Bức tranh tối màu ở Afghanistan
"Chúng tôi vẫn có thể bị làm hại, điều đó thật mệt mỏi. Nhưng tất cả những gì chúng tôi có thể làm là kiên trì", một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan nói.
Nữ nhà báo người Afghanistan Farida Sial hôm 2/8 chia sẻ với trang The National News (UAE) về ngày cuộc đời phóng viên của cô tại kênh tin tức 24/7 Tolo News thay đổi hoàn toàn. Cô vẫn nhớ rõ đó là ngày 22/5 năm nay.
Ngày hôm đó, các thành viên của Bộ Đức hạnh của Taliban đã đến trụ sở đài tin tức này để thực thi một lệnh đã được công bố nhiều ngày trước đó, yêu cầu tất cả các nữ dẫn chương trình truyền hình phải che mặt khi lên sóng.
“Tôi nhớ buổi sáng hôm đó”, cô Sial, 26 tuổi, nói với The National News. “Đó là một khoảng thời gian khó khăn, gây sốc và là một ngày rất buồn đối với chúng tôi”.
Bộ Văn hóa Thông tin cho biết chính sách này là "cuối cùng và miễn bàn cãi".
“Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh để có thể đưa tin khi đeo khăn che mặt, nhưng điều đó rất khó đối với tôi. Đó không phải là lựa chọn của tôi”, cô Sial nói.
“Taliban đang cố gắng loại bỏ chúng tôi khỏi đời sống công cộng. Những mệnh lệnh này chỉ có một mục đích: Bắt phụ nữ Afghanistan ở nhà”.
Để thể hiện tinh thần đoàn kết với các đồng nghiệp nữ, các nhà báo nam và người dẫn chương trình là nam giới của Tolo News, bao gồm cả người dẫn chương trình chính của đài, đã đeo khẩu trang khi lên hình.
Nhưng việc lên tiếng chống lại chế độ đi kèm với hậu quả. Sial cho biết, các nhà báo có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình khi phàn nàn về những hạn chế.
Trong giai đoạn đầu tiên Taliban nắm quyền ở Afghanistan năm 1996-2001, họ đã ban hành những hạn chế khắc nghiệt đối với phụ nữ, yêu cầu phụ nữ phải mặc burqa và cấm họ tham gia đời sống công cộng.
Burqa là một loại áo dài của phụ nữ Afghanistan, có phần vải để trùm lên đầu, phía trước một tấm lưới dày che mặt, chỉ hở đôi mắt.
Ngay khi Mỹ và đồng minh rút quân vào tháng 8/2021, Taliban lên nắm quyền trở lại, thiết lập hình ảnh ban đầu có vẻ tích cực hơn. Ban đầu dường như họ đã điều tiết lại lập trường của mình.
Thời điểm đó, họ không công bố ngay quy định về trang phục dành cho phụ nữ và cam kết sẽ tôn trọng quyền của nữ giới theo các quy định của luật Hồi giáo.
Nhưng trong những tháng gần đây, Taliban đã thực hiện một bước ngoặt cứng rắn: Ban hành lệnh bắt buộc phụ nữ Afghanistan khoác lên mình bộ burqa che kín từ đầu đến chân chỉ để hở đôi mắt.
Theo quy định này, phụ nữ Afghanistan chỉ được ra khỏi nhà khi cần thiết và những người thân là nam giới sẽ phải đối mặt với hình phạt nếu những thành viên nữ trong gia đình vi phạm quy định về trang phục.
Các cô gái tuổi teen đã bị cấm đi học . Điều này khiến các nhà báo nữ lo sợ họ sẽ sớm bị xóa hoàn toàn khỏi màn hình TV.
“Nếu họ nói rằng chúng tôi bắt buộc phải mặc burqa, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ mất việc”, cô Sial nói. “Không thể xuất hiện trên màn hình khi mặc một bộ burqa. Đây không phải là một phần của văn hóa Afghanistan và cũng không phải là một phần của Hồi giáo”.
Cô kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực để Taliban bảo đảm quyền của phụ nữ ở Afghanistan.
“Mỹ và các đồng minh của họ đã khiến người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn”, cô Sial than thở.
"Những cơn sóng ngầm"
Zakia, một sinh viên kinh tế, đã phải bỏ dở việc học khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan trở lại vào tháng 8/2021. Từ đó, nhà của cô ở thủ đô Kabul đã trở thành nơi phụ nữ Afghanistan cùng nhau đứng lên chống lại chế độ này.
Cô là thành viên của một nhóm đang không ngừng phát triển, với thành viên ban đầu gồm 15 nhà hoạt động, chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 20 và là những người quen biết nhau. Bây giờ, nhóm của Zakia đã có đến hàng chục thành viên là nữ, hoạt động bí mật và tổ chức các cuộc biểu tình.
Hoda Khamosh, một nhà hoạt động vì nữ quyền, nhà báo và nhà vận động nổi tiếng người Afghanistan, đã tổ chức các hội thảo để giúp trao quyền cho phụ nữ. Cô chịu trách nhiệm xem xét các ứng viên có nguyện vọng gia nhập nhóm thông qua các thử nghiệm.
Một thử nghiệm mà cô Hoda đặt ra là yêu cầu ứng viên chuẩn bị các biểu ngữ hoặc khẩu hiệu trong thời gian ngắn nhất có thể. Từ cách họ thực hiện yêu cầu này, cô có thể đánh giá được mức độ nhiệt tình của các ứng viên.
Ngoài ra cũng có các thử nghiệm khác mang lại kết quả rõ ràng hơn. Hoda kể lại trường hợp một ứng viên tiềm năng bị loại với tình nghi là có hành vi để lộ thông tin mật của nhóm. Ứng viên đó đã được cung cấp thông tin về một cuộc biểu tình của nhóm. Nhưng tất nhiên đây là thông tin giả để thử thách độ đáng tin của ứng viên này.
Cuối cùng, Taliban đã xuất hiện vào đúng thời gian mà cuộc biểu tình này được cho là sẽ diễn ra. Do đó, nhóm đã cắt đứt mọi liên lạc với người phụ nữ này.
Những nhà hoạt động chủ chốt của nhóm sử dụng một số điện thoại chuyên dụng để thực hiện công tác điều phối vào ngày diễn ra biểu tình. Số điện thoại này sau đó sẽ bị ngắt kết nối để đảm bảo rằng họ không bị theo dõi.
“Chúng tôi thường mang thêm một chiếc khăn hoặc một chiếc váy khác. Khi cuộc biểu tình kết thúc, chúng tôi thay quần áo để không bị nhận ra", cô Hoda cho biết.
Để chống lại Taliban, cô đã thay đổi số điện thoại nhiều lần và chồng cô đã nhận được những lời đe dọa.
Minh Đức (Theo The National News)