Bùng nổ thương mại điện tử sẽ là động lực thúc đẩy tài chính toàn diện

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 09:09:14

Tài chính toàn diện đang là vấn đề được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Việt Nam trong những năm trở lại đây. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 càng khẳng định rõ điều này. Đây đang là cơ hội đối với các ngân hàng khi được góp thêm sức là sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT).

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ số, và quá trình chuyển đổi số ở các ngân hàng, các ứng dụng ngân hàng di động đã thể hiện vai trò đối với tài chính toàn diện trong việc tiếp cận khách hàng ở những nơi mà không có trụ sở hay chi nhánh ngân hàng.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố tháng 6.2022, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 11,44% kể từ năm 2015-2021. Để tiến đến chiến lược tài chính toàn diện theo Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì mục tiêu đến cuối năm 2025 phải có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

Thực tế, “đất” cho tài chính toàn diện ở Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều dư địa để phát triển, khi có tới 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng đầy đủ. Và Việt Nam đang xếp thứ 8 trong các quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt.

Mặt khác, để hướng đến mục tiêu tài chính toàn diện, 2 năm qua Chính phủ đã thực hiện chương trình thí điểm Mobile Money. Tính đến cuối tháng 6.2022, đã có 1,72 triệu tài khoản Mobile Money hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng), chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ . Đặc biệt, có tới 67% khách hàng ở những vùng sâu, vùng xa, đây là những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và không điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam


Mặc dù đạt được tốc độ phát triển khá cao (xấp xỉ 20%/tháng) nhưng so với số lượng 125 triệu thuê bao di động hiện nay của Việt Nam thì tỷ lệ người dùng dịch vụ Mobile Money vẫn còn là con số khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính là do “sinh sau đẻ muộn” nên Mobile Money chưa cạnh tranh được với các ngân hàng và trung gian thanh toán.

Sự tham gia mạnh mẽ của các fintech và telcons vào lĩnh vực thanh toán khiến việc sử dụng các công cụ thanh toán số và chuyển tiền trực tuyến có xu hướng gia tăng mạnh, đây cũng là một động lực thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số.

Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 vừa công bố số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Đồng thời, mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, ngang bằng Singapore và chỉ đứng sau Indonesia (104 tỷ USD).

Từ các thực trạng trên cho thấy, mục tiêu tài chính toàn diện hiện đang là mảnh đất màu mỡ cho các ngân hàng. Việc chuyển đổi số giúp ngân hàng vươn rộng thị trường, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, so với việc mở các chi nhánh vật lý khá tốn kém. Được xúc tác thêm bởi sự bùng nổ của TMĐT, thúc đẩy sự hiện diện của ngân hàng trong đời sống của mỗi người dân, để từ đó tiến tới được mục tiêu tài chính toàn diện.

Mục tiêu này cũng có thể là “quá trình đào thải” đối với những ngân hàng “ngại” thay đổi. Khảo sát “Disruption Diaries” của nền tảng Mambu chỉ ra, khoảng cách đang ngày càng nới rộng, khi có đến một nửa trong số những ngân hàng chậm trễ nắm bắt xu hướng chuyển đổi số không thể trang trải nổi chi phí vốn, trong khi top những ngân hàng thích ứng nhanh nhất lại tạo ra giá trị gấp 5 lần các ngân hàng trong ngành.

Cụ thể hơn, là có đến 40% người tiêu dùng chưa sử dụng ngân hàng cho biết, họ có thể sẽ sử dụng ngân hàng nếu như có nhiều dịch vụ chuyên biệt trên điện thoại hoặc website hơn. Và 26% tin rằng các tổ chức tài chính có thể giúp họ mở một tài khoản ngân hàng bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính mang tính cá nhân hoá hơn.

Giải pháp đặt ra cho các ngân hàng hiện nay là cần một mô hình vận hành mới, tốc độ cao, dựa trên nền tảng công nghệ kết hợp. Mô hình này sẽ giúp ngân hàng giành lợi thế, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, toàn diện, an toàn và có tính cá nhân hóa cao. Tính cá nhân hóa chính là chìa khóa quan trọng cùng với công nghệ mới sẽ giúp ngân hàng nắm bắt được thói quen của người tiêu dùng, từ đó dự đoán những nhu cầu để đưa ra những đề xuất và dịch vụ phù hợp.

Nếu mô hình vận hành truyền thống khiến doanh nghiệp phải tuân theo hệ thống công nghệ thông tin cứng, không linh hoạt, sử dụng nhiều tài sản công nghệ thông tin và là “kẻ hủy diệt” tốc độ kinh doanh thì mô hình vận hành mới với công nghệ kết hợp được thiết kế ưu tiên cho từng cho doanh nghiệp, cung cấp một hệ sinh thái mở với các chức năng có thể lắp ráp và sử dụng lại nhanh chóng.

Trên thế giới nhiều ngân hàng đã thành công và đạt hiệu quả với mô hình tốc độ cao này. Điển hình như ngân hàng New 10 ABN-Amro (Hà Lan) đạt mức tăng trưởng khách hàng mới là 65% khi vận hành như một công ty công nghệ, dẫn đầu xu hướng và gặt hái được những thành quả từ tiến trình chuyển đổi qua tài chính toàn diện. Hay, Amsterdam Trade Bank đã chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình của một fintech, và mở rộng sang thị trường mới chỉ mất chưa đến 6 tháng.

Tài chính toàn diện ở Việt Nam đang mở ra cơ hội cho các ngân hàng nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của ngân hàng thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Chuyển đổi số sẽ là con đường hiệu quả để ngân hàng tiếp cận được nhiều hơn các đối tượng khách hàng, loại hình dịch vụ và bắt kịp với xu hướng của TMĐT đang phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ Facebook