Bức tranh thu hút đầu tư các tỉnh miền Trung: Hai mảng màu sáng - tối

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 11:27:36

Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, cộng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tỉnh, thành miền Trung đã mang lại bức tranh về thu hút đầu tư tại khu vực này có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư giữa nguồn vốn trong và ngoài nước đang có sự phân mảng sáng tối.


Thu hút vốn FDI còn hạn chế

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương miền Trung khởi sắc trở lại, trong đó có nhiều địa phương tăng mạnh như: Quảng Nam (tăng 12,8%); Đà Nẵng (tăng 7,23%), Quảng Ngãi (tăng 6,34%), Bình Định (tăng 7,01%)... Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư ở các tỉnh thành vẫn có sự chênh lệch, đặc biệt việc thu hút đầu tư trong nước vẫn rất khả quan, thì thu hút vốn nước ngoài đang có sự chững lại ở hầu hết các địa phương.

Tại Đà Nẵng, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 4.025 tỷ đồng tăng 2 dự án và tăng 99,7% tổng vốn đăng ký. Trong đó có 5 dự án nằm ngoài Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 2.796 tỷ đồng và 8 dự án trong Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao với tổng vốn 1.229 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có 17 dự án FDI cấp mới chứng nhận, vốn đăng ký đạt 6.917 nghìn USD, giảm 2 dự án, riêng vốn đăng ký chỉ bằng 4,7% cùng kỳ năm 2021; 15 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 6.199 nghìn USD, giảm 50% lượt góp vốn nhưng phần vốn góp tăng 45,3% so với cùng kỳ; 15 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 17.556 nghìn USD tăng 50% dự án xin điều chỉnh vốn và phần vốn điều chỉnh tăng 96,6%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của các dự án FDI đạt 8,3 triệu USD.

Trong khi đó, tại Bình Định, theo Trung tâm xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút mới 38 dự án với tổng vốn đầu tư trong nước hơn 8.092 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 8 dự án, với tổng vốn tăng thêm hơn 2.439 tỷ đồng.

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Định đã điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án, với tổng vốn tăng 6,98 triệu USD. Cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.096,69 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 846,07 triệu USD.

Tại Quảng Nam, 6 tháng qua đã cấp mới 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 23,5 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 195 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Đồng thời, tỉnh này cũng đã cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 5.600 tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 940 dự án với tổng vốn đăng ký gần 240.000 tỷ đồng.

Tại Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm, đối với thu hút đầu tư FDI, tỉnh đã cấp mới 2 dự án với tổng vốn đầu tư 71,573 triệu USD, bằng cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 1.839 triệu USD, trong đó, có 39 dự án đang hoạt động, 20 dự án đang triển khai, 3 dự án tạm dừng.

Đối với thu hút đầu tư trong nước, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, tăng 3 dự án so với vùng kỳ, với vốn đăng ký 198,9 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 669 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 379.914 tỷ đồng...

Từ những con số cho thấy, tình hình thu hút đầu tư FDI ở các tỉnh thành miền Trung trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, vốn FDI "chảy" vào các địa phương này rất ít cả về số lượng lẫn chất lượng, như: Đà Nẵng chỉ thu hút được 8,3 triệu USD (tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm); Quảng Nam thu hút gần 23,5 triệu USD (3 dự án mới); Bình Định thu hút 6,98 triệu USD (2 dự án tăng vốn)...

Các tỉnh, thành miền Trung sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư... Ảnh: Thành Vân.


Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2022, nhiều tỉnh thành cho biết, sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Đồng thời, tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp diễn biến của dịch bệnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án quy mô, động lực như: dự án Không gian sáng tạo (CMC); Khu du lịch Làng Vân; khu tổ hợp đô thị thông minh - khu phi thuế quan...

Ngoài ra, tiếp nhận, xử lý kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố, hỗ trợ các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư...

Trong khi đó, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định cho biết, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Bình Định tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng tốt nhằm thu hút thêm nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng.

Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Định tiếp tục tỉnh linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn chỉnh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng để kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, các quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch trung hạn và hằng năm có tầm nhìn, gắn với tình hình thực tiễn tại mỗi ngành, địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư mới...

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Chia sẻ Facebook