Các chuỗi như Pharmacity, Long Châu, An Khang mới chỉ chiếm 4% thị phần nhà thuốc

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 14:09:28

SSI Research cho biết, đến năm 2025 thị phần các nhà thuốc thuộc các chuỗi sẽ tăng lên 16%. Tuy nhiên, các nhà thuốc hiện nay vẫn kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu, nên việc tăng trưởng đột biến số cửa hàng sẽ không đi kèm tăng trưởng doanh thu tương đương của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước.

Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật ngành dược.

Diễn biến ngành dược quý 1/2022

SSI Research ước tính, tổng doanh thu dược phẩm của cả nước quý 1/2022 tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% và kênh bệnh viện giảm 5%. Thông thường, trong giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu dược phẩm của cả nước tăng trung bình 13%/năm, với doanh thu từ kênh nhà thuốc chỉ tăng khoảng 6%/năm.

Do đó, đợt bùng phát biến thể Omicron vừa qua với tỷ lệ nhập viện thấp và các thuốc điều trị Covid như Favipiravir/Molnupiravir được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng dột biến và duy trì doanh thu của cả ngành ổn định.


Mặt khác, lượt khám ở bệnh viện vẫn phục hồi tương đối chậm do thắt chặt chính sách giãn cách xã hội ở các tỉnh thành trong quý 1/2022 nhưng đang dần hồi phục nhanh sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 4.

Doanh thu các công ty Imexpharm, Bidiphar và Traphaco tại nhà thuốc lần lượt tăng trưởng 34%, 53% và 29% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng doanh thu tại kênh bệnh viện hầu hết đều thấp hơn, ở mức -44%, 8% và 41% so với cùng kỳ.

Về giá thuốc, SSI Research ước tính giá bán lẻ trung bình của các loại thuốc giảm sốt, giảm ho, vitamin, thực phẩm chức năng và các thuốc điều trị Covid-19 trong quý 1/2022 đã tăng 5% so với quý 1/2021 và 13% kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên trong năm 2022.

Trong khi đó, các loại thuốc khác có mức tăng khá ổn định, mặc dù mức tăng thấp hơn (khoảng 5-9% kể từ năm 2020) do chi phí nguyên vật liệu dược phẩm tăng cao trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt tại 2 quốc gia cung cấp dược liệu chính là Trung Quốc và Ấn Độ. Mức tăng giá thuốc tại các công ty sản xuất dược phẩm niêm yết cũng được ghi nhận ở mức tương tự, đủ để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao, giúp duy trì lợi nhuận ngành ổn định trong kỳ.

Triển vọng ngành đến cuối năm 2022

SSI Research nhận định, nhu cầu dược phẩm sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm 2022 khi doanh thu ở kênh bệnh viện phục hồi mạnh. Với mức nền thấp của năm 2021 do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thì trong nửa cuối năm 2022, doanh thu kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, giúp tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% trong 6 tháng cuối năm và tính chung cả năm 2022 khoảng 11%, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.

Liên quan đến 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất trên thị trường hiện nay, là Pharmacity, Long Châu và An Khang, SSI Research cho rằng cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới. Cả 3 chuỗi này đều đang cùng mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước.

Theo khảo sát từ IQVIA, tổng số cửa hàng thuốc của cả nước trong năm 2016 là 55.300 cửa hàng, với chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần). Năm 2021, sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn và nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, nhưng hiện đã có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~4% thị phần).

Mặc dù tỷ trọng chuỗi nhà thuốc vẫn còn khá nhỏ so với thị trường, nhưng kế hoạch đầy tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần và do đó kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.

mức tăng trưởng đột biến về số lượng cửa hàng của các chuỗi này không đồng nghĩa với mức tăng trưởng tương đương với doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước.

SSI Research ước tính kết quả kinh doanh các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook