Bức tranh thế kỷ 16 về sự xuống dốc của đền thờ Thánh Jerusalem
Bức họa này liên quan đến sự kiện xảy ra trong Kinh Thánh, khi Chúa Jesus cùng các môn đồ tới Jerusalem tham dự lễ Quá Hải hay còn gọi là...
“Christ Driving the Traders from the Temple” hay “Chúa đuổi thương nhân ra khỏi đền thờ” là một chủ đề khá phổ biến trong hội họa phương Tây thời kỳ Phục Hưng và Baroque. Nó liên quan đến sự kiện xảy ra trong Kinh Thánh, khi Chúa Jesus cùng các môn đồ của mình tới Jerusalem tham dự lễ Quá Hải (hay còn gọi là lễ Vượt Qua – kỷ niệm việc Moses dẫn dắt người Do Thái đến miền đất mới) (Xem bài: Truyền thuyết Moses rẽ nước Biển Đỏ) . Theo đó, khi thấy ngôi đền tại Jerusalem trở nên xuống dốc và trần tục, Chúa Jesus đã đi vào và đuổi tất cả các thương nhân đang lợi dụng ngôi đền đi, nói rằng chính họ đã “biến nó thành hang ổ của kẻ cướp”.
Trong kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu bức họa “Chúa đuổi thương nhân ra khỏi đền thờ” của danh họa Pieter Brueghel (bố) vẽ sau năm 1569.
Đền thờ Jerusalem hay còn gọi là đền Thánh tọa lạc trên một ngọn núi bên trong thành phố cổ Jerusalem. Theo đức tin của người Do Thái thì đây là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngôi đền Jerusalem được vua Solomon xây dựng vào khoảng thế kỷ 10 trước Công Nguyên, là trung tâm phụng thờ của Do Thái giáo cổ. Tuy nhiên, bức tranh tập trung mô tả sự xuống dốc của ngôi đền hơn là kiến trúc thực sự của nó.
Ngôi đền trong tranh có cấu trúc mái vòm và mặt tiền mở ra khá hẹp. Khác với sự thánh khiết nên có của một ngôi đền, nó trông như một hang động u ám giữa thành phố, trông rất trần tục.
Vào thời đó, người ta cho rằng những kiến trúc có hình dạng hang hốc và u tối như vậy thường là biểu hiện của dục tính.
Ngôi đền có thờ hai bức tượng vàng điêu khắc hai nhà tiên tri của Do Thái giáo trong kinh Cựu Ước là Moses và Aron. Moses cầm trong tay bia khắc mười điều răn của Chúa trời. Điều đáng nói ở đây là trong mười điều răn của Chúa trời thì điều thứ ba có cấm không được dùng các loại hình vẽ, điêu khắc hay biểu tượng để thờ cúng. Vậy là bản thân hai bức tượng cũng đã nói lên rằng người ta chẳng còn quan tâm tới tín ngưỡng nữa, đến cả điều răn cơ bản nhất cũng không thực hiện.
Hình trăng khuyết ở trên nóc nhà thờ là biểu tượng cho dị giáo, tà ma và tội lỗi. Vào thời của Brueghel, hình ảnh này gắn liền với những kẻ ngốc, ham thích lạc thú trần tục, mê đắm và tàn bạo.
Về phía bên trái của ngôi đền, chúng ta lại thấy những hình ảnh biểu tượng cho sự sa ngã.
Chiếc đồng hồ mặt trời có hình cánh tay mời gọi một cách thô tục làm mất đi sự trang nghiêm của ngôi đền.
Ở ngay ngoài đền là một cột điêu khắc kỳ quặc, miêu tả một người ngồi trên lưng một nhóm người đang quay mông ra bên ngoài. Vào thời Trung Cổ, ở một số thành phố, những bức tượng bán thân thường được gắn lên tường thành để ngăn trừ ma quỷ. Có thể cái cột này cũng vậy, cũng có mục đích là bảo vệ ngôi đền. Điều này thể hiện rõ ràng sự xuống dốc của tín ngưỡng, khi người ta nghĩ thứ tượng điêu khắc kỳ dị này có thể bảo vệ cho ngôi đền.
Phía bên phải, dòng thương nhân tràn ra khiến người ta có cảm giác họ đã lấp đầy ngôi đền Jerusalem từng một thời thiêng liêng.
Ngoài những thương nhân, có rất nhiều người ăn xin đang ngồi trước ngôi đền.
Người phụ nữ lớn tuổi có cánh tay được băng bó, nhưng bà ta lại ăn mặc rất đẹp. Dường như bà ta xin ăn không phải vì quá khó khăn mà chỉ đơn giản vì bà ta lười biếng không chịu làm việc. Bà ta mang theo đứa bé bên mình để tranh thủ sự mủi lòng của người qua lại.
Thời bấy giờ, những người ăn xin thường bị khinh bỉ, vì là kẻ ăn bám, sống nhờ vào người khác. Trong tranh ta có thể thấy rằng những kẻ ăn xin đó không hề đói rách chút nào. Có người bụng còn căng tròn và béo tốt.
Còn người thật sự có số phận hẩm hiu, một người tàn tật mất cả hai bàn chân phải lê lết, thì trông lại thật thảm thương, tách biệt, cố lết đi cùng với cây đàn mà anh ta dựa vào đó để sinh sống.
Đối với Do Thái giáo, lợn là loài vật bẩn thỉu, không được phép có mặt tại đền thờ, nhưng chúng lại xuất hiện tại ngôi đền trung tâm của Do Thái giáo.
Một người đàn ông mang bộ da vừa mới lột trên cây gậy để đến bán tại đền thờ. Trong khi đó, đứa trẻ trần truồng đằng sau ông ta cố gắng bấu víu lấy cái đuôi của bộ da, khuôn mặt lộ rõ nét gắng sức, trông thật đáng thương.
Một người phụ nữ chuẩn bị trừng phạt một đứa bé. Quả trứng nằm bên cạnh đống lửa có thể là nguyên nhân cho việc này. Điều đó có nghĩa là người ta không thể khoan thứ dù mâu thuẫn chỉ nhỏ như một quả trứng.
Một tay tự nhận là bác sĩ đang nhổ răng cho một phụ nữ, nhưng dường như máu đã ra đầy mồm người bệnh. Phía trên đầu anh ta là một giấy chứng nhận giả mạo, có hình vẽ một người đang miệng nôn trôn tháo. Chỗ này Brueghel đã chơi chữ vì vào thế kỷ 16, động từ “beschijten” trong tiếng Hà Lan có hai nghĩa, một là “lừa dối” , hai là “đi ngoài”.
Đám đông vây quanh xem nhổ răng có đủ mọi loại người, từ nông dân, quý tộc cho tới du mục, thương nhân.
Trong số người đứng đó, có một kẻ trộm đang giả vờ xem náo nhiệt, nhưng tay lại luồn qua cắt túi đựng tiền của người đang mang con ngỗng. Tuy vậy, hành động này đã bị người đứng sau phát hiện và tóm lấy.
Một người đàn ông đang bị bêu riếu trước đám đông bằng cách treo lơ lửng trong một chiếc giỏ ở phía trên dòng sông đi qua thành phố. Để thoát khỏi việc này, anh ta sẽ phải làm đứt sợi dây treo. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ta sẽ rơi xuống nước. Thông điệp này có hàm ý là kẻ gây ra tội lỗi không sớm thì muộn cũng gặp phải sự trừng phạt.
Ở trung tâm của bức tranh là cảnh Chúa Jesus đang giương cao roi, để đuổi những thương nhân ra khỏi ngôi đền tại Jerusalem.
Và có thể người ta sẽ dễ dàng bỏ qua một cảnh tượng phía xa trong tranh. Nó thực chất là cảnh người Do Thái đang chuẩn bị đóng đinh Chúa Jesus lên cây thập tự.
Có lẽ bức tranh muốn ẩn ý rằng, sự sa đọa của người ta đối với tín ngưỡng, sự tham lam, lười biếng, và giả dối, cuối cùng đã khiến cho việc cứu vớt con người trở nên quá khó khăn, khiến ngay cả Chúa Jesus cũng vì thế mà bị đóng đinh lên cây thập tự.
Cao Huy
Tham khảo từ bài viết
A scientific controversy – Investigating ‘Christ Driving the Traders from the Temple’ in the collection of Statens Museum for Kunst, Copenhagen
Mời xem video :