Bước ngoặt gây ngỡ ngàng với thị trường BĐS Trung Quốc: Dân gấp rút thanh toán khoản vay thế chấp!
Một nhóm các chủ sở hữu bất động sản Trung Quốc đang gấp rút trả trước các khoản vay mua nhà, trong sự bất ngờ của giới chuyên gia.
Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã khiến người mua nhà trên toàn quốc trì hoãn thanh toán các khoản vay thế chấp, trong bối cảnh hàng nghìn dự án phát triển bị đình trệ. Giờ đây, một nhóm các chủ sở hữu bất động sản Trung Quốc lại gấp rút trả trước các khoản vay mua nhà, trong sự bất ngờ của giới chuyên gia.
Phong trào đẩy mạnh thanh toán các khoản vay thế chấp được coi là bước ngoặt khá lớn đối với nhiều người Trung Quốc, những người trước đây từng dốc toàn lực vay vốn để mua nhà những năm đầu bất động sản bùng nổ. Tuy nhiên, khi ngành địa ốc lao dốc, đòn bẩy được săn lùng một thời này lại trở thành gánh nặng.
Trước đây, để mua nhà, người Trung Quốc thường vay ngân hàng và trích một phần mua các sản phẩm đầu tư quản lý tài sản. Sau đó, họ dùng chính lợi nhuận của những khoản đầu tư này để trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, việc lãi suất trái phiếu giảm mạnh thời gian gần đây khiến lợi nhuận các sản phẩm quản lý tài sản lao dốc. Người mua nhà buộc phải bán tháo các khoản đầu tư, sau đó dùng tiền mặt trả nợ ngân hàng.
Câu chuyện về cô Raven Chen, nhân viên ngành tài chính ở Thượng Hải, là một ví dụ điển hình. Cô cho biết mình đang cân nhắc bán lại một số sản phẩm đầu tư để trả khoản vay thế chấp trị giá khoảng 200.000 nhân dân tệ (tương đương 28.870 USD). Được biết lãi suất của khoản vay này lên tới hơn 5%, gần gấp đôi mức lãi suất phổ biến của những sản phẩm đầu tư đang được các ngân hàng rao bán.
"Lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản quá thấp. Tôi không thể dùng chúng để trả 5% lãi suất", cô chia sẻ.
Theo các chuyên gia, làn sóng người mua nhà muốn thanh toán các khoản vay xuất hiện ngay trong thời điểm thị trường bất động sản đặc biệt hỗn loạn. Một cuộc khủng hoảng thanh khoản đã nổ ra sau khi hàng trăm nghìn chủ sở hữu các dự án bị từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp. Điều này chắc hẳn đã phá vỡ niềm tin vốn đã cố hữu rất lâu tại đại lục, nơi khoảng 70% tài sản hộ các gia đình gắn liền với bất động sản, rằng tài sản chính là cách tốt nhất để xây dựng sự giàu có. Đà lao dốc của giá nhà khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm nay chỉ được dự báo tăng trưởng 3,5%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra của giới chức.
Dù chưa rõ có bao nhiêu khoản thế chấp chưa thanh toán trước đó đã được hoàn trả vào đầu năm nay, song phong trào này được coi là tín hiệu đáng mừng đối với các ngân hàng. Các khoản trả trước thế chấp đã tăng 30 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm lên 260 tỷ nhân dân tệ tại ngân hàng Công thương Trung Quốc, tức tăng 13% so với một năm trước đó.
Theo Bloomberg, từ khóa tìm kiếm “thế chấp trả trước” trên WeChat đạt kỷ lục hơn 2,7 triệu lượt truy cập vào tháng trước, sau khi các bài đăng về chủ đề này thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng động mạng. Điều này thúc đẩy tất cả cắt giảm nợ và tăng cường tiết kiệm để giảm tỷ lệ đòn bẩy, công cụ vốn đang dao động gần mức cao kỷ lục 61,8% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Nio, một nhà phân tích dữ liệu 35 tuổi đang sống tại Thượng Hải cho biết, sự bất an về nền kinh tế đã khiến anh cân nhắc việc thanh toán trước khoản thế chấp trị giá khoảng 300.000 nhân dân tệ với lãi suất 7,5%. Tình hình kinh doanh ảm đạm sau 2 tháng toàn thành phố phong tỏa đã khiến người đàn ông này phải tính trước mọi rủi ro.
“Điều kiện kinh tế nói chung đang cực kỳ tồi tệ trong năm nay. Mọi người không dám chi tiêu, lo lắng việc bị sa thải và đều chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất”, Nio nói.
Với việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, lợi suất trái phiếu chắc hẳn sẽ tiếp tục chịu áp lực trong tương lai. Trái phiếu chiếm gần 55% tài sản cơ bản trong các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng, theo Shanghai Minority Asset Management Co.
Echo Huang, một nhân viên truyền thông ở tỉnh Chiết Giang, cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại của cha mẹ giục thanh toán nốt phần còn lại của khoản vay thế chấp. Các sản phẩm đầu tư chỉ có thể mang lại lợi nhuận 2-3%, trong khi lãi suất thế chấp lại cao hơn nhiều.
Được biết thế chấp nhà ở chiếm khoảng 30% tổng các khoản vay tín dụng tại các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc tính đến cuối tháng 6, đồng thời được coi là một trong những loại tài sản chất lượng cao nhất đối với người cho vay.
Tuy nhiên, theo Hao Hong, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản toàn cầu GROW Investment Group, tác động tức thời lên doanh thu ngân hàng của những khoản vay trả trước cần được hạn chế.
“Các ngân hàng sẽ không vui lắm đâu. Họ sẽ tính phí phạt để ngăn mọi người ồ ạt bán các sản phẩm đầu tư và thanh toán trước”, Hong chia sẻ.
Trước đây, các ngân hàng Trung Quốc thường miễn phí phạt trong một vài tháng với điều kiện hợp đồng cho vay đã có hiệu lực trong một năm.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh