Ca tay chân miệng tăng, chuyên gia nhận định thời gian dịch “hạ nhiệt"

Chia sẻ Facebook
22/07/2023 02:22:32

Tp. HCM đang ở tình huống 2 ứng phó bệnh tay chân miệng tức khoảng 50-100 ca nhập viện/ngày. Vậy khi nào dịch bệnh có dấu hiệu “hạ nhiệt”?

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Tp. HCM về tình hình dịch tay chân miệng trên địa bàn, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng, dẫn đến số ca nặng cũng đang gia tăng tại các bệnh viện.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, tính từ đầu năm đến nay, Tp.HCM đã ghi nhận 7.823 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỉ lệ 8,95%).

Trong tuần 27 (từ 3/7- 9/7) số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh, Thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần.

Ngành y tế Tp. HCM dự báo số ca tay chân miệng và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới; tỉ lệ nhập viện và ca nặng từ các tỉnh chuyển đến thành phố chiếm khoảng 80%. Đến nay, bệnh tay chân miệng đã làm 6 trẻ tử vong - đều từ các tỉnh, thành khác.


Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh thời gian gần đây, sáng 21/7 trao đổi với Người Đưa Tin , BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho rằng để hạn chế số ca mắc tăng điều quan trọng là cần chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện sớm.

BS. Trương Hữu Khanh nhận định nếu phòng ngừa tốt đến tháng 8 dịch bệnh tay chân miệng sẽ giảm.

Nói về lý do dịch bệnh tăng nhanh như hiện nay, BS. Khanh cho biết chủng gây bệnh tay chân miệng năm nay là Enterovirus 71 (EV71 - là chủng virus có độc lực cao) khiến tỉ lệ mắc và trở nặng tăng cao.

Bệnh tay chân miệng có một số triệu chứng khá sống với sốt phát ban, để phân biệt trẻ mắc tay chân miệng, theo BS. Khanh, dấu hiệu mắc tay chân miệng khá đa dạng, có thể phụ huynh, cô giáo hay bác sĩ nhìn thôi cũng biết. Nhưng, cũng có lúc rất khó phát hiện, thường hay nhầm tay chân miệng với dị ứng, thủy đậu.

Triệu chứng điển hình thông thường trẻ sốt 1-2 ngày và hết sốt, sau đó xuất hiện những triệu chứng trên da và trong miệng. Nếu bị tay chân miệng ở trong miệng thì sẽ đau, chảy nước miếng, biếng ăn. Sau đó, lật bàn tay, bàn chân, mông thì sẽ thấy có mụn nước…

Để phòng, chống hạn chế dịch bệnh tay chân miệng, BS.Khanh khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi con thường xuyên, rửa tay thường xuyên, khi có các biểu hiện của bệnh cần cho trẻ đến đúng bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, điều trị kịp thời.

Trả lời câu hỏi đến khi nào dịch bệnh tay chân miệng sẽ “hạ nhiệt”, BS.Khanh nhận định: “Nếu chúng ta phòng ngừa tốt thì đến tháng 8 dịch bệnh sẽ giảm, còn không phòng ngừa tốt thì phải đến tháng 9, tháng 10”.

Tp.HCM đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bệnh tay chân miệng.

Trước đó, tháng 6, Tp.HCM đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bệnh tay chân miệng. Kịch bản 1, dưới 50 ca nhập viện/ngày, dưới 200 ca nội trú và dưới 20 ca nặng. Kịch bản 2, 50-100 ca nhập viện mỗi ngày, 200 đến 700 ca nội trú với khoảng 10% ca nặng. Kịch bản 3, 100 - 200 ca nhập viện mỗi ngày, 700 đến 1.400 ca nội trú với 10% ca nặng.

Cũng trong tháng 6, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Chỉ đạo ngành Y tế địa phương chủ động và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.


Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54 của Bộ trưởng Bộ Y tế .

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.


Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe , triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch uống sạch, ở sạch"; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.


Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở… .

Chia sẻ Facebook