Các cặp vợ chồng trẻ ngày nay: Thích trẻ con nhưng không dám đẻ

Chia sẻ Facebook
24/04/2023 18:12:19

Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay mặc dù rất thích trẻ con nhưng luôn trì hoãn kế hoạch sinh nở vì nhiều lý do. Người thì sợ ảnh hưởng sự nghiệp, người lại lo không đủ tiền nuôi con.


“Cứ đẻ đi, trời sinh voi trời sinh cỏ”, “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, “tiền nhiều thì nuôi kiểu nhiều, tiền ít thì nuôi kiểu ít”,... Đó là loạt câu nói phụ huynh hai bên cứ khi gặp lại nói với vợ chồng tôi để giục sớm có con.

Trên thực tế, không phải chúng tôi không thích trẻ con. Khi nhìn thấy các bài đăng về một em bé nào đó đáng yêu trên mạng tôi lại xuýt xoa không biết sau này con mình sinh ra có đáng yêu như vậy không? Tuy nhiên, bảo sinh con bây giờ thì lại là một nỗi lo quá lớn.



Không ít cặp vợ chồng trẻ dù rất thích trẻ nhỏ nhưng lại ngại việc sinh con.


Ảnh hưởng sự nghiệp

Ngay từ thời sinh viên, tôi đã xác định phụ nữ cần có sự nghiệp vững chắc mới nên kết hôn, sinh con. Cũng vì thế mà sau khi ra trường 2 năm tôi mới lấy chồng. Cả hai cũng dự định sẽ làm kinh tế thêm 1-2 năm nữa rồi có con cũng không muộn, bất chấp sự thúc giục của hai bên gia đình. Tuy nhiên, công việc không thuận lợi như tôi nghĩ. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cắt giảm nhân sự, tôi phải bắt đầu lại từ con số 0. Chật vật đi xin việc khắp nơi, định dồn hết số vốn tích cóp để khởi nghiệp nhưng cũng mông lung. Nếu lúc này có con thì sự nghiệp sẽ đi đâu về đâu?


Một cô bạn thân của tôi đã kết hôn 2 năm bài đăng nào về trẻ con cũng thấy nó share rồi thả tim lia lịa. Nhưng khi được bảo thích thế thì đẻ lấy một đứa mà ngắm thì lại chối đây đẩy. “Đẻ con ra bây giờ thì làm gì còn cơ hội thăng chức nữa? Thôi thích thì thích nhưng từ từ cũng được”. Bởi hiện tại, ở công ty cô bạn của tôi đang là một trong những cái tên được nhắm cho vị trí trưởng phòng. Phấn đấu, cống hiến cho công ty từ lúc chưa ra trường đến giờ. Nếu nghỉ 6 tháng - 1 năm sinh con thì sẽ thụt lùi mất. Lúc đó, đã có người thay thế vị trí ấy rồi.



Sự nghiệp đang trên đà phát triển sinh con sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến.

Minh chứng rõ nhất cho câu chuyện này phải kể đến Mai Trang (25 tuổi, đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội). Trang và người yêu đều làm chung một công ty. Cả hai đều đang được sếp nhắm cho vị trí quản lý dự án. Tuy nhiên, lúc này Trang lại bất ngờ phát hiện bản thân có em bé. Cả hai cũng dự định sẽ làm đám cưới. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc Trang phải từ bỏ vị trí quản lý. Phấn đấu mấy năm trời giờ tự dưng bị vụt mất khi đã ở trong tầm tay khiến cô không khỏi tiếc nuối. Chồng sắp cưới của Trang cũng mất luôn cơ hội này vì quy định của công ty không cho quản lý và nhân viên yêu nhau. Hơn nữa cả hai lại chuẩn bị cưới, nếu muốn không ảnh hưởng sự nghiệp thì một trong hai phải nghỉ.

Mặc dù rất thích có em bé nhưng khi biết phải hi sinh sự nghiệp nhiều như vậy Trang cũng có chút hối hận. Cô cũng lo lắng sau 6 tháng nghỉ sinh quay trở lại công ty, liệu vị trí của mình có còn được như hiện tại.



Nghỉ sinh con khiến không ít chị em lo lắng khi quay lại công ty sẽ không còn vị trí như hiện tại. (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống/Phụ nữ Việt Nam)


Áp lực kinh tế

Áp lực kinh tế là một nỗi lo lớn nhất của các cặp vợ chồng trẻ khi sinh con. Bởi chi phí để nuôi một đứa trẻ hiện giờ không phải nhỏ. Từ tiền bỉm sữa, quần áo, đồ ăn thức uống đến việc đi học. Có người cha, người mẹ nào mà không muốn mang lại cho con những gì tốt đẹp nhất? Nhưng tiền ở đâu ra để làm điều đó? Nhất là với những gia đình lao động phổ thông, bám trụ lại thành phố vẫn phải đi thuê trọ.

Muốn cho con học trường tư, trường quốc tế thì không đủ điều kiện. Muốn cho con học trường công thì không có hộ khẩu thành phố. Người có hộ khẩu cũng phải chật vật xếp hàng, đặt chỗ từ nửa đêm. Ngay cả ở cấp bậc mẫu giáo, tiểu học cũng như vậy chứ chưa nói đến các bậc học cao hơn. Rồi chưa kể tiền học thêm, học năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, dã ngoại,... Hàng loạt thứ tiền đè nặng lên vai trong khi lương công chức hay nhân viên văn phòng ở mức trung bình còn chưa đến 10 triệu đồng/tháng.



Để chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ không phải điều dễ dàng. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Tôi có người chị họ ở quê đã có 2 cô con gái, một cháu năm nay học lớp 5, còn một cháu năm nay mới vào lớp 1. Vì sống ở quê nên mức chi tiêu cũng giảm bớt áp lực hơn thành phố đôi chút. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng chị lương trung bình chỉ có 15 triệu đồng/tháng. Vậy mà mới vào đầu năm học, tiền đóng góp cho hai đứa trẻ đến trường đã lên tới 8 triệu đồng. Số tiền này quá nửa số lương một tháng khiến cả hai vợ chồng chị như ngồi trên đống lửa. Đó là chưa kể tiền học thêm bởi thời bây giờ không phải như ngày xưa. Mới lớp 1 đã phải đi rèn chữ viết, học phát âm nếu không sẽ không theo kịp bạn bè.


Có những tháng hai vợ chồng chị phải nhờ đến sự viện trợ của bà ngoại mới đủ sống. Tuy nhiên, nhà nội thì lại muốn họ đẻ thêm 1 cháu cho có người nối dõi tông đường. Nhắc đến điều này chị tôi cảm thấy sợ hãi. “Mặc dù chị cũng thích có thêm cậu con trai để sau này con gái đi lấy chồng còn có chỗ dựa dẫm nhưng bảo đẻ ngay bây giờ thì chị cũng chịu. Giờ nuôi 2 đứa còn không xong đẻ thêm đứa nữa thì đúng là cạp đất mà ăn”.



Việc chăm cùng lúc 2 đứa trẻ khiến các bà mẹ trở nên áp lực, mệt mỏi. (Ảnh: N.Y.T)

Áp lực kinh tế đè nặng lên vai các cặp vợ chồng trẻ khiến tỷ lệ sinh cũng ngày càng giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa sau 3 thập kỷ. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019.

Dự báo dân số Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của giai đoạn này, tỷ lệ dân số vẫn có sự tăng trưởng là 0,93% nhưng đã giảm rất nhiều so với trước. Và dự đoán trong tương lai, tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm mạnh và dừng vào cuối giai đoạn 2064-2069.



Áp lực kinh tế nặng nề khiến tỉ lệ sinh ở nước ta cũng giảm sút nhanh chóng.

Dự báo năm 2026, đất nước chúng ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già trong giai đoạn 2026-2054. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069). Điều đó, tương ứng với số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm tỷ trọng khá cao, từ 20% đến dưới 29,9%.


Không còn tự do, thoải mái

Ảnh hưởng đến sự nghiệp hay áp lực kinh tế không phải vấn đề duy nhất khiến phụ nữ ngại sinh con. Có không ít cặp vợ chồng dù sự nghiệp đã ổn định, kinh tế dư dả nhưng vẫn ngại có con. Mặc dù họ vẫn rất thích trẻ con nhưng ngại việc sinh ra sẽ không còn tự do, thoải mái bay nhảy nữa. Thậm chí có những cặp vợ chồng cuối tuần vẫn đến các trung tâm bảo trợ trẻ em chơi đùa hay trợ cấp cho những đứa trẻ nhưng bảo có con thì tuyệt nhiên không muốn.

Ngay cả trong showbiz Việt cũng có không ít cặp vợ chồng đã kết hôn nhiều năm mà vẫn không sinh con. Điển hình phải kể đến một cặp vợ chồng là ca sĩ nổi tiếng cũng tuyên bố sẽ không sinh con. Sau khi đi hát cả chục năm trời, mặc dù hiện tại đã không còn chạy show đi diễn nhiều nữa nhưng có thể khẳng định họ dư dả kinh tế để chăm sóc cho 1, 2 đứa trẻ, thậm chí nhiều hơn. Vậy lý do tại sao họ lại không muốn sinh con? Người chồng tuyên bố, hiện tại cuộc sống đang rất vui, họ đã thống nhất không sinh con mà cứ ở như vậy cho đến già. Chính vì thế, cả hai quyết định cứ sống như vậy, đến một thời điểm nào đó thấy cần có con thì cả hai sẽ tính tiếp.


Trong khi đó, cô vợ lại hài hước tiết lộ thêm lý do: "Hai đứa ở với nhau đã tăng động và chí choé rồi, có thêm một đứa nữa sẽ có chuyện đấy!".



Nhiều người cho rằng có con sẽ khiến cuộc sống mất đi sự tự do, thoải mái. (Ảnh: The Straits Times)

Tuy nhiên, người ta vẫn nói đứa con chính là sợi dây liên kết tình cảm của bố mẹ. Chúng là kết tinh của tình yêu, tiếng nói, tiếng cười của trẻ con sẽ khiến gia đình thêm vui vẻ, đầm ấm hơn. Trước đây, nếu bố mẹ chúng ta cũng nghĩ như vậy thì hiện tại làm gì có chúng ta của bây giờ?

Trên thực tế, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những áp lực riêng. Để có được quả ngọt tất nhiên phải chấp nhận đánh đổi. Chuyện mang thai, sinh con của người phụ nữ cũng như vậy. Biết rằng việc sinh con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, sẽ có áp lực về kinh tế, sẽ không còn tự do, thoải mái nhưng bạn không hề làm điều đó một mình. Ngoài người bạn đời ở bên cạnh thì còn có cả đại gia đình hai bên hỗ trợ trông nom, chăm sóc. Chính vì thế, chị em cũng nên có suy nghĩ thoáng hơn trong vấn đề sinh nở. Chỉ cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết.



Sự xuất hiện của những đứa trẻ sẽ khiến gia đình thêm gắn kết hơn.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.


Ngoài những tin tức giải trí và cuộc sống được cập nhật liên tục, bạn cũng có thể tham gia vào cộng đồng hội những người tò mò về lá số thông qua Ứng dụng Tử Vi Toàn Tập nhé. Ứng dụng có thể giúp bạn tiên đoán về tình yêu và sự nghiệp một cách đơn giản và nhanh nhất. Tải ứng dụng Tại đây !

Sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, để làm được thiên chức đó, chị em cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ. Từ sự nghiệp, nhan sắc có phần xuống cấp đến áp lực kinh tế đè nặng trên vai. Nếu có chồng và gia đình bên cạnh thấu hiểu thì còn may mắn. Ngược lại, không ít gia đình lại cho rằng có mỗi việc đẻ con thôi mà cũng phải kêu ca. Cũng vì lẽ đó mà việc nhiều người mặc dù thích trẻ con nhưng vẫn ngại đẻ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một đứa trẻ khi chào đời sẽ đem đến niềm hạnh phúc vô bờ mà chỉ có bậc làm cha, làm mẹ mới hiểu.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook