhàn nhã hưởng thụ tuổi già.Tuổi hạn cũng chỉ là để đánh dấu sự kết thúc của một quá trình này nhưng có thể lại là mở đầu của một quá trình khác. Nó không có toàn tốt hoặc toàn xấu mà thường xen kẽ theo kiểu trong rủi có may.
Có nhiều cách giải thích vì sao tuổi 49, 53 chúng ta gặp rủi ro nhiều hơn. Dưới đây là cách lý giải theo góc độ quan niệm dân gian và theo cơ sở khoa học.
Cách lý giải theo quan niệm dân gian câu nói “49 chưa qua, 53 đã tới”
1. Quan niệm thứ nhất
+ Khi cộng dồn số 49 ta thấy: 4 + 9 = 13 và 1 + 3 = 4, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm.
+ Khi cộng dồn số 53 ta thấy: 5 + 3 = 8, tương ứng nữ gặp sao Thái Bạch, nam gặp sao Thái Âm.
Mà “Thái” là quá, "Bạch" là trắng (chủ về tang chế, tai nạn, xương cốt). “Âm” là tối, đen, nước, hiểm trở (chủ về ốm đau, dao kéo, xe cộ, sông nước). Cả nam và nữ trong tuổi này đều u ám, đen đủi đủ đường.
2. Quan niệm thứ hai
Chòm sao Thái Tuế quản 12 năm hàng Chi, khởi điểm (1 tuổi) mang sao Thái tuế, cứ 12 năm lặp lại một lần. Vào những năm có số tuổi chia cho 12 dư 1 như sau: 13, 25, 37, 49, 61, 73, 85 sẽ mang sao Thái Tuế. Mà Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn, ốm đau, tang chế. Trước Thái Tuế có Thiên Không, sau Thái Tuế có Quán Sách, đôi sao này thuộc “hỏa” và không có lợi.
3. Quan niệm thứ ba
Theo quy luật của tạo hóa thì từ khi thai nghén, con người đã theo chu kỳ 7 x 7. Theo đó, các mốc có số 7 như 7 giờ, 7 ngày, 7 tuần, 7 tháng, 7 năm đều đánh dấu sự thay đổi quan trọng. Cụ thể, 7 năm thứ nhất phát triển chiều ngang, 7 năm thứ hai phát triển chiều cao, 7 năm thứ ba phát dục, 7 năm thứ tư phát triển cơ bắp, 7 năm thứ năm phát triển trí tuệ, 7 năm thứ sáu phát triển toàn diện, 7 năm thứ bảy dừng lại, ổn định, dần suy giảm. Mà 7 x 7 = 49 sẽ hết một chu kỳ. Hết chu kì này sẽ là 49, 53, có thể sẽ bị diệt vong, cũng có thể sẽ phát triển chu kỳ tiếp theo. Đó là sự sinh, còn xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân.
4. Quan niệm thứ tư
Độ tuổi từ tuổi 49 đến 53 ứng vào con số 4 (là số ngũ hành, gồm sinh – lão – bệnh – tử – sinh). Nếu ai đó vượt qua được giai đoạn “tử” nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời.
Cách lý giải theo cơ sở khoa học câu nói "49 chưa qua 53 đã tới"
Ở vào khoảng tuổi năm mươi, đồng nghĩa với việc con người đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Sức khỏe con người ở tuổi này bắt đầu giảm sút, các cơ quan lão hoá, sức đề kháng kém hơn, nguy cơ ngã bệnh cao hơn, xương cốt yếu hơn… Do đó mà nhiều người bị bệnh, thậm chí là thiệt mạng.
Tuy nhiên, con người có thể giải hạn tống ách trừ tai, cải hung hoá cát, cải hoạ vi tường bằng việc:
-Sống hoà nhập thiên nhiên, tuân thủ quy luật tạo hoá.
-Không tham, sân, si.
-Năng làm việc thiện, giúp đỡ người tàn tật, khó khăn.
-Sinh hoạt điều độ, không hút thuốc, uống rượu, cẩn thận khi tham gia giao thông.
-Lễ dâng sao giải hạn, cầu Quốc thái Dân an là việc tốt, nên làm.