Cá “tàng hình” hiếm hơn vàng ở Việt Nam
Tại Việt Nam trước năm 1995, người ta tình cờ bắt được một con cá loại này ở biển Nha Trang và từ đó đến nay, không gặp lại nữa.
Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, cá dao cạo hay còn gọi là cá chìa vôi giả thuộc họ Cá dao cạo Solenostomidae, thuộc bộ Cá gai Gasterosteiformes. Thân của nó tương đối dài, hơi dẹp bên. Phần vây lưng thứ nhất, vây bụng và vây đuôi đều rất lớn. Đầu của cá dao cạo khá to và dài. Mõm của chúng dài và có hình dạng ống hút. Miệng không có răng. Chiều dài bắp đuôi lớn hơn chiều cao bắp đuôi.
Không giống như ở các loài Cá ngựa Hippocampus và Cá chìa vôi (họ Cá chìa vôi Syngnathidae), cá dao cạo cái chăm sóc trứng và con non. Ở trong bụng của cá cái có một túi da do phần trong của các vây bụng làm thành. Túi này nửa hở, trứng và con non được nuôi dưỡng trong đó. Con cái có thể mang tới 350 trứng đã thụ tinh.
Cá dao cạo phân bố ở Nhật Bản, Indonesia, Mauritius, Zanzibar, Maldives. Tại Việt Nam, cá dao cạo mới chỉ xuất hiện một cá thể ở biển Nha Trang và từ đó đến nay chưa ai từng trông thấy loài cá này nữa.
Theo trang Dive the World, cá dao cạo là loài bơi lội tương đối yếu do đó phạm vi hoạt động của chúng rất hạn chế trong những lãnh thổ rất nhỏ.
Cá dao cạo chỉ sống được 1 năm và trưởng thành về mặt sinh dục từ rất sớm . Thời gian cá cái mang thai kéo dài ba tuần. Cuộc sống của loài cá này bắt đầu từ khi còn là một ấu trùng trôi dạt trên dòng hải lưu. Ấu trùng rất nhỏ, dài khoảng 3 mm. Lúc mới sinh ra, cá con sẽ trong suốt cho đến khi tìm đường đến rạn san hô để sinh sống.
Theo Sách đỏ Việt Nam, cá dao cạo được xếp vào mức Nguy cấp. Loài cá này được đề xuất cần phải được đưa vào danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Thủy sản. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần giáo dục người dân ý thức bảo vệ loài cá hiếm này. Nếu bắt được cần thả ngay khi cá còn sống, cũng có thể tổ chức nuôi trong các hồ nhỏ nước mặn, cho sinh sản nhân tạo và nuôi ấu thể.