Bùng nổ các 'ngân hàng bóng tối' đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 16:27:56

Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thường dẫn đến bùng nổ hoạt động của các "ngân hàng bóng tối" khiến nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng - dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính.

Căn hộ ở thành phố Toronto, tỉnh Ontario. Canada là nơi người dân chịu lãi suất thế chấp nhà rất cao - Ảnh: BLOOMBERG


Theo thời báo Financial Times , bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, các ngân hàng bóng tối (Shadow Banking) đã dần lan rộng ra toàn thế giới. Gần đây các "ngân hàng bóng tối" đang phát triển nhanh nhất ở các khu vực châu Âu và châu Á. Việc gia tăng các "ngân hàng bóng tối" đang ở mức đáng lo ngại ở một số quốc gia như Canada, Úc và New Zealand.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, đã đưa ra định nghĩa về "ngân hàng bóng tối" như sau: Đó là một tập hợp đa dạng các tổ chức và thị trường thực hiện các chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài các quy định thông thường của ngân hàng. Ngân hàng bóng tối là thuật ngữ bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, các tổ chức cho vay ngắn hạn.

"Ngân hàng bóng tối" khiến dòng tiền liên tục chảy ra khỏi các ngân hàng trung ương, đã gây ra các cuộc khủng hoảng nối tiếp trong nhiều thập kỷ.

Không chỉ các tổ chức tư nhân chuyên cho vay, ngay cả những ngân hàng đầu tư và cho vay thế chấp đã đẩy dòng tiền dễ dàng vào các "ngân hàng bóng tối" - ít bị quản lý hơn - đặc biệt là lĩnh vực cho doanh nghiệp vay.

Các hoạt động cốt lõi của ngân hàng đầu tư chịu sự điều tiết và giám sát của các ngân hàng trung ương và các tổ chức chính phủ khác. Tuy nhiên, thực tế phổ biến là các ngân hàng đầu tư thực hiện nhiều giao dịch của họ theo những cách không thể hiện trên bảng cân đối kế toán thông thường. Như vậy, các giao dịch "phía sau" này không hiển thị trên các báo cáo tài chính để các cơ quan quản lý xem xét.

Trên toàn cầu, các "ngân hàng bóng tối" quản lý khoảng 63.000 tỉ USD tài sản tài chính, tăng từ 30.000 tỉ USD của thế kỷ trước.

Hiện nay, các "ngân hàng bóng tối" của Trung Quốc vẫn là một trong những hoạt động tín dụng lớn nhất thế giới. Đây là một rủi ro rất lớn của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời đe dọa đến sự tăng trưởng của nước này.

Ở châu Âu, các điểm nóng bao gồm các trung tâm tài chính như Ireland và Luxembourg, nơi tập trung tài sản của các "ngân hàng bóng tối". Trong những năm gần đây, các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm được mở rộng với tốc độ tăng trưởng 8-10%/năm .

Ở Mỹ, nợ doanh nghiệp vẫn ở gần mức cao kỷ lục, đặc biệt là đối với các công ty trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, bao gồm các hãng hàng không và nhà hàng. Có khoảng 1/3 các công ty giao dịch công khai ở Mỹ không kiếm đủ tiền để trả lãi.


Một nhà đầu tư đã nói với tờ Financial Times : "Hãy vung gậy ở Manhattan vào những ngày này và bạn nhất định phải đánh ai đó có liên quan đến hoạt động cho vay tư nhân".

Điều này cho thấy các cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo có khả năng phát sinh ở các khu vực mới của thị trường như ngân hàng bóng tối, nơi tăng trưởng bùng nổ nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa tìm đến.

Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) chi 4,75 tỉ USD để dàn xếp vụ kiện liên quan đến vai trò của ngân hàng trong việc bán các sản phẩm thế chấp rủi ro tại Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Chia sẻ Facebook