Ca nhiễm liên tục tăng, có ngày hơn 1.000 ca, COVID-19 sẽ bùng trở lại?
Trong bối cảnh nước ta đã ghi nhận hai biến thể mới BA.4 và BA.5 thì số ca nhiễm những ngày qua cũng liên tục tăng nhẹ. Riêng ngày 19-7 có đến 1.085 ca - đây được xem là ngày có số ca nhiễm cao nhất hơn 1 tháng rưỡi qua.
Liệu dịch COVID-19 có bùng phát trở lại và có phải số ca mắc tăng là do biến thể mới BA.4 và BA.5 của chủng Omicron? Giám sát hai biến thể mới này bằng cách nào?
Cả nước tăng cường giám sát, TP.HCM chưa ghi nhận thêm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 16 đến 19-7, số ca nhiễm COVID-19 tại nước ta liên tục "leo thang". Trong ngày 16-7 ghi nhận 705 ca, ngày 18-7 là 840 ca và ngày 19-7 lên đến 1.085 ca. Ngày 19-7 cũng được xem là ngày có số ca nhiễm cao nhất trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua (ngày 2-6 có 1.088 ca). Cũng trong ngày 19-7, cả nước ghi nhận có đến 12 ca nhiễm là người nhập cảnh (con số này vào những tháng trước chỉ 1-4 ca).
Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến cáo người dân mang khẩu trang trở lại.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác. Đồng thời đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 20-7, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết TP.HCM đã phát hiện ba trường hợp nhiễm biến thể BA.4, BA.5 trong cộng đồng qua giải trình tự gen vào ngày 4-7 và cho đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm hai biến thể mới này.
Từ đầu tháng 6, TP.HCM đã mở rộng hệ thống giám sát biến thể mới COVID-19 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức nhằm phát hiện sớm biến thể mới. Ông Tâm cho hay hiện TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì hệ thống giám sát này.
Chỉ một phần do biến thể mới, khó bùng dịch
Liệu dịch có bùng phát trở lại? Nhiều chuyên gia y tế nhận định điều này khó có thể xảy ra nếu người dân nghiêm túc tiếp tục thực hiện biện pháp khuyến cáo 2VK của Bộ Y tế: vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn.
TS Nguyễn Hải Công - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho rằng việc gia tăng ca bệnh COVID-19 thì chỉ liên quan một phần đến biến chủng mới, dù hiện nay nước ta đã ghi nhận biến chủng BA.4 và BA.5 của Omicron được xem là có tính lây lan cao.
Vấn đề quan trọng hơn hết liên quan đến việc tăng, giảm ca nhiễm được ông Công đề cập là hiệu lực của vắc xin phòng COVID-19. Với hiệu lực của vắc xin thường suy giảm sau sáu tháng tiêm chủng nên có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó cần tiêm mũi nhắc lại để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
"Đây là vấn đề mấu chốt, bởi vậy việc tiêm vắc xin là rất cần thiết. Lý do chính làm giảm mức độ nặng và tử vong ở đợt dịch của biến chủng Omicron so với Delta cũng là vì chúng ta có nhiều vắc xin", ông Công nói.
Cũng theo bác sĩ Công, khi mở cửa các loại hình dịch vụ, sinh hoạt nhằm thích ứng cuộc sống bình thường mới, ý thức nhiều người dân chủ quan hơn và có tâm lý xem nhẹ nguy cơ về bệnh như: không mang khẩu trang, thường xuyên tụ tập nơi đông người… Đây cũng những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ lây nhiễm trong những ngày gần đây.
Vì sao tiêm cho trẻ quá chậm?
Về tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 8,6 triệu trẻ tiêm đủ 2 mũi, đạt trên 99%; số trẻ đã tiêm mũi 3 là gần 1,7 triệu trẻ, xấp xỉ 20%.
Tuy nhiên riêng nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiến độ tiêm rất chậm, tổng số mũi tiêm đến nay mới đạt 10,2 triệu mũi, trong đó có trên 7 triệu mũi 1 (61,4%), mũi 2 mới đạt 3,2 triệu mũi (xấp xỉ 28%).
Đáng chú ý có nhiều tỉnh thành tiêm mũi 2 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi mới đạt 8-13%, trong khi mục tiêu trước đây là hoàn thành tiêm chủng cho nhóm tuổi này khoảng tháng 5-6
năm nay.
Trả lời Tuổi Trẻ về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi quá chậm, một đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lý giải thời gian vừa qua là dịp trẻ được nghỉ hè, bên cạnh đó trong tháng 2 đến tháng 4-2022 đã có 3,5 triệu trẻ các lứa tuổi mắc COVID-19, tình trạng bệnh hầu hết là nhẹ khiến các gia đình chủ quan, chưa cho con đi tiêm.
Về hiệu quả bảo vệ của vắc xin với các chủng virus gây COVID-19 mới như BA.4, BA.5..., Bộ Y tế cho biết các nhà sản xuất vắc xin vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến vắc xin, nhưng vắc xin hiện nay vẫn có hiệu quả trong bảo vệ giảm số ca chuyển nặng, tử vong và vẫn nên tiêm chủng khi có chỉ định của cơ quan y tế.
LAN ANH
"Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam", giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X.