Bức tranh cuối đời của những họa sĩ lừng danh
Khán giả thường thích xem những bộ phim về tiểu sử của các họa sĩ như một cách để tạo thêm cảm hứng khi chiêm ngưỡng tác phẩm.
Và điện ảnh không thiếu những bộ phim hay miêu tả những ngày cuối cùng của nghệ sĩ như một sự đồng cảm cho cái đẹp và bi kịch được đặt cạnh nhau.
Có lúc chẳng đẹp như tranh
Thuật lại hai mươi năm cuối đời của họa sĩ Turner, bộ phim Mr. Turner của đạo diễn Mike Leigh ít tập trung vào những bức tranh.
Nếu người xem không biết tên tuổi của danh họa trước khi vào phòng chiếu, e là họ chỉ thấy những cảnh lặp đi lặp lại một ông già nói năng bỗ bã, vô trách nhiệm và chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài chuyện vẽ tranh.
Nếu ông gàn dở thì đúng là vậy, nếu ông thiên tài thì bao năm qua tranh của ông đã cất tiếng nói.
Đạo diễn treo khung từng hình ảnh trong phim với những góc quay "lười" dịch chuyển. Mike Leigh chơi đùa với ánh sáng trong phim như Turner rèn giũa ánh sáng trên tranh.
Phương pháp làm phim này có thể khiến người xem rơi ngay vào bầu không khí nước Anh thuở đó và trải nghiệm được thế giới thẩm mỹ của Turner.
Tương tự đạo diễn Miloš Forman từng sử dụng một thứ âm nhạc trầm và lắm bi sầu trong bộ phim Amadeus để kể về cuộc đời tai ương của Mozart.
Như Mozart chết với bản phác thảo nhạc trên tay, họa sĩ Turner cũng nhảy vọt xuống giường bệnh, băng ra đường để vẽ bất cứ khung cảnh nào cuốn lấy ông.
Hay trước đó nguồn cơn của căn bệnh bắt đầu từ những chuyến đi tìm tư liệu "hành xác" của họa sĩ hoặc quái gở hơn, ông tự trói mình trên cột buồm trong dông bão để có cảm xúc vẽ con tàu đắm.
Đoạn cuối cuộc đời họa sĩ Turner, trong cái nhìn của Mike Leigh và có lẽ của người cùng thời, kỳ dị cũng có mà đau đáu với nghệ thuật cũng không ít.
Bươn chải qua cơn túng quẫn
Nếu liệt kê những tuyệt tác nghệ thuật có giá cao nhất thế giới, ắt phải kể tới tranh của Picasso, Van Gogh và Modigliani. Picasso và Van Gogh thì đại chúng đã quá tường tận, hàng loạt bộ phim xuất hiện liền nhau kể về cuộc đời hai ông, còn vị kia thì hoàn toàn ngược lại.
Giới họa sĩ mê phong cách vẽ của Modigliani, khoái lối sống phóng túng của ông nhưng càng ngưỡng phục thì họ lại càng tiếc cho cuộc đời ông ngần ấy.
Nghệ thuật của Modigliani liên tục bị người đương thời khước từ. Không ai đồng cảm với Modigliani hơn nhà làm phim Jacques Becker với tác phẩm Montparnasse 19 .
Bộ phim mở màn bằng khung cảnh Paris với những quán rượu nơi họa sĩ Modigliani ngồi vẽ ký họa chân dung các vị khách để đổi lấy tiền uống rượu. Ít ai ưa tranh ông, những gương mặt dài lẩn khuất sau mảng màu u ám. Tuổi 30 của người nghệ sĩ nghèo là rượu và cơn đau liên miên.
Bộ phim nhắc lại một sự kiện đình đám năm 1917 ở triển lãm cá nhân duy nhất của Modigliani, những bức tranh khỏa thân của ông đã bị cấm trưng bày vì "quá khiêu khích" cộng đồng.
Ngày nay một trong những bức tranh ấy, Reclining Nude , có giá lên đến 170 triệu đô. Đạo diễn Jacques Becker đã vạch trần những tay môi giới "kền kền" chỉ lăm le nghệ sĩ chết đi để đẩy giá tranh mặc cho tác phẩm có vĩ đại đến đâu chăng nữa.
Modigliani qua đời vì kiệt sức và bệnh tật, còn bộ phim Montparnasse 19 kết thúc bằng khung cảnh người ta chiếm đoạt lấy tranh ông.
Cuộc đời lạ thường của Séraphine
Có lẽ nữ họa sĩ Séraphine sẽ chẳng bao giờ lại được nhắc đến nếu không có bộ phim Séraphine năm 2008 của đạo diễn Martin Provost.
Séraphine là một trong những họa sĩ có cuộc đời lạ thường nhất - người giúp việc nhà ở vùng ngoại ô Paris. Bà chui vào căn phòng nhỏ và vẽ thâu đêm sau một ngày đi ở đợ cho người dân trong vùng. Nếu tài năng của Séraphine không được một nhà sưu tập phát hiện thì chắc mẩm tranh của bà đã bị vứt ở xó xỉnh nào đó.
Séraphine chỉ vẽ tranh tĩnh vật thiên nhiên, nhịp điệu màu sắc của tranh khiến kẻ đứng trước bị mê hoặc theo một cách không thể lý giải được. Bộ phim lại càng khiến người xem thêm thấp thỏm, mong mỏi tài năng của bà sẽ tỏa sáng trong vòng tay công chúng.
Đáp lại những cuộc chiến tranh, suy thoái kinh tế luôn có cách khiến con người hụt hẫng khi thay thế nền nghệ thuật nhân bản để đổi lấy những gào thét tuyên truyền. Họa sĩ Séraphine khép lại cuộc đời ở viện dưỡng lão cùng căn bệnh tâm thần.
Cây bút điện ảnh Mike Jones từng viết: "Phim ngắn đã chết". Điều này không đúng với Love, Death + Robots mùa 3 - loạt phim ngắn tạo nên cơn sốt toàn cầu.