Buổi triển lãm bất ngờ: Đột quỵ vẫn có thể vẽ tranh

Chia sẻ Facebook
28/09/2023 04:28:51

Có thể các bức tranh của bệnh nhân đột quỵ không đẹp xuất sắc nhưng đã truyền cảm hứng tích cực cho người xem bởi nghị lực đáng nể của người họa sĩ.

Để đánh dấu chặng đường 10 năm thành lập lớp học vẽ cho bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương não,... sáng 27-9, Bệnh viện An Bình (quận 5, TP HCM) tổ chức buổi triển lãm tranh với chủ đề 'Mang ý nghĩa vào cuộc sống'.


59 bức tranh được trưng bày tại triển lãm đều do các họa sĩ đặc biệt ở lớp vẽ thực hiện. Tham gia lớp vẽ, bệnh nhân không chỉ cải thiện về khả năng vận động, giao tiếp, tư duy mà còn có thêm nhiều niềm vui, tinh thần lạc quan hơn.

Người thân đưa bệnh nhân đi tham quan triển lãm tranh tại Bệnh viện An Bình

Ông Hồ Đắc Thắng (đội nón) chụp ảnh lưu niệm bên tác phẩm của mình

Chị Đoàn Nguyên Thùy đến buổi triển lãm, ngắm nhìn những bức tranh mà người chồng quá cố đã vẽ trong quá trình tham gia lớp học


Ông Phạm Văn Vị (quận 1, TP HCM) từng 2 lần bị đột quỵ não, lần gần nhất cách đây hơn 1 năm. Thời gian đầu, ông rơi vào bế tắc vì không thể tự mình xoay xở sinh hoạt cá nhân. 'Ngay cả việc đánh răng mỗi buổi sáng tôi cũng không tự làm được, giai đoạn ấy tôi cảm giác mình trở thành gánh nặng của gia đình” – ông Vị chia sẻ.

Từ ngày biết đến lớp học vẽ, ông Vị trở nên yêu đời, dành nhiều thời gian hơn để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. 'Tôi và vợ biết nhau và yêu nhau qua hội họa. Bây giờ, nhờ hội họa mà tâm hồn tôi sống dậy thêm lần nữa. Bên cạnh việc vẽ tranh, niềm vui mỗi ngày của tôi là được chơi cùng cháu nội, cháu ngoại của mình' – ông Vị hào hứng kể.

Lớp học vẽ hoàn toàn miễn phí dành cho các bệnh nhân có nhu cầu cải thiện sức khỏe

VIDEO: Chuyện đằng sau những bức tranh của bệnh nhân bị đột quỵ

Ông Lê Cao Nguyên (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những học viên lâu năm nhất của lớp vẽ. Trong 10 năm gắn bó, ông Nguyên luôn đều đặn đón xe khách từ Vũng Tàu đến TP HCM mỗi tuần. Dù chỉ nói được những từ bập bẹ nhưng với gia đình và đội ngũ bác sĩ hỗ trợ, đây là những nỗ lực phi thường của ông Nguyên. Từ vẽ tranh phong cảnh đến chủ đề gia đình, những bức tranh của ông Nguyên luôn tràn ngập màu sắc tươi sáng, hạnh phúc.


Bức tranh vẽ gia đình của ông Lê Cao Nguyên

Ông Nguyên (áo vàng) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo bệnh viện và những bức tranh của mình

Ông Nguyên là 'họa sĩ đặc biệt' gắn bó với lớp học từ những ngày đầu thành lập

Mặc dù khó khăn trong giao tiếp nhưng ông Nguyên vẫn có những chia sẻ xúc động tại buổi triển lãm

Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, tinh thần, lớp học dần trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu của những bệnh nhân lớn tuổi. Mọi người mong muốn mô hình lớp học này có thể nhân rộng ở các tỉnh thành.

TS Lê Khánh Điền, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu Châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng Khoa Phục hồi Chức năng bệnh viện An Bình, cho biết hành trình 10 năm thành lập lớp vẽ đã giúp nhiều bệnh nhân hồi phục ngoạn mục, tinh thần vực dậy rõ rệt. Nhiều bệnh nhân còn khám phá được những năng khiếu tìm ẩn của mình.

Không đơn thuần chỉ là buổi triển lãm nghệ thuật, 'Mang ý nghĩa cuộc sống' còn gửi gắm thông điệp về nghị lực, tinh thần lạc quan đến tất cả mọi người. 'Không điều gì là không thể, chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc' - TS Lê Khánh Điền nhận định.

Chia sẻ Facebook