Bữa ăn của Hoàng đế nhà Thanh xưa như thế nào?
Hoàng đế nhà Thanh và quý tộc nói chung xưa có lối sống xa hoa bậc nhất và sự lãng phí này đến hậu thế cũng thấy choáng,
Trong thời kỳ phong kiến, Hoàng đế luôn được coi là thiên tử, là người đứng đầu thiên hạ, có đời sống xa hoa, đầy đủ bậc nhất. Trong các bộ phim truyền hình và sản phẩm văn hóa, chúng ta cũng luôn hình dung ra rằng những bữa ăn uống hằng ngày của Hoàng đế hẳn phải đều như yến tiệc linh đình, toàn sơn hào hải vị, đại bổ và tốn kém bậc nhất.
Đến ngày nay, vẫn còn có nhiều tư liệu lịch sử ghi chép lại đời sống trong Tử Cấm Thành vào thời nhà Thanh - triều đại phong kiến Trung Hoa cuối cùng. Không ít trong số đó đã miêu tả lại những bữa ăn hằng ngày của Hoàng đế một cách chi tiết và nó thực sự còn cầu kỳ hơn cả những gì chúng ta từng tưởng tượng.
Ví dụ, trong cuốn hồi ký Nửa đời trước của tôi do Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi viết, ông từng miêu tả rằng khi còn là vua, chỉ riêng tiền ăn uống của mình đã lên tới 14.794 lượng bạc mỗi tháng.
Chỉ nhìn vào con số này thì mọi người chưa thể hình dung được sự xa hoa. Nhưng khi so sánh với dân thường, chúng ta sẽ biết nó "khủng khiếp" cỡ nào. Vào thời Càn Long, thu nhập hàng tháng của người bình thường trung bình là khoảng 2 đến 3 lượng bạc. Điều đó có nghĩa là mỗi bữa ăn của nhà vua có thể bằng cả năm thu nhập của một người dân thường.
Tuy nhiên, việc ăn uống của vua chúa, phi tần, quý tộc nhà Thanh cũng có nhiều điểm khác biệt với các thời đại trước vì họ là người Mãn ở phía Đông Bắc. Mỗi ngày, Hoàng đế chỉ ăn hai bữa: Bữa sáng lúc 6 giờ và bữa chính lúc 12 giờ trưa. Tất nhiên, sau đó nếu đói họ cũng có thể ăn thêm bữa phụ và giờ giấc bữa ăn này không cố định.
Theo quy tắc gia tộc của tổ tiên nhà Thanh, những người không có quan hệ họ hàng, thân thích với nhà vua không được xuất hiện trong phòng khi họ dùng bữa, chỉ để lại 4 thái giám hầu hạ. Sẽ có một thái giám lớn tuổi đặc biệt phục vụ Hoàng đế làm công việc chính. Trước khi chủ nhân dùng bữa, thái giám này phải dùng đĩa thử độc để thử trước xem thức ăn có độc hay không.
Các bữa ăn của vua cũng không phải có hàng trăm món mà cũng có số lượng nhất định, khoảng 8 đến 10 món. Nhưng các loại cháo và súp thì có thể có tới 20 món khác nhau. Có nhiều món ăn đến vậy, liệu Hoàng đế có thể nếm hết trong một bữa không? Câu trả lời là có, vì họ tuân theo một quy tắc đặc biệt, đó là dù có thích đến đâu, nhà vua cũng chỉ ăn tối đa 3 miếng mỗi món mà thôi.
Lý do của quy định kỳ lạ này không phải là để người ăn thưởng thức được nhiều món mà là để ngăn chặn việc sở thích của Hoàng đế bị người ngoài biết được, từ đó ngăn âm mưu hại vua thông qua bữa ăn.
Các nguyên liệu để nấu ăn trong hoàng cung rõ ràng đều phải là loại tươi ngon, cao cấp nhất và có nguồn gốc rõ ràng. Bát đĩa đựng thức ăn đều là đĩa vàng chén bạc. Cụ thể, món canh hay súp luôn phải được để trong chén sâu lòng có đậy nắp bạc, bát được dát bạc, thìa ngọc bích… Do đó, việc ăn uống của vua chúa tốn kém không chỉ ở nguyên liệu mà còn đủ thứ "râu ria" khác nữa.
Trong số các nhà cai trị thời Thanh, người có lối ăn uống cầu kỳ, tốn kém nhất không phải các Hoàng đế mà lại là Từ Hi Thái hậu - người phụ nữ không làm vua nhưng quyền lớn hơn vua. Từ Hi có hẳn một cung điện riêng để chuyên phục vụ việc ăn uống cho bà. Thực đơn hằng ngày của bà có tới 4.000 món tráng miệng các loại và hơn 400 loại dim sum đổi qua lại. Tổng số món ăn mỗi bữa của Lão Phật Gia có thể lên đến hơn 150 món, và có hơn 20 loại đồ ăn nhẹ như trái cây sấy khô, chè,...
Nguồn: 163