Bưởi Tân Triều trước nguy cơ bị giả mạo thương hiệu
Bưởi Tân Triều, loại trái cây tạo nên thương hiệu cho vùng đất Đồng Nai và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân đang có dấu hiệu bị giả mạo.
Những ngày cuối cùng của năm 2022, người dân làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ) tất bật với công việc chăm sóc, tuyển chọn trái bưởi còn ở trên cây, loại bỏ những trái xấu để tăng chất lượng cho những trái đã tuyển chọn nhằm tăng cao năng suất cho một mùa thu hoạch.
Thông thường, vào thời điểm trước tết nguyên đán, làng bưởi nhộn nhịp do thương lái từ khắp nơi đổ về, và đủ kiểu mua và bán.
Có vườn thì bán theo kiểu trọn gói, thương lái tự cắt và đóng thùng. Có vườn thì bán theo từng cây, khách tự chọn một cây ước lượng trái rồi trả giá tại chỗ. Đồng ý thì cắt trái. Tùy theo điều kiện có nhân công hay không mà chủ vườn chọn cách giao dịch.
Nhà vườn nào có nhân công thì cắt bưởi, tự tuyển chọn để phân loại rồi đóng thùng bán cho thương lái. Sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này cũng theo chân thương lái mà có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc, và vươn ra thế giới.
Có mặt tại làng bưởi ở thời điểm này, PV Người Đưa Tin ghi nhận người dân đã bắt đầu công việc tuyển chọn bưởi cho vụ Tết.
Tại vườn bưởi của lão nông Sáu Phẩm (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), ông Sáu Phẩm cho biết: "Năm nay thu hoạch không được tốt như năm ngoái, lý do là bị đợt sương muối vừa rồi quá nặng nên dẫn đến da trái bưởi bị sần sùi (người trồng bưởi gọi là bưởi bị cám). Đối với loại bưởi này thì chỉ bán giá rẻ cho người mua về ăn chứ không đóng thùng bán cho thương lái được".
Mọi năm, mỗi dịp Tết Nguyên đán vườn bưởi nhà ông thu hoạch được khoảng hơn 100 ngàn trái bưởi (người dân gọi là 10 thiên, 1 thiên = 10 ngàn trái), trừ hết chi phí thì ông còn lãi được khoảng hơn 400 triệu đồng. Nhưng năm nay, bưởi bị dạt (bị loại bỏ do sương muối) nên thất thu. Ước tính lãi suất chỉ còn khoảng nửa so với mọi năm.
Ông Trung, ngụ xã Tân Binh chia sẻ, nói về thu hoạch vụ bưởi năm nay kém hơn mọi năm do bị sương muối (thiên tai), bà con cũng không vì đó mà buồn, vì vụ sau gỡ lại. Nhưng ông Trung cũng như nhiều người dân trồng bưởi ở đây bức xúc trước tình trạng bưởi được trồng ở các vùng khác, nhưng bị một số thương lái gian lận đưa về đây rồi đóng thùng, gắn nhãn mác bưởi Tân Triều sau đó đưa đi tiêu thụ.
Vấn đề này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của người trồng bưởi, cũng như làm mất thương hiệu của bưởi Tân Triều do chất lượng bưởi “đội lốt” này rất kém.
Vì vậy, ông Trung, ông Sáu Phẩm cũng như những người trồng bưởi rất mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm về giám sát chất lượng, quản lý về thương hiệu cũng như thị trường hỗ trợ người nông dân để ngăn chặn tình trạng này.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Lê Nhân, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, huyện Vĩnh Cửu có tất cả 5 xã trồng bưởi và cho ra chất lượng như nhau được chỉ dẫn địa lý là bưởi Tân Triều gồm: Tân Bình, Bình Hòa, Bình Lợi, Tân An và xã Thiện Tân. Đây là vùng nguyên liệu cho ra sản phẩm bưởi đạt chất lượng ngon nhất.
Riêng với xã Tân Bình hiện có tổng diện tích trồng cây bưởi là 511 hecta. Trong đó, diện tích bưởi đang thu hoạch là 395 hecta, số còn lại đang được chăm sóc. Bình quân thu nhập của người dân khoảng 530 triệu/ một hecta bưởi.
"Đối với công tác ngăn ngừa, chống gian lận trong việc bưởi các nơi nhưng được phù phép để “đội lốt” bưởi Tân Triều, gây ra hiểu lầm và ảnh hưởng thương hiệu cũng như chất lượng bưởi ở đây.
Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ khuyến khích người dân đi đăng ký tem, nhãn mác, mã vạch và chủ vườn chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về chủng loại, quy trình canh tác và chăm sóc. Chỉ có như vậy mới mới ngăn chặn được thương lái gian lận", ông Nhân nói.
Bưởi Tân Triều, một thương hiệu làm nên sự nổi tiếng không chỉ cho vùng đất Đồng Nai, mà còn là vùng nguyên liệu cho ra đặc sản nổi tiếng của miền Đông Nam bộ. Vì vậy, cần lắm sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan quản lý để tránh bị gian lận thương hiệu, làm ảnh hưởng đến một phẩm vật gắn liền với một vùng đất được mệnh danh là địa linh, nhân kiệt.