Bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu: Lạm phát cao, tăng trưởng giảm tốc

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 09:44:02

Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ rơi vào một thời kỳ “stagflation” khi lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng ì ạch, thậm chí là suy thoái kinh tế. Sự kết hợp tồi tệ này sẽ gây suy giảm mức sống tại tất cả mọi quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển...

Bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu: Lạm phát cao, tăng trưởng giảm tốc

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Hôm 18/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trở thành nhà hoạch định chính sách kinh tế tiếp theo bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh tế thế giới. “Chắc chắn là triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên chông gai và bấp bênh”, bà Yellen phát biểu tại Bonn, Đức, trước thềm một cuộc gặp của các quan chức nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).

NHẬN ĐỊNH BI QUAN CỦA CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

“Giá thực phẩm và năng lượng leo thang đang gây ra hiệu ứng lạm phát cao kết hợp tăng trưởng giảm tốc. Điều này gây áp lực giảm sản lượng kinh tế và tiêu dùng, đồng thời đẩy giá cả tăng cao trên toàn thế giới”, bà Yellen nói.

Mối lo ngày càng lớn về lạm phát cao đã gây sóng gió trên thị trường tài chính Mỹ trong phiên giao dịch ngày 18/5, sau khi các hãng bán lẻ lớn của nước này công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng do chi phí gia tăng. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, với mức giảm tương ứng 4% và 3,6%. Cổ phiếu Target, hãng bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, “bốc hơi” hơn 25%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ năm 1987.

Bà Yellen, người từng giữ cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ý nói rằng lạm phát, đặc biệt là sự tăng giá lương thực-thực phẩm và năng lượng, đang trở thành một mối lo dài hạn lớn hơn và sẽ là một chủ đề được các nhà lãnh đạo trên toàn cầu đặc biệt quan tâm trong những tuần và tháng sắp tới. Bà nói thêm rằng sức tăng trưởng còn tương đối mạnh của Mỹ sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chống chọi nguy cơ này.

“Tôi cho rằng trên nhiều phương diện, nước Mỹ đang có được vị thế tốt nhất để đương đầu với thách thức này, xét tới sức mạnh trên thị trường lao động và nền kinh tế của chúng tôi”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ phát biểu.

Trước đó một ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng “có thể có một số thiệt hại” đối với kinh tế Mỹ khi ngân hàng trung ương này tiếp tục tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống.


Cũng trong tuần trước, Tổng giám đốc ( CEO ) Charlie Scharf nhà băng hàng đầu Mỹ Wells Fargo khẳng định chắc chắn kinh tế Mỹ đang đi tới một cuộc suy thoái. “Rất khó để tránh một dạng suy thoái nào đó”, ông Scharf nói tại một sự kiện do tờ Wall Street Journal tổ chức.

Cách đó ít hôm, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke đề cập đến khả năng xuất hiện tình trạng “stagflation” trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times. “Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, thì nền kinh tế Mỹ cũng giảm tốc”, ông Bernanke nói. “Và lạm phát vẫn còn quá cao. Vì vậy, sẽ có một giai đoạn trong năm sau hoặc năm sau nữa, nền kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một chút, còn lạm phát vẫn ở mức cao”.

TÍN HIỆU ĐÁNG NGẠI TỪ CÁC NỀN KINH TẾ LỚN

Mối lo lạm phát bị đẩy cao trong thời gian gần đây, khi xuất hiện những sức ép mới có thể đẩy giá xăng dầu và lương thực tăng thêm từ mức vốn dĩ đã cao. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) công bố một kế hoạch nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga trong vòng 5 năm. Giá thực phẩm leo thang – cũng là một hệ quả của chiến tranh Nga-Ukraine – đang gây ra tình trạng khan hiếm ở nhiều nước đang phát triển. Số liệu từ Anh cho thấy lạm phát ở nước này trong tháng 4 là 9%, mức cao nhất 40 năm và vượt xa mức lạm phát 8,3% ở Mỹ trong cùng kỳ báo cáo. Hồi tháng 3, lạm phát ở Mỹ cũng lập đỉnh 40 năm khi lên tới 8,5%.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc và châu Âu cùng phát đi hàng loạt tín hiệu giảm tốc. Tuần trước, số liệu từ Trung Quốc cho thấy tiêu dùng và sản lượng công nghiệp cùng giảm mạnh trong tháng 4, khi Chính phủ nước này triển khai các biện pháp quyết liệt để chống đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất trong 2 năm.

Trong tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,6% trong năm nay, một sự sụt tốc từ mức tăng 6,1% đạt được trong năm ngoái. Mức dự báo mới nhất này đã giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo mà IMF đưa ra hồi tháng 1 và giảm 1,3 điểm phần trăm so với con số dự báo mà định chế này công bố vào tháng 10 năm ngoái. Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo nền kinh tế xứ Sương mù có thể sắp rơi vào suy thoái.

Một nhân tố quan trọng phía sau triển vọng trở nên u ám của kinh tế toàn cầu là việc Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trong việc chống lạm phát. Đầu tháng này, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000, và dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm nay.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chủ tịch ECB Christine Lagarde, hồi đầu tháng 5 tuyên bố sẽ ủng hộ việc ECB nâng lãi suất vào tháng 7. Đây sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của ECB trong vòng hơn 1 thập kỷ. Lãi suất tăng đồng nghĩa chi phí đi vay đối với tất cả các khoản vay từ vay mua nhà, mua xe… cho tới đầu tư sản xuất-kinh doanh sẽ cao hơn, rốt cục có thể buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu. Qua đó, lạm phát có thể được kéo tụt, nhưng một hệ quả là nền kinh tế cũng có thể sụt tốc theo.

KHI LẠM PHÁT XÓI MÒN MỨC SỐNG


Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu tránh được suy thoái, nhiều người vẫn có thể cảm thấy như đang sống trong một cuộc suy thoái – theo các chuyên gia kinh tế. Với chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của hầu hết người lao động, người tiêu dùng sẽ chứng kiến sức mua của họ ngày càng giảm sút. Chẳng hạn, 5 USD tiêu tại một quán cafe ở Mỹ chỉ có thể mua được một cốc cà phê cỡ trung, thay vì một cốc cỡ lớn như trước đây.

Trong thời gian đại dịch căng thẳng, người Mỹ đã tích lũy được nhiều tiền tiết kiệm, vì nhiều người giảm chi tiêu, lại nhận được tiền kích cầu của Chính phủ. Câu chuyện bây giờ đang đảo ngược. Tỷ lệ tiết kiệm trong tháng 3 ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất 9 năm – theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ. Các hộ gia đình sử dụng thẻ tín dụng ngày càng nhiều và thậm chí phải rút tiền tiết kiệm để trang trải cho cuộc sống thường nhật. Khối nợ của người Mỹ đã tăng nhanh trong vòng một năm tính đến hết tháng 3 năm nay, sau khi dừng tăng trong đại dịch, theo công bố mới nhất của Fed. Khi lãi suất tăng lên, tiền trả gốc và lãi hàng tháng của khoản nợ đó sẽ chiếm một phần lớn hơn trong thu nhập của hộ gia đình.

Ở thời điểm hiện tại, các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Mỹ đang vững vàng, với vị thế tài chính của các hộ gia đình nhìn chung vẫn mạnh nhờ công ăn việc làm dồi dào, người dân quay trở lại với những thói quen cũ như đi du lịch, đi ăn nhà hàng, đi xem phim… Doanh thu tại các hãng bán lẻ Mỹ - nơi chiếm phần lớn hoạt động tiêu dùng, cũng là một trụ cột của nền kinh tế nước này – tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 của Mỹ là 3,6%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức đáy của 50 năm thiết lập trước khi xảy ra đại dịch. Số công việc cần tuyển người trên toàn nước Mỹ đạt kỷ lục 11,5 triệu công việc trong tháng 3.

Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái đã tăng lên trong những tuần gần đây, và một số vấn đề nhất định – như gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa chống Covid ở Trung Quốc và chiến tranh ở Ukraine – có thể sẽ vượt quá khả năng kiểm soát của các ngân hàng trung ương như Fed.

Chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của Công ty tư vấn Grant Thornton LLP, nói rằng có một rủi ro là lạm phát cao dai dẳng rốt cục có thể khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và giảm bớt việc tuyển dụng nhân sự để duy trì tỷ suất lợi nhuận. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có ít nhất một khoảng thời gian với lạm phát cao và thất nghiệp gia tăng diễn ra song song - một sự kết hợp được biết đến là tình trạng “stagflation”. Tình trạng này là một nét điển hình của kinh tế Mỹ thời thập niên 1970 - khi cú sốc giá dầu, chi tiêu liên bang khổng lồ và chính sách tiền tệ nới lỏng khiến lạm phát ở nước này leo thang dữ dội.

An Huy


VnEconomy

Chia sẻ Facebook