Buổi họp mặt nữ chiến sĩ bị địch bắt tù đày đong đầy cảm xúc
'Buổi gặp mặt nhắc cho chúng ta nhớ những đồng đội đã ra đi, những ngày bị kẻ thù đày đọa, con người không ra con người, ăn khô mục mắm đắng cơm chan cát. Nhưng ngày ấy chúng ta vẫn đoàn kết", nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhắc nhớ.
Sáng 21-7, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Những năm tháng không bao giờ quên
Tại buổi gặp mặt, lặng lẽ nhìn những tấm hình tư liệu, bà Nguyễn Thị Hương (cựu tù chính trị ) xúc động nhớ về các đồng đội bị tra tấn rồi hi sinh trong tù. "Năm Thái bị bắt ở quận 3, vô tù bị đánh dã mãn, có 3 ngày là hi sinh. Mười Tho cũng bị bắt và đánh chết tại quận 1", bà Hương ngậm ngùi.
Nhớ về những hình phạt tra tấn trong tù, bà Hương "nghĩ lại giờ vẫn thấy đau", bà tham gia cách mạng năm 1960, đến năm 1962 là công tác tại Thành đoàn TP.HCM làm công việc giao liên. Bà Hương 5 lần bị bắt và tra tấn dã man. Bà kể có lần được giao nhiệm vụ đưa thư mật từ Lái Thiêu về Vĩnh Long, khi đang đi vòng qua Thủ Thiêm thì bị bắt. Lúc đó suy nghĩ của bà Hương làm sao tiêu hủy thật nhanh lá thư để không lộ bí mật của tổ chức.
"Lúc đó tôi có mang thêm một sấp vải may áo dài, xung quanh là đồng lúa. Khi bị lục soát, tôi nhanh trí giũ thật mạnh sấp vải để lá thư theo gió rơi xuống ruộng. Thư này là thư mật, bôi hóa chất mới hiện chữ lên. Địch không tìm thấy chứng cứ nhưng lại bắt tôi vì tội dùng giấy tờ giả", bà Hương kể.
Bị giam tại Thủ Đức, những hình phạt tra tấn ở đây khắc ghi sâu sắc trong tâm trí bà Hương n hưng đau đớn nhất vẫn là hình phạt đâm kim vào mười đầu ngón tay, đau đến tận óc. Lúc đó đau quá, chịu hết nỗi, tôi chụm mười đầu ngón tay lại đập thật mạnh xuống bàn, máu phun ra, ngất xỉu luôn mới không bị tra hỏi nữa", bà Hương kể.
Tôi hỏi bà "tại sao 5 lần bị bắt và tra tấn dã man, một người phụ nữ như bà vẫn kiên cường đến thế?". Bà Hương chỉ về tấm hình của anh hùng Võ Thị Thắng và nói "lúc đó tôi nghĩ về đồng chí này".
"Đồng chí Thắng bị địch bắt, tù đày và tra tấn dã man. Bị tuyên án 20 năm, Thắng vẫn bình thản nở nụ cười, nói với kẻ xét xử: Liệu chính quyền của các ông có tồn tại được đến 20 năm để bỏ tù tôi không?", bà Hương cho biết chính nụ cười đó của bà Võ Thị Thắng là động lực rất lớn cho những tù chính trị như bà.
Bà Trương Mỹ Hoa khóc khi nhớ về những đồng đội đã hi sinh trong kháng chiến - Video: HỮU HẠNH
Tự hào là nữ tù chính trị
Dù đã trải qua những cương vị cấp cấp cao của Đảng, Nhà nước nhưng tại buổi họp mặt, Nguyên chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa lại mong muốn được giới thiệu là cựu tù chính trị.
"Cuộc đời mình có thể làm nhiều chức vụ nhưng đó là những chức mà Đảng cử, nhân dân bầu, nhiệm kỳ 5 năm lại trở lại làm dân. Còn mình là cựu tù chính trị thì là suốt đời, không ai có thể tô thêm hoặc đánh mất nó.
Bản thân chúng ta đã là cựu tù chính trị thì dù ngày xưa hay bây giờ phải luôn luôn gìn giữ bản thân, giáo dục gia đình, con cháu sống xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ đi trước. Vinh dự của người tù là da thịt từng bị đòn roi, bản thân mình trải nghiệm được sự gian khổ", bà Trương Mỹ Hoa nói và cho biết các nữ tù chính trị sẽ phải tiếp tục giữ gìn danh hiệu tù chính trị và truyền lửa cho thế hệ trẻ.
Mong các nữ anh hùng truyền lửa cho thế hệ trẻ
Tại buổi họp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ sự khâm phục và trân trọng trước những hi sinh, cống hiến lớn lao của các mẹ, các cô, các chị bị địch bắt, tù đày trong thời kỳ kháng chiến - những người đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Bà Xuân mong rằng, các mẹ, các cô, các chị tiếp tục là những tấm gương sáng, truyền lửa cho thế hệ trẻ, nhất là các tầng lớp phụ nữ hôm nay sống, học tập, làm việc, cống hiến xứng đáng với lớp người đi trước.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết các cấp sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động của Ban Liên lạc cựu nữ tù chính trị và tù binh TP; tiếp tục rà soát hồ sơ, đề xuất thực hiện chính sách cho các thành viên chưa được thực hiện.
Ông Hiếu cho biết TP sẽ tiếp tục vận động toàn xã hội tiếp tục quan tâm cho công tác đền ơn đáp nghĩa cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Giúp lớp trẻ ngày một trưởng thành, hiểu về truyền thống cách mạng kiên cường của cha ông cũng như nhận thức được trách nhiệm đóng góp để TP phát triển.
Từ ngày 28-3 đến 19-7, Đội K92, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với chính quyền và nhân dân tỉnh Kampot, Campuchia tìm được 10 hài cốt liệt sĩ hy sinh nằm lại ở đất bạn.