Cả ba con đều đi viện cấp cứu, mẹ đứng hình khi biết 'thủ phạm'
Trẻ bị nhiễm Adenovirus nhưng cha mẹ không hề hay biết mức độ nguy hiểm của loại virus này.
Chị Hoàng Thị Yến - 36 tuổi, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ ba con 10 tuổi, 7 tuổi và 2 tuổi vừa trải qua một tuần với dịch Adenovirus. Cả ba đều phải vào viện cấp cứu. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm virus Adeno. Chị Yến giật mình vì chưa nghe đến virus này bao giờ.
Chị Yến cho biết, ban đầu bé thứ hai bị nôn ói, đi ngoài, sau đó nóng sốt. Một ngày sau, lần lượt anh trai và em gái út cũng có biểu hiện tương tự. Cả ba bé đều sốt cao kèm đi ngoài, mắt gỉ nhiều.
Vợ chồng chị Yến đưa con vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khám mới biết đang có dịch và nhiều ông bố bà mẹ khác cũng đang thấp thỏm giống như gia đình chị. Sau khi khám làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán các bé nhiễm Adenovirus. Tại bệnh viện đều 3, 4 bé/giường, chị Yến xin cho con theo dõi ngoại trú. Sau một tuần các bé mới bình phục. Chị Yên thở dài “COVID-19 các bé chỉ sốt 1 ngày là hết, còn Adenovirus thì mệt mỏi vô cùng”.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến giữa tháng 9 năm nay, cả nước ghi nhận 412 trường hợp mắc bệnh do Adenovirus, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện. Số ca mắc xu hướng tăng từ tháng 8 đến nay, đáng chú ý đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày.
Adenovirus không phải là virus mới lạ mà nó là tác nhân gây tình trạng viêm hệ hô hấp ở người lớn và trẻ nhỏ. Nó còn gây bệnh ở đường tiêu hóa, gây viêm bàng quang hay viêm màng não.
Trẻ nhiễm Adenovirus thường có biểu hiện: Sốt cao, ho, khò khè, trẻ có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn để lại các biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
PGS An khuyên các gia đình khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.
Dịch bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy các gia đình phải phòng bệnh cá nhân thật tốt, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu giống cúm, rửa tay thường xuyên để hạn chế cho virus tiếp xúc với cơ quan hô hấp trên; giữ gìn nhà cửa, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng.
Với trẻ miễn dịch kém, mắc các bệnh bẩm sinh khi có dấu hiệu viêm hô hấp, sốt, cha mẹ cần cho trẻ tới các cơ sở y tế theo dõi thật kỹ.
Theo Ngọc Hà/VTC