Ca mắc COVID-19 toàn cầu tăng gần 30% trong 2 tuần, châu Âu là tâm điểm đợt bùng phát dịch mới
Đến sáng 8/7, thế giới có trên 558,18 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 , Mỹ hiện có tổng cộng trên 89,95 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng hơn 1,044 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 25.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép các dược sĩ có chứng chỉ hành nghề được kê đơn thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 của hãng dược Pfizer cho những bệnh nhân đủ điều kiện.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 7/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,56 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 672.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,68 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã tăng gần 30% trong 2 tuần qua. Tổ chức này cho rằng, trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh.
Tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia, khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về dịch bệnh, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp. Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu.
WHO kêu gọi các nước cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ thuốc viên kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho người dân.
Châu Âu đang trải qua một đợt gia tăng số ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, Pháp và Italy ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao trên 100.000 trường hợp/ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu đang là tâm điểm của sự bùng phát trở lại các ca nhiễm COVID-19 khi ngày càng có nhiều người tham gia các sự kiện quy mô lớn và đi du lịch.
Các chuyên gia tại châu Âu đang đặc biệt theo dõi BA.2.75, dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron đang lây lan tại Ấn Độ và có thể "né" được phản ứng miễn dịch. Những trường hợp nhiễm biến thể BA.2.75 gần đây đã được phát hiện ở Đức, Anh, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia và New Zealand.
BA.2.75 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và các nhà nghiên cứu gọi đây là một biến thể "thế hệ thứ hai" do có nguồn gốc phát triển từ dòng phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hiện số ca nhiễm BA.2.75 trên toàn cầu còn thấp nên khó thu thập thông tin về trình tự gene của virus.
Theo các nhà khoa học, càng nhiều biến thể có nghĩa là khả năng của virus "né tránh" hệ miễn dịch cao hơn. Biến thể phụ mới có thêm 8 đột biến protein so với biến thể BA.2. Các nhà khoa học lo ngại rằng BA.2.75 có thể "né" miễn dịch đã hình thành trước đó để chống lại BA.2. Nói cách khác, nếu một người đã nhiễm BA.2 vẫn có thể mắc lại COVID-19 nếu tiếp xúc với BA.2.75.
Ngày 5/7, Pháp ghi nhận hơn 206.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục. Con số này trong ngày 7/7 là trên 161.200 người. Riêng trong tuần qua, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày tại Pháp là 120.000 trường hợp. Hiện Pháp đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ làn sóng thứ 7 của COVID-19 đang tấn công nước này.
Tại Bỉ , số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng nhanh với sự lây lan của biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron. Sự gia tăng mạnh nhất ở nhóm tuổi từ 10 đến 30 tuổi và đây là nhóm tiếp xúc nhiều trong bối cảnh lễ hội cuối năm học và bắt đầu kỳ nghỉ hè. Nước này sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mới vào đầu tháng 9 tới và sẽ áp dụng theo mức độ ưu tiên đối với các nhóm tuổi.
Bộ Y tế Italy cho biết, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục ở mức trên 100.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron tiếp tục lây lan rộng. Cụ thể, theo Bộ Y tế Italy, ngày 7/7, nước này ghi nhận thêm hơn 107.200 ca mắc mới COVID-19, giảm gần 30.000 người ca so với một ngày trước đó.
Số liệu cùng ngày của Liên đoàn Các cơ quan y tế và bệnh viện Italy cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 trong một tuần ở nước này đã tăng 84%, từ 51 trẻ trong ngày 28/6 lên 94 trẻ vào ngày 5/7. 78% số ca phải nằm viện là trẻ em dưới 5 tuổi do tại Italy chưa có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này.
Ngày 7/7, Cơ quan Y tế Australia thông báo mở rộng đối tượng đủ điều kiện tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19, cho phép những người trên 30 tuổi đăng ký tiêm nếu có nguyện vọng. Quyết định trên được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về tiêm chúng (ATAGI) và sẽ được áp dụng kể từ ngày 11/7. Theo đó, ATAGI khuyến nghị những người trên 50 tuổi nên tiêm mũi vaccine thứ tư, hoặc mũi vaccine nhắc lại thứ hai, trong khi những người trong độ tuổi 30 - 49 có thể đăng ký tiêm nhưng không khuyến khích. Những người dưới 30 tuổi sẽ không đủ điều kiện tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19, do ATAGI chưa đánh giá được liệu lợi ích của vaccine có lớn hơn nguy cơ hay không.
Bên cạnh việc mở rộng nhóm đối tượng được tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19, khoảng cách giữa các mũi vaccine, tính cả thời điểm mắc COVID-19, cũng sẽ được ATAG khuyến nghị giảm từ 4 tháng xuống còn 3 tháng.
Truyền thông Canada đưa tin, chỉ trong 5 tháng tính từ tháng 12/2021, một nửa dân số nước này, tức hơn 17 triệu người, đã bị nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tờ The National Post trích dẫn một báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm miễn dịch COVID-19 của Canada (CITF) cho thấy, trước khi biến thể Omicron bùng phát, chỉ có 7% dân số Canada có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 thông qua lây nhiễm tự nhiên. Tỷ lệ này đã tăng thêm 45% trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.
Theo CITF, trong giai đoạn này, Canada ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, gấp hơn 10 lần so với các giai đoạn đỉnh dịch ghi nhận trong hai năm qua. Phần lớn số ca mắc mới là thanh niên từ 17 - 24 tuổi, trong đó 65% đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 tính đến cuối tháng 5 vừa qua.
Bộ Y tế Iraq thông báo, số ca mắc COVID-19 đã tăng trở lại ở nước này, với 4.819 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/2. Các ca mắc mới đã nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên trên 2,36 triệu ca, trong khi số người thiệt mạng tăng thêm 2, lên 25.249.
Làn sóng lây nhiễm mới ở Iraq là hậu quả khó tránh khỏi khi còn nhiều người chưa tiêm phòng dù có sẵn vaccine tại các trung tâm y tế ở thủ đô Baghdad và nhiều tỉnh thành khác. Giới chức y tế Iraq lo ngại, nhiều người dân vẫn còn do dự trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, thậm chí lơ là với các quy định phòng ngừa.
Tại Trung Quốc , thêm hàng chục triệu người đã được yêu cầu không ra khỏi nhà. Nhiều cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa sau khi các ổ dịch COVID-19 mới bùng phát làm dấy lên lo ngại về khả năng các biện pháp hạn chế tiếp tục được siết chặt.
Các cơ quan y tế Trung Quốc đã báo cáo hơn 300 ca mắc mới COVID-19 tại thành phố Tây An và thành phố Thượng Hải. Tại Tây An, 13 triệu cư dân thành phố đang phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát tạm thời sau khi nhà chức trách ghi nhận 29 ca mắc mới COVID-19 từ ngày 2/7. Các địa điểm vui chơi, giải trí như quán rượu, quán cà phê Internet và quán karaoke phải đóng cửa.
Tại Thượng Hải, chính quyền thành phố đã triển khai đợt xét nghiệm diện rộng mới tại hơn 50% quận trên toàn thành phố. Các quán karaoke cũng được yêu cầu đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, đang chạy đua để theo dõi và cách ly các trường hợp lây nhiễm liên quan đến một tòa nhà, trong đó có một phòng hát karaoke mở cửa trái phép và một địa điểm phục vụ đồ ăn cung cấp dịch vụ karaoke mà không có giấy phép.
Bắc Kinh báo cáo 4 ca nhiễm mới, giảm so với 6 trường hợp một ngày trước đó. Thủ đô Trung Quốc vào ngày 6/7 đã lần đầu tiên triển khai đợt tiêm vaccine COVID-19 bắt buộc cho hầu hết người dân. Bắc Kinh đã ban hành quy định bắt buộc những người muốn vào một số địa điểm công cộng phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/7 tới. Theo đó, người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine trước khi vào các không gian công cộng như phòng tập thể thao, bảo tàng, thư viện. Quy định mới không áp dụng đối với những người không tiêm được vaccine vì lý do sức khỏe. Tính đến nay, có hơn 23 triệu người tại Bắc Kinh được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm COVID-19 đến từ Thượng Hải, thị trấn Tân Cương ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây đã xét nghiệm gần như toàn bộ 280.000 cư dân, đình chỉ dịch vụ taxi, dịch vụ gọi xe và xe bus, đồng thời đóng cửa nhiều địa điểm vui chơi giải trí.
Tại tỉnh Thiểm Tây, nơi báo cáo 4 trường hợp nhiễm mới, chính quyền địa phương đã yêu cầu các công ty du lịch hủy bất kỳ chuyến du lịch nhóm nào đến các khu vực Tây An.
Tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã báo cáo báo cáo 61 trường hợp nhiễm mới. Tỉnh này đã phải hủy bỏ một sự kiện thể thao lớn dự kiến diễn ra vào tháng 11.
Ngày 7/7, Trung Quốc ghi nhận 124 ca mắc mới COVID-19. Tổng cộng đã có 226.300 ở nước này nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi cố người thiệt mạng vẫn duy trì ở mức 5.226 trường hợp.
Ngày 7/7, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã đình chỉ lệnh cấm bay áp dụng như một hình phạt đối với các hãng hàng không bị phát hiện chở khách mắc COVID-19. Chính quyền Hong Kong đánh giá biện pháp cấm bay này "không hiệu quả".
Kể từ khi các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19 được áp dụng tại Hong Kong, trung tâm tài chính này ngày càng trở nên cô lập với thế giới. Ngày 7/7, tân Trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu thông báo tạm dừng quy định "cắt đứt chuỗi lây nhiễm" để tiến tới đạt mục tiêu chống dịch tốt nhất và ảnh hưởng đến xã hội ít nhất.
Hiện Hong Kong ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở các mức cao nhất kể từ tháng 4. Ngày 7/7, thành phố này báo cáo thêm 3.028 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.