Cả dòng họ ly tán vì chung nhau gần 8 tỷ đồng mua đất của Công ty Alibaba

Chia sẻ Facebook
09/12/2022 23:03:17

Bị nhân viên Công ty Alibaba chèo kéo, ông Chiến cùng anh chị em gom hết của cải mua 8 lô đất công ty với số tiền gần 8 tỷ đồng để rồi lâm vào cảnh ly tán.

Sáng 8/12, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba). Đây là vụ án phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay khi hồ sơ khoảng 1 triệu bút lục, được đựng trong 140 chiếc rương, vận chuyển bằng 2 xe tải. Khoảng 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó riêng số người bị hại đã lên tới 4.361 người.


Gom tiền mua đất, cả dòng họ ly tán

Sáng sớm, khi dòng người qua lại còn thưa, ông Đào Văn Chiến (58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã có mặt trước cổng TAND TP.HCM. Ông Chiến rầu rĩ, thu mình vào một góc bên trái cổng tòa. Chốc lát, ông lại ôm chiếc balo cũ đựng tập hồ sơ thấp thỏm đứng dậy, xem đến giờ cho vào hay chưa.

Thấy chúng tôi tới hỏi chuyện, ông Chiến không ngần ngại mà kể về sai lầm khiến cả dòng họ mình ly tán. Âu cũng vì tin vào lời chèo kéo của nhân viên Công ty Alibaba.

Ông Đào Văn Chiến có mặt tại TAND TP.HCM từ rất sớm.

Năm 2018, đang ngồi với bạn ở một quán nước tại TP Thủ Đức, ông Chiến được một nhân viên môi giới của Công ty Alibaba tới bắt chuyện. Sau khi giới thiệu bản thân, nhân viên này bắt đầu giới thiệu về Công ty Alibaba và các dự án công ty đang triển khai, mời chào ông Chiến mua đất nền.


Là người khá thận trọng từ trước đến nay, ông Chiến khéo léo từ chối. Bị từ chối, nhân viên này vẫn một mực xin bằng được số điện thoại của ông với lý do "sau này có dự án tốt hơn sẽ báo chú" . Để không bị làm phiền cuộc trò chuyện với bạn, ông Chiến đành cho số điện thoại để qua chuyện.


"Tôi chỉ cho số điện thoại thôi, thế mà mấy hôm sau nhân viên đó tìm được nhà tôi mới khiếp. Người đó đến nhà, cùng vài người khác nữa, họ mang theo sơ đồ phân lô dự án để giới thiệu. Lúc đó ở nhà tôi còn có mấy anh chị em tới chơi", ông Chiến nói.

Anh chị em của ông Chiến gồm 5 người, đều đã có gia đình riêng, kinh tế không mấy khá giả, còn phải ở nhà thuê. Ông Chiến là người hiểu biết hơn trong nhà, tài chính cũng ổn nhất. Nghe lời mồi chài của mấy nhân viên Công ty Alibaba, ông Chiến đã một mực từ chối, đồng thời can ngăn các anh chị em. Song, ông vẫn bất lực.


"Tôi can lắm, nhưng không được. Chú em tôi lúc đó ở nhà trọ, tài sản được vài ba trăm triệu, thấy họ giới thiệu đất nền ở Bà Rịa - Vũng Tàu giá cũng hợp lý quá nên nhất quyết mua. Kiểu là ở trọ lâu quá rồi, khát khao có được miếng đất làm nơi an cư, nên lúc đó quyết tâm lắm. Chú ấy một mực nhờ tôi đứng tên mua, còn nói là nhỡ có bị lừa thì chú ấy chịu", ông Chiến kể lại.

Cứ thế, các anh chị em khác của ông Chiến cũng lần lượt gom góp tiền bạc, vay mượn đủ đường nhờ ông Chiến đứng tên mua đất. Tổng cộng, mấy anh em của ông mua 8 lô, đã đóng đủ 95% với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Ông Chiến cùng anh chị em trong gia đình gom hết của cải mua 8 lô đất của Công ty Alibaba với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Đến năm 2019, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và các nhân viên lần lượt bị bắt. Công an kết luận Công ty Alibaba lừa đảo, các dự án đều là dự án "ma". Hay tin, ông Chiến và mấy anh em như chết đứng.


"Ly tán hết rồi, bỏ nhà, bỏ cửa đi hết rồi, có 2 người thì ly hôn luôn rồi. Mấy anh em cũng không trách tôi, nhưng họ tự trách mình, rồi số xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng xử sao cho hợp tình hợp lý, nếu được thì cứ giao đất đó cho người dân, chứ chúng tôi khổ quá", ông Chiến rầu rĩ.


5 bước lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện

Tại phiên tòa, Cơ quan Điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 pháp nhân là các đồng phạm dùng làm phương tiện cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các dự án do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân, cụ thể:


Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.


Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập Hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các Công ty này tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện.

Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba tại phiên tòa sơ thẩm sáng 8/12.


Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài...) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.


Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Đồng thời, tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua.


Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo quảng cáo của Công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký Hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền. Hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được công ty huyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các Hợp đồng quyền chọn hoặc Phụ lục hợp đồng kèm theo.

Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm tại phòng xử án.

Thực tế, toàn bộ các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn là đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như công ty quảng cáo và thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như nêu trên, Công ty Alibaba cùng 22 pháp nhân trực thuộc không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác. Toàn bộ 22 pháp nhân trực thuộc cùng chi nhánh, đều không có hoạt động kê khai, báo cáo, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ khai báo nộp thuế môn bài, đều do hệ thống nhân viên Công ty Alibaba đứng tên, vận hành, dưới sự chỉ đạo của Luyện.


Theo Thy Huệ/VTC

Chia sẻ Facebook