BYJU’S: 'Siêu kỳ lân' Ấn Độ tài trợ cho World Cup, mời Messi quảng bá thương hiệu, mạnh cỡ nào?
BYJU'S được biết đến là "siêu kỳ lân" edtech của Ấn Độ với mức định giá 10,8 tỉ USD. Việc mời Messi quảng bá thương hiệu và khoản tài trợ cho World Cup 2022 được kỳ vọng sẽ giúp hình ảnh của BYJU'S ra thế giới.
Từ trước khi giải bóng đã lớn nhất hành tinh World Cup diễn ra tại Qatar, công ty công nghệ giáo dục (edtech) BYJU’S của Ấn Độ đã công bố mối quan hệ hợp tác với ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi.
Theo đó, chiến dịch này sẽ sử dụng kết hợp phương tiện kỹ thuật số và quảng cáo trong sân vận động, bỏ qua phương tiện truyền hình truyền thống nhằm cố gắng kết nối với khán giả toàn cầu. BYJU’S sẽ tung ra 3 đoạn phim ngắn do Messi đóng, chia sẻ trực tuyến qua trang web công ty và các kênh xã hội của cầu thủ này.
Ngoài ra, BYJU’S còn có khoản tài trợ trị giá 35 triệu USD cho kỳ World Cup 2022, số tiền không quá lớn so với mức doanh thu 1,3 tỉ USD của công ty trong năm 2021. Tuy nhiên, “cái bắt tay” với FIFA sẽ mở ra thêm cơ hội tiến công vào thị trường trọng điểm như Anh, Mỹ, Úc.
Có thể cái tên BYJU’S là một thương hiệu xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại Ấn Độ, BYJU’S đang là edtech hàng đầu, sở hữu đến 115 triệu người dùng và từng được định giá 10,5 tỉ USD vào năm 2020.
Hé mở "siêu kỳ lân" Ấn Độ
Byju Raveendran – nhà sáng lập BYJU’S – từng có ý niệm góp phần phát triển nền giáo dục tương lai nước nhà từ khi dạy các lớp phụ đạo lớp 11 và 12. Lúc này, ông chỉ là một học sinh lớp 8 có tài năng xuất sắc về môn Toán.
Byju, sinh năm 1980, là con trai của một giáo viên ở vùng nông thôn Ấn Độ. Sau khi lấy bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí ở Kerala, ông nhận công việc ở Singapore vào năm 2001 với tư cách là kỹ sư du hành toàn cầu tại một công ty vận tải biển.
Năm 2005, ông nghỉ việc và trở lại Ấn Độ để giảng dạy toàn thời gian cho các sinh viên trường kinh doanh. Chỉ trong vòng 6 tuần, đã có đến 1.200 sinh viên đăng ký khóa học của Byju.
4 năm sau, ông mới chợt nhận ra rằng các sinh viên của ông đang gặp khó khăn với môn toán và khoa học – những môn học đáng lẽ họ phải được tiếp cận từ khi còn nhỏ. Do đó, vào năm 2011, Byju đã quyết định thành lập Think & Learn – công ty mẹ của BYJU’S – như một “phao cứu sinh” cho vấn đề trên.
Sau đó, để bắt đầu hành trình gây dựng thương hiệu giáo dục nổi tiếng nhất Ấn Độ, Byju đã bay khắp đất nước để giảng dạy tại các địa điểm có đông sinh viên và phát sóng cho hàng nghìn người khác cùng theo dõi.
Ấn Độ dường như là mảnh đất màu mỡ cho edtech khi đất nước này có đến 260 triệu trẻ em ở trong độ tuổi đi học đang phải vật lộn với hệ thống giáo dục đầy rẫy những giáo viên có trình độ kém.
Krishnan Ganesh, nhà đồng sáng lập công ty giáo dục trực tuyến TutorVista, cho biết: “Ở Ấn Độ, trong thời đại điện thoại thông minh rất phổ biến, băng thông miễn phí và truy cập internet dễ dàng, cha mẹ sẽ ưu tiên chi nhiều hơn cho giáo dục của con cái họ, kể cả khi nó có vượt mức thu nhập khả dụng của gia đình".
Năm 2015, BYJU’S cho ra mắt ứng dụng học tập đầu tiên của mình – một “gia sư” dạy toán và khoa học từ lớp 6 đến lớp 12. Ngoài việc cung cấp các video bài giảng, ứng dụng còn đánh giá mức độ hiểu bài của người học. Sau ba tháng trình làng, ứng dụng đã nhận về 2 triệu lượt tải xuống.
Chặng đường phát triển của BYJU’S không thể thiếu những đối thủ nặng ký như Vedantu – được hậu thuẫn bởi Tập đoàn giáo dục TAL của Trung Quốc hay ứng dụng luyện thi trực tuyến Toppr.
Để nối dài “cánh tay” kỹ thuật số của công ty, Byju đã khai thác một nguồn tài nguyên quan trọng là nhóm cựu sinh viên của ông, nhiều người trong số họ đã theo học ngành khoa học máy tính tại các trường đại học công nghệ ưu tú của Ấn Độ. Chính những người này đã mang lại lợi thế cạnh tranh lớn của công ty so với các đối thủ trong ngành.
Năm 2016, startup edtech này đã nhận được khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và hai vợ chồng Mark Zuckerberg. Một năm sau, “ông kệ” ngành game Tencent cũng chịu “rót” đến 40 triệu USD vào BYJU’S.
Khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD từ tập đoàn Internet Nam Phi Naspers và Ủy ban Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada đã định giá BYJU’S ở mức 3,8 tỉ USD – đưa công ty này trở thành một trong những startup công nghệ giáo dục giá trị nhất thế giới.
BYJU’S duy trì được đà tăng trưởng bởi nhu cầu giáo dục trực tuyến ngày càng tăng, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid, song công ty cũng bành trướng quá nhanh thông qua các thương vụ sáp nhập khi mua lại tới 15 công ty trên khắp Ấn Độ, châu Á và Mỹ trong suốt 6 năm qua.
Kể từ năm 2021, công ty đã 2,6 tỉ USD cho các thương vụ mua lại, bao gồm 950 triệu USD để mua nhà cung cấp dịch vụ luyện thi Aakash Educational Service của Ấn Độ và 600 triệu USD để “thâu tóm” Great Learning của Singapore.
Để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng quy mô, hồi tháng 3, BYJU’S – với mức định giá 22 tỉ USD khi ấy – đã huy động thành công hơn 800 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là do cá nhân nhà sáng lập công ty đóng góp. “Tôi sẽ nỗ lực hết mình”, Byju nói về khoản đầu tư mới nhất vào “đứa con cưng” của mình./.
Nguồn tham khảo: Forbes, Financial Times
Theo Mai Trang