Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 nhằm xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Sáng 11/3, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển”.
Về dự hội nghị có đại diện lãnh sự quán các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Angola, Cuba, Kazakhstan…cùng đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo báo cáo, hiện Đắk Lắk có 213.336 ha cà phê, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm. Đây được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, các địa phương, thương lái có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh.
Từ đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất cà phê không chỉ về giá trị mà cần phải tạo sự tôn trọng, uy tín, niềm tin giữa người bán, người mua, người sản xuất, người tiêu dùng. Hơn ai hết, người làm cà phê phải nâng niu từng hạt cà phê, nâng niu sản phẩm cà phê, xa hơn nữa là nâng niu nông sản việt, nâng niu tâm hồn việt.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 là cơ hội mở rộng giao thương, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho hay, cà phê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản. Tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn.
Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại đề nghị, các ngành chức năng và các doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, nông dân cũng tự nâng cấp chính mình, khó hơn để hoàn thiện hơn.
Khánh Ngọc