Các công ty sản xuất thiết bị chế tạo bán dẫn Trung Quốc thu lợi lớn từ những hạn chế của Mỹ
VietTimes – Các nhà sản xuất công cụ cho chip Trung Quốc nhận được cơ hội phát triển từ sự bùng nổ đầu tư vào ngành cung cấp thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gia tăng và siết chặt các hạn chế thương mại.
Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn của Trung Quốc theo báo cáo tài chính mới nhất thông báo doanh thu và lợi nhuận tăng cao đáng kể, khi lấp đầy khoảng trống do các nhà cung cấp Mỹ để lại. Những doanh nghiệp này buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh sản xuất tại quốc gia này, tuân thủ những hạn chế thương mại của Mỹ.
Công ty ACM Research tại Thượng Hải, nhà sản xuất thiết bị làm sạch, mạ điện và đóng gói, doanh nghiệp thành viên Trung Quốc của công ty Mỹ ACM Research có được tổng doanh thu 2,9 tỉ nhân dân tệ (419 triệu USD) vào năm 2022, tăng đáng kể so với 1,6 tỉ nhân dân tệ (231,5 triệu USD năm 2021, do nhu cầu trong nước tăng. Lợi nhuận ròng đạt 689 triệu nhân dân tệ (99,7 triệu USD), tăng 254% so với năm 2021, theo báo cáo thường niên được công bố vào tháng 1/2022.
Tập đoàn Công nghiệp Silicon Quốc gia, doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn, chuyên cung cấp tấm silicon cho các xưởng đúc chip, theo báo cáo thường niên thông báo, doanh thu doanh nghiệp tăng 46%, đạt 3,6 tỉ nhân dân tệ (521 triệu USD) năm 202, do nhu cầu cao từ các nhà sản xuất mạch tích hợp Trung Quốc, sử dụng các nút quy trình công nghệ bán dẫn đã trưởng thành từ 28 nanomet trở lên.
Sravan Kundojjala, nhà phân tích ngành công nghiệp bán dẫn cấp cao tại Cổng thông tin linh kiện bán dẫn TechInsights cho biết: "Những lệnh trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc về công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn, đồng thời tạo ra khoảng trống thị trường làm tăng trưởng doanh thu cho các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc.
Một nhân viên kiểm tra chip tại một cơ sở sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc ở Suqian, một thành phố ở phía đông tỉnh Giang Tô, ngày 19/2022/19. Ảnh: Getty
Tập đoàn Công nghệ Naura thông báo, do nhu cầu sản xuất thiết bị điện tử nội địa tăng cao, công ty đạt doanh thu 14,7 tỉ nhân dân tệ (2,1 tỉ USD) trong năm 2022, tăng 51,7% so với năm 2021. Một công ty sản xuất công cụ chip khác, nhà chế tạo thiết bị vi mô tiên tiến (Advanced Micro-Fabrication Equipment) cũng báo cáo doanh thu 4,7 tỉ nhân dân tệ (680 triệu USD) năm 2022, tăng 52,5% so với năm 2021, lợi nhuận ròng tăng 15,6% lên 1,2 tỉ nhân dân tệ (173 triệu USD), theo báo cáo thường niên được công bố tháng 4/2023.
Những nhà chế tạo thiết bị sản xuất chip này đang cung cấp cho một số xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc, các công ty đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn trong nước.
Theo một báo cáo của trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), công ty Công nghệ bộ nhớ Yangtze tăng gấp đôi nỗ lực hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc nhằm đạt được sự giúp đỡ cao nhất sản xuất chip nhớ trên nền tảng kiến trúc NAND Flash sáng tạo, Xtacking 3.0.
NAND Flash là một loại công nghệ lưu trữ bền vững và ổn định, giữ được dữ liệu ngay cả khi không có điện, ưu thế này khiến chip nhớ trở thành lý tưởng cho nhiều thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và ổ đĩa trạng thái rắn.
Những số liệu trên cho thấy quyết tâm của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đang chịu các lệnh trừng phạt Mỹ trong định hướng tiếp tục phát triển và đổi mới, bất chấp những khó khăn từ các hạn chế thương mại của Mỹ.
Tháng 10/2022, các công ty Mỹ Lam Research Corp và KLA Corp phải nỗ lực hết sức điều chỉnh các sản phẩm xuất khẩu để tuân thủ một vòng hạn chế thương mại mới do Washington ban hành. Những hạn chế này khiến các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp thiết bị và dịch vụ cho những dự án chip khác nhau của Trung Quốc và các nhà cung cấp nội địa đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trên thị trường.
Các nhà cung cấp công nghệ Mỹ đã đình chỉ hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố những chính sách xuất khẩu cập nhật nhằm ngăn chặn các lô hàng chip tiên tiến và công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn, được cho là có tiềm năng sử dụng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và có thể hình thành khả năng thống trị những ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia này.
Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ mang tính ngăn chặn và phá hủy đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nhưng sự gián đoạn nguồn cung mang lại cơ hội cho các công ty cung cấp thiết bị trong nước phù hợp hơn với những lợi ích của các xưởng đúc địa phương và tham vọng phát triển ngành sản xuất chip của Bắc Kinh. Trung Quốc âm thầm đặt mục tiêu mua trang thiết bị, đạt tới 70% giá trị từ các nhà cung cấp trong nước, theo các chuyên gia trong ngành.
Chính quyền Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào những dự án chip mới, riêng tỉnh Quảng Đông phía nam đất nước đang phát triển tới 40 dự án bán dẫn mới trị giá hơn 500 tỉ nhân dân tệ (72 tỉ USD), dự kiến sẽ duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với những thiết bị và công cụ sản xuất có nguồn gốc địa phương.
Peter Wennink, giám đốc điều hành công ty sản xuất hệ thống in thạch bản Hà Lan ASML Holding, gần đây tuyên bố, kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển lĩnh vực thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ ngăn chặn các công ty quốc gia này tiếp cận những thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ nước ngoài là "hợp lý".
"Vì vậy, vấn đề rất cần thiết là chúng tôi phải tiếp cận thị trường Trung Quốc", ông Wennink nói.
Ông cũng cho biết, một nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 của ASML sau Đài Loan và Hàn Quốc có kế hoạch sản xuất rất nhiều xe điện (EV) trong 3 năm tới đến mức doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng mua sắm sản phẩm từ "6 hoặc 7 nhà máy bán dẫn logic đã sản xuất ổn định về chất lượng".
Peter Wennink, giám đốc điều hành của công ty cung cấp máy in thạch bản Hà Lan ASML. Ảnh: Reuters
Nhưng ở Trung Quốc, tính đến thời điểm này, ngay cả các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip cũng phát triển trên nền tảng công nghệ nước ngoài, từ vật liệu và những thành phần quan trọng đến linh kiện bán dẫn cụ thể để chế tạo những trang thiết bị ngành chip, theo Kundojjala từ cổng thông tin điện tử về linh kiện bán dẫn TechInsights.
"Vẫn còn phải xem các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ vượt qua sự phụ thuộc đó như thế nào”, ông nói.
Hơn 600 công ty Trung Quốc, bao gồm một số công ty công nghệ chip hàng đầu quốc gia bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là Danh sách thực thể, không cho các doanh nghiệp này có quyền truy cập vào công nghệ, thiết bị và dịch vụ của Mỹ mà không có sự chấp thuận của Washington.
Một số điểm nghẽn lớn cũng đang kìm hãm tiến trình phát triển chuỗi cung ứng sản xuất chip của Trung Quốc. Hiện nay không có lựa chọn thay thế khả thi nào trong nước cho những công cụ đo lường do công ty KLA của Mỹ cung cấp, các hệ thống in thạch bản tiên tiến từ ASML và nguyên liệu, chi tiết thiết bị do các nhà cung cấp Nhật Bản là Nikon và Canon.