Cá chép chưa kịp đưa ông Công, ông Táo lên chầu đã bị bắt mất
Để vợt được những con cá chép vàng trong ngày ông Công, ông Táo, nhiều người đã chuẩn bị sẵn các loại đồ nghề, đi dọc bờ sông để “truy bắt” khiến người dân không khỏi bức xúc.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà đều nô nức chuẩn bị đồ cúng, tiền vàng để tiễn ông Công, ông Táo về chầu. Và đương nhiên, để làm được điều đó, không thể thiếu một con vật vô cùng quan trọng là cá chép vàng. Đây là một nét đẹp văn hóa lâu đời mà bất kỳ gia đình nào cũng thường làm khi đến ngày này.
Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, một đội “thợ săn” đi thuyền luôn trực chờ ở dưới sông để bắt những chú cá chép vàng được người dân thả xuống. Theo quan niệm dân gian, muốn tiễn ông Công, ông Táo về trời thì nên thả cá vào giờ Ngọ, tức 12 giờ trưa. Thông tin từ Zing News cho hay, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn vào buổi trưa có rất đông bà con đã có mặt tại đây để làm lễ thả cá chép.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng ngày này còn có ý nghĩa phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, có người thậm chí còn mua đến rất nhiều cá chép, khoảng 50 con để đem đi phóng sinh.
Song, cá chỉ vừa mới bơi đi chưa được vài phút, người dân đã ngán ngẩm nhìn chúng “rơi” vào tay của những người đang đi thuyền dưới sông. Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Văn Công nói: "Chúng tôi vừa thả cá xuống thì có hai người đã dùng vợt, kích điện để bắt cá. Việc làm này là không thể chấp nhận được".
Được biết, những người này sẽ dùng vợt lưới hoặc chích điện để vợt bắt cá. Tiếp sau đó, những chú cá còn sống sẽ tiếp được đem ra chợ bán, thu lợi mà không cần phải bỏ ra đồng nào. Song, dù biết rõ và cảm thấy rất bức xúc nhưng hầu hết người dân đều lắc đầu bỏ qua. Bởi với họ, đây đã là cảnh tượng quá quen thuộc, thường xuyên thấy mỗi dịp 23 Âm lịch.
Từ xa xưa, phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt Nam đã luôn nhắc về việc con cháu phải làm mâm cơm cúng tiễn Táo quân về trời. Ông bà ta quan niệm rằng, cá chép chính là phương tiện để đưa các vị thần bay về trời, báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc mà gia chủ đã và chưa kịp làm trong năm qua. Ngoài ra, phong tục thả cá chép vàng còn thể hiện sự nhân hậu, bao dung của người Việt Nam.
Ấy thế nhưng, việc cá chép thường xuyên bị đánh bắt đã dần làm xấu đi hình ảnh cũng như nét văn hóa tốt đẹp bao lâu nay của Việt Nam. Nhưng đến nay, vẫn chưa có biện pháp cụ thể cho hành động này. Vì vậy, để đảm bảo cho cá chép được an toàn, bà con có thể tìm một nơi với nguồn nước sạch và ít người biết tới để tiễn ông Công, ông Táo về trời nhé.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Truyền thống tiễn Táo quân về trời là nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Không quan trọng cá lớn hay bé, thả nhiều hay ít là tốt, quan trọng nhất ở lòng thành kính của người thả cá. Tuy nhiên, khi thả cá cũng cần rất nhiều kỹ năng như không để cá trong túi nilon, vứt cá mạnh từ trên cao xuống,... Chỉ một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, vậy nên hãy luôn chú trọng và cẩn thận để ngày 23 Âm lịch thật ý nghĩa nhé.