Buổi đầu của báo chí Việt Nam: Trường hợp Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Làm báo, viết báo, dù muốn hay không, Tản Đà cũng phải đối diện với những vấn đề nóng bỏng cấp thiết đang đặt ra trong đời sống xã hội.
Sinh thời, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) đã vang danh thi bá trong làng thơ Việt Nam . Kể từ lúc ông tạ thế đến nay, địa vị của nhà thơ non Tản sông Đà ngày càng trở nên lừng lững qua các trang văn học sử. Còn Tản Đà của báo chí thì sao? Có thể nói, trong tư cách một người làm báo, Tản Đà đã hào phóng đem cuộc đời báo chí của mình cung cấp cho hậu thế hàng loạt giai thoại. Thú vị đấy, song cũng không ít điều đáng để lắng lại, ngẫm nghĩ .
Đầu thế kỷ XX, với sự xuất hiện của báo chí và nhà xuất bản trong đời sống, viết văn viết báo đã trở thành một nghề – theo cái nghĩa là một công việc để người ta có thể làm và nhờ đó mà tồn tại (điều này chưa từng xảy ra ở xã hội Việt Nam trước đó).
Tản Đà thuộc thế hệ những người làm văn làm báo đầu tiên ấy. Năm 1915, Tản Đà bắt đầu công bố tác phẩm trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, mở màn cho một cuộc đời “buôn văn bán chữ kiếm tiền tiêu” đầy sóng gió. Năm 1921, hội Bắc Kỳ Công thương ái hữu thành lập, ra báo Hữu Thanh làm cơ quan ngôn luận, Tản Đà được mời làm chủ bút. Nửa năm sau, do bất đồng quan điểm với nhóm Nguyễn Huy Hợi và Nguyễn Mạnh Bổng, ông từ chức chủ bút báo Hữu Thanh .
Năm 1926, Tản Đà mở An Nam tạp chí , tự lãnh vai trò chủ báo, mời Ngô Tất Tố giữ chân Thư ký Toà soạn. Kể từ năm 1926 đến năm 1933, suốt bảy năm ròng hầu như mọi hoạt động của Tản Đà đều dồn vào việc xuất bản, tái bản An Nam tạp chí . Ông chăm chút, tâm huyết với tờ báo, đương nhiên, nhưng theo cách riêng của ông, vì thế mà nó long đong tới sáu lần đình bản, đến lần thứ sáu (năm 1933) thì thật sự cáo chung: Tản Đà chấm dứt đời chủ báo!
Trong bài báo có tên Người làm văn in trên Đông Pháp thời báo (số 641, năm 1927), Tản Đà viết: “ Các báo quán đã là một đạo quân tiên phong trong trận tiến thủ của xã hội, thời phàm các người viết văn trong báo giới đều là một tên lính ở trong đội tiên phong. Oai nghiêm thay! Hùng dũng thay! Một ngọn bút sắt tung hoành có quan hệ đến vận hội của đồng bào hai mươi lăm triệu ”. Rải rác ở nhiều bài thơ, bài hát nói, Tản Đà cũng thường khẳng định trách nhiệm to lớn của báo chí đối với đời sống, đối với nhân quần.
Rõ ràng, mang cao vọng trở thành một “Á Châu Khổng phu tử chi đồ”, lập một sự nghiệp văn chương “có bóng mây hơi nước đến dân xã”, làm báo với Tản Đà không đơn giản chỉ là việc “nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng”. Thế nhưng, để tờ báo có thể thực hiện được trọng trách xã hội như ông hằng kỳ vọng, trước hết nó phải không bị chết yểu. Mà muốn tờ báo không bị chết yểu, người chủ báo trước hết phải biết và phải giải được những con toán đơn giản về cân đối nguồn thu nguồn chi (tiền), rồi nguồn bài vở để báo ra đều kỳ. Tản Đà có làm được điều đó không?
Trong Giấc mộng lớn , Tản Đà kể lại về tình cảnh của An Nam tạp chí trước khi bị đình bản lần đầu tiên: “ Tiền ăn tiêu hàng tháng không có sổ chi tiêu, một là tạp chí về công việc tòa báo, hai là nuôi người nhà làm, ba là cung tiếp tân khách, lại bằng khi phóng phiếm vô ích, mỗi tháng không biết là bao nhiêu? Vì mỗi tháng không biết bao nhiêu tiền chi tiêu, cho nên không bao lâu mà tòa tạp chí An Nam lại như thể cái thành bị vây vậy ”.
Ngô Tất Tố, người cùng chèo chống con thuyền An Nam tạp chí với Tản Đà qua bao sóng gió cũng xác nhận: “ Trong những cái khác người của ông Tản Đà, đức tiêu tiền cũng nên để ngang với tài thơ và tài rượu ” ( Tản Đà ở Nam Kỳ – Tao Đàn, 1939). Cũng trong bài viết ngay sau khi Tản Đà qua đời này, Ngô Tất Tố cho biết thêm: “Đành rằng nếu không có rượu thì ông Tản Đà sẽ không phải là ông Tản Đà, nhưng trong khi nó làm cho ông Tản Đà thành ông Tản Đà, chính nó cũng là thủ phạm làm cho An Nam tạp chí không có bài đưa nhà in. Bấy giờ An Nam tạp chí xuất bản mỗi tháng hai kỳ, nhưng mấy tháng sau nó đã đảo lại: mỗi kỳ hai tháng ”.
Lần khác, Ngô Tất Tố than thở về Tản Đà với Vũ Bằng, Vũ Bằng thuật lại; “ Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lí luận một mình: say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa? ” ( Người ghét Tản Đà - tạp chí Văn, số đặc biệt về Tản Đà, 1971). Bấy nhiêu chi tiết đó có lẽ đã đủ để hình dung về cung cách Tản Đà quản lí và vận hành tờ An Nam tạp chí trong vai trò của một ông chủ báo. Và nó cắt nghĩa cho ta hiểu, tại sao trong sáu lần An Nam tạp chí đình bản, duy có lần đầu tiên là bị đình bản (vì bài viết Một cuộc chiến tranh người An Nam khởi đầu từ năm Đinh Mão , ANTC số 10 năm 1926). Những lần còn lại đều là tự đình bản. Vì thiếu tiền. Vì Tản Đà đã quản lý tờ báo, đã làm báo với sự lãng mạn còn lớn hơn sự lãng mạn mà một thi sĩ cần phải có để trở thành một thi sĩ.
Thật ra, dự phần vào số phận ba chìm bảy nổi của An Nam tạp chí , ngoài cái cách quản lý trên mây trên gió của ông chủ báo, ngoài lối làm việc ngật ngưỡng, tùy hứng và tùy tiện của Tản Đà “thi sĩ tửu đồ” – một Epicurien (người tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc) theo cách nói của Trương Tửu về Tản Đà, còn có một nguyên nhân nằm ở phần nền của mọi chuyện: Tản Đà vốn là một nhà Nho từ trong căn cốt.
Là nhà Nho, đương nhiên sở học của Tản Đà là kinh điển Nho giáo, sở trường là sáng tác văn chương. Ông không được đào tạo và cũng chẳng hề có chút thích thú nào với việc học hỏi để có kiến thức về quản lý, lý tài. Nhà Nho ưa nói chuyện đạo đức và luôn dị ứng khi phải đề cập việc tiền nong. Tản Đà cũng vậy, làm báo, dường như ông chỉ nhìn thấy ở đó một phương tiện để giáo hóa quốc dân, để “tinh biểu” những người có công về thế đạo nhân tâm và trừng trị những kẻ có tội với nhân quần. Ông quên, hoặc không biết rằng, trong xã hội mang màu sắc tư sản như xã hội đô thị Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, ra một tờ báo cũng chính là làm một cuộc kinh doanh.
Bởi thế mới có chuyện: Năm 1927, lúc An Nam tạp chí phải đình bản vì thiếu tiền, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Thái Học đã tìm gặp Tản Đà và đề nghị được cung cấp tài chính cho tờ báo sống lại. Đôi bên vui vẻ rất mực. Chỉ đến khi Nguyễn Thái Học yêu cầu lập một bản giao kèo, Tản Đà đổi ngay sắc mặt, bỏ vào nhà trong không thèm tiếp khách. Việc hợp tác hỏng! Cái phản ứng ấy của Tản Đà là phản ứng đặc Nho: nhà Nho giữ chữ tín bằng sự thành tâm, yêu cầu nhà Nho phải lập giao kèo làm bảo đảm cho số tiền đã bỏ ra – một việc suy cho cùng là rất đỗi bình thường trong các giao dịch kinh tế ở xã hội hiện đại – Nguyễn Thái Học vô tình đã xúc phạm nhân cách nhà Nho trong con người Tản Đà.
Mặt khác, là nhà Nho, Tản Đà tất nhiên không thiếu tinh thần gia trưởng. Cái tinh thần gia trưởng này, Ngô Tất Tố đã làm bật lên qua việc kể lại câu chuyện về cách làm báo rất tùy hứng của Tản Đà. Số là khi vào Nam phụ trách phần văn chương cho Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kì, Tản Đà thường tối ngày uống rượu, mọi công việc vẫn giao phó cho ông cử Tùng Lâm. Một hôm vì thiếu bài, ông cử Tùng Lâm mới phải thêm vào một bài thơ lá cải. Báo ra, bị Tản Đà hạch hỏi, ông cử Tùng Lâm giải thích rằng vì thiếu bài, báo cần lên khuôn mà lại không biết tìm Tản Đà ở đâu nên ông làm vậy. Tản Đà mắng: “ Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ kia vào, như thế là ông hỗn !” ( Tản Đà ở Nam Kì , Tao Đàn – 1939).
Chưa hết, xin bạn đọc chớ quên rằng nhà Nho vốn chuộng phong thái ung dung nhàn tản. Nếu đỗ đạt làm quan, ông quan nhà Nho ấy sẽ “ cầm dường ngày tháng thanh nhàn, sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao ” như chàng Kim trong Truyện Kiều, chứ sẽ không bù đầu vào những việc “quan sự” đòi hỏi phải có những tri thức hết sức cụ thể (những việc ấy đã có đám thư lại đảm nhận). Tản Đà làm báo cũng vậy. Lưu Trọng Lư là người từng được chứng kiến một ngày của ông chủ báo An Nam tạp chí : “ Tôi đến lần thứ nhất vào khoảng tám giờ sáng. Tên tiểu đồng cho tôi biết rằng ông chủ nhiệm đang ngủ. Mười giờ tôi trở lại, tôi cũng không may mắn gì hơn, nhà thi sĩ vẫn chưa dậy. Mười một giờ tôi lại đến, nhà Nho vẫn còn giấc. Hai giờ rưỡi (chiều) tôi đến, Tản Đà đã dậy và mới bắt đầu ngồi vào chiếu rượu... Bốn giờ tôi bước vào, thì hình như thi sĩ vừa... hạ đũa ” ( Bây giờ đây, khi quan tài đã đậy lại – Tao Đàn, tháng 7-1939).
Làm báo, viết báo, dù muốn hay không, Tản Đà cũng phải đối diện với những vấn đề nóng bỏng cấp thiết đang đặt ra trong đời sống xã hội. Và thực tế là trên An Nam tạp chí , ông đã viết nhiều bài báo mang nội dung cổ động tinh thần thực nghiệp, kêu gọi chí tiến thủ và nghĩa đồng bào. Từ năm 1930, ông đề xướng hai mục Việt Nam nhị thập kỉ xã hội thiển đàm và Việt Nam nhị thập kỉ xã hội ba đào kí , kêu gọi ghi chép những “biến động bất thường” trong đời sống để “hết thảy các hạng người trong xã hội thêm thú vui giao dịch kiến văn, mà sau là lưu một mối sử tài cho kẻ hậu lai”. Có thể nói, đề xướng hai mục này cho An Nam tạp chí , Tản Đà cho thấy ông có thừa nhiệt tình báo chí trước các vấn đề xã hội. Nhưng, những bài do chính ông viết cho hai mục này lại khá... nhạt. Nguyên nhân cũng không ngoài việc ông vốn là một nhân cách đặc Nho.
Ngòi bút Xuân Thu của nhà Nho là ngòi bút nêu gương đạo đức, trước những cái trái đạo cũng chỉ mang ngụ ý nhắc nhở, giáo hóa, phê phán kín đáo, chứ không phải mổ xẻ, phanh phui sự việc, tố cáo, phê phán mạnh mẽ. (Vậy nên, dù có viết mấy bài thơ trào phúng lên án bọn tham quan nhũng lại và bọn “theo voi ăn bã mía”, nhưng thơ trào phúng của ông có giọng cảm thán hơn là tố cáo). Trong khi đó, cũng ở hai mục trên của An Nam tạp chí – nhất là ở mục Xã hội ba đào kí – Nguyễn Công Hoan đã tả xung hữu đột, dùng cái nhìn sắc bén và ngòi bút chiến đấu “ tả những cảnh khốn nạn của khắp các hạng người trong xã hội cố tìm cái sung sướng ở chỗ danh, lợi, tình ” – chính Tản Đà đã quảng cáo trước cho “bộ trường thiên tiểu thuyết dày ngót 500 trang” của Nguyễn Công Hoan như vậy.
Đến đây cũng cần phải nói ngay, một trong những công lớn của Tản Đà - người làm báo, là ông đã phát hiện cho văn học hiện thực chủ nghĩa Việt Nam một tác giả xuất sắc: Nguyễn Công Hoan. Chính là qua mục Xã hội ba đào kí trên báo của Tản Đà mà Nguyễn Công Hoan đã tạo được “trớn” để đi tới và trở thành một kiện tướng của chủ nghĩa “tả chân”.
Choáng ngợp trước văn minh Âu Tây, nhiệt tình dấn thân, hăm hở đổi mới, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết báo, đã làm báo với rất nhiều kỳ vọng. Nhưng, không giũ được quan niệm nhà Nho về nhiều mặt, ông liên tục thất bại. Ông không đi xa được vào thế giới hiện đại và không thể trở thành kiểu người làm báo hiện đại như Hoàng Tích Chu, Nguyễn Tường Tam, Vũ Đình Long, Vũ Bằng v.v... Nhưng Tản Đà để lại những giai thoại thú vị về một nhà Nho chuyển sang làm báo. Điều đó chẳng lẽ không đáng nói hay sao , khi ta nhớ về buổi đầu của báo chí Việt Nam?