Cả nước ghi nhận 102 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
18/10/2022 16:43:18

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần (từ ngày 7 đến 14/10), cả nước ghi nhận 9.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết , trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…

Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.


Đáng lưu ý với sốt xuất huyết, không chỉ số ca tăng mà nhiều ca diễn biến bệnh nặng bất thường, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Với sốt xuất huyết cơ bản cần theo dõi sát và truyền đủ dịch, nắm rõ giai đoạn của bệnh.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Đáng chú ý, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.

Người dân tuyệt đối không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen... không cần thiết uống kháng sinh, không truyền dịch khi không có chỉ định.

Chia sẻ Facebook