Buộc thân chủ trả cho luật gia 68 tỉ đồng hứa thưởng
Sau nhiều ngày xét xử, TAND TP.HCM đã chấp nhận một phần yêu cầu của luật gia Đặng Đình Thịnh, buộc bị đơn thực hiện hợp đồng hứa thưởng như đã ký với ông Thịnh.
Hơn 10 năm đi đòi tiền thân chủ hứa thưởng
Theo hồ sơ vụ án, căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh.
Năm 1980, vợ chồng ông Kha ký giấy ủy quyền cho ông Phan Bình quản lý, sử dụng nhà, đất. Giấy ủy quyền này được cơ quan chức năng chấp thuận vào năm 1981, năm 1982 vợ chồng ông Kha xuất cảnh ra nước ngoài sinh sống.
Năm 1999, UBND TP.HCM quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước căn nhà của vợ chồng ông Kha với lý do "thuộc diện nhà vắng chủ".
Năm 2007, bà Khanh và con trai là ông Nguyễn Đắc Quang về Việt Nam, đã gặp và ký kết hợp đồng ủy quyền cho luật gia Đặng Đình Thịnh thay mặt mình thực hiện các thủ tục để lấy lại căn nhà. Đồng thời, hai bên làm thỏa thuận hứa thưởng cho ông Thịnh 15% tổng giá trị căn nhà khi đòi được nhà. Sau đó, hai bên tăng mức hứa thưởng thành 35% tổng giá trị căn nhà nếu đòi được nhà.
Đến năm 2011, UBND TP.HCM hủy bỏ quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, bà Khanh, ông Quang không thực hiện thỏa thuận hứa thưởng đã ký nên luật gia Đặng Đình Thịnh đã làm đơn kiện mẹ con bà Khanh ra tòa, yêu cầu trả tiền hứa thưởng.
Mặt khác, ông Quang đã bán căn nhà trên cho bà Đặng Thu Hà, nhận cọc của ông Vũ Huy Hoàng.
Đầu năm 2015, xử sơ thẩm lần 1, TAND TP.HCM xác định giá trị căn nhà trên 156 tỉ đồng. Đồng thời công nhận hợp đồng hứa thưởng giữa nguyên đơn và bị đơn, buộc mẹ con bà Khanh phải trả cho ông Thịnh số tiền gần 55 tỉ đồng (tương đương 35%).
Trong quá trình giải quyết vụ án này phát sinh nhiều quan hệ tranh chấp khác và cũng được tòa giải quyết.
Giữa năm 2016, xử phúc thẩm, tòa tuyên y án phần hợp đồng hứa thưởng giữa ông Thịnh và mẹ con bà Khanh. Đối với những tranh chấp khác liên quan, tòa tuyên hủy để xét xử lại.
Sau đó, phán quyết trên bị kháng nghị, tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm còn nhiều nội dung chưa được làm sáng tỏ nên quyết định hủy toàn bộ 2 bản án để xét xử lại.
Xử sơ thẩm lần 2, TAND TP.HCM đã trưng cầu giám định giá trị căn nhà trên. Theo đó, căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai có giá trị 324 tỉ đồng nên ông Thịnh yêu cầu bị đơn trả cho mình số tiền 113 tỉ đồng, nhưng phía bị đơn chỉ đồng ý trả cho ông Thịnh 15% giá trị căn nhà.
Đòi được nhà, luật gia được trả 68 tỉ đồng
Sau nhiều ngày xét xử, HĐXX cho rằng hợp đồng hứa thưởng giữa nguyên đơn và bị đơn được xác lập tại Mỹ và được hợp thức hóa lãnh sự.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng thì ông Quang, bà Khanh hoàn toàn minh mẫn, không bị ép buộc nên có đủ căn cứ xác định quan hệ giao dịch này là hợp pháp.
Tại thời điểm xác lập hợp đồng hứa thưởng thì ông Kha đã qua đời và không để lại thừa kế. Do đó, bà Khanh không có quyền định đoạt toàn bộ giá trị căn nhà, mà chỉ có quyền đối với 50% giá trị căn nhà.
Cạnh đó, khi ông Kha qua đời thì bà Khanh cùng 9 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mỗi người được chia 1/20 căn nhà.
Tức, bà Khanh được hưởng 11/20 căn nhà và ông Quang được hưởng 1/20 căn nhà nên chỉ có quyền định đoạt 12/20 giá trị căn nhà.
Theo kết luận giám định căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai có giá trị 324 tỉ đồng. Bà Khanh và ông Quang được quyết định 12/20 căn nhà tương đương với 194,4 tỉ đồng.
Tòa xác định ông Thịnh đã hoàn thành công việc đòi lại căn nhà trên cho mẹ con bà Khanh nên phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hứa thưởng. Từ đó, tòa tuyên buộc bị đơn phải trả cho ông Thịnh 68 tỉ đồng (35% của 194,4 tỉ đồng).
Ngoài ra, tòa công nhận quan hệ mua bán giữa bà Hà và ông Quang là hợp pháp, buộc bà này phải thanh toán cho ông Quang số tiền còn thiếu tương ứng với 16% và tuyên hủy hợp đồng đặt cọc giữa ông Quang và ông Hoàng, buộc ông Quang trả lại số tiền hơn 21 tỉ đồng.
Hội đồng thẩm phán cho rằng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác định có đúng bà Khanh, ông Quang ký các thỏa thuận hứa thưởng hay không; bản thỏa thuận ký tại California không được hợp pháp hóa lãnh sự...