Cả chục người bị khủng bố, đòi nợ trên mạng dù không vay tiền
Hàng chục nhân viên nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đang kêu cứu vì liên tục bị “khủng bố”, bêu xấu trên mạng xã hội dù bản thân không vay nợ.
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online , chị Nguyễn Thị Ngọc B. (44 tuổi, quản lý bộ phận nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam) cho biết từ cuối năm 2021, chị liên tục bị người lạ gọi đến, yêu cầu phải bảo công nhân A, công nhân B trả tiền vay cho họ. Khi chị B. từ chối thì lập tức bị chửi bới, đe dọa.
Sau nhiều lần bị "khủng bố" bằng điện thoại, chị B. không dám nghe cuộc gọi từ số lạ thì đã bị một số tài khoản Facebook lấy ảnh cá nhân gán ghép rồi tung lên mạng xã hội với nội dung: "Thông báo truy tìm đối tượng lừa đảo, giật nợ" làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, danh dự, uy tín cá nhân chị.
"Nhiều người thân trong gia đình, bạn bè không biết đã gọi điện, hỏi han xem tôi có vay nợ gì không mà bị bêu ảnh, truy tìm gắt gao như vậy. Sự việc kéo dài nhiều tháng nay khiến tôi rất lo lắng, không biết phải làm sao" - chị B. khổ sở kể.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy M. (cũng là một quản lý nhân sự của Regina Miracle) cho biết bản thân bị "khủng bố" còn dữ hơn: suốt từ tháng 6-2022 đến nay, những người lạ không chỉ đe dọa tinh thần chị M. mà còn cả các thành viên trong gia đình.
"Đầu tiên họ gọi đến điện thoại bàn của công ty, yêu cầu phải bảo công nhân đã vay tiền khẩn trương thanh toán nợ. Tôi đã giải thích là không liên quan, nhưng những người này tìm được số điện thoại di động của tôi và bắt đầu khủng bố bằng cách lúc thì gọi vào 2h sáng, hôm 4h sáng kèm theo những lời chửi bới thô tục. Những người này còn nhắn tin biết con tôi tên gì, học ở đâu và dọa rằng 'đừng để ảnh hưởng đến con cái'", chị M. phẫn uất.
Theo đại diện công ty, qua thống kê thì chỉ riêng phòng quản lý nhân sự của công ty đã có tới hàng chục người bị "khủng bố" với hình thức tương tự. Nhiều người bị ghép ảnh kèm số điện thoại rồi tung lên các trang mạng của gái mại dâm rao các chị là "gái", khiến nhiều người khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.
Được biết, từ cuối năm 2021, công ty đã có văn bản gửi Công an Hải Phòng đề nghị hỗ trợ điều tra các nội dung vu khống trên mạng xã hội, hành vi gọi điện, nhắn tin nhờ đòi nợ hộ.
Theo thống kê, hiện nay công ty này có tới 38.000 lao động đang làm việc tại 5 nhà máy trong Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng nên nhân viên phòng quản lý nhân sự không thể nắm hết được tên tuổi của công nhân đang làm việc tại công ty.