BTV Lina Phạm và câu chuyện quảng bá VTV tại diễn đàn của ABU

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 20:20:41

BTV Lina Phạm có nhiều chia sẻ khó quên sau khi tham dự Diễn đàn Tin tức quốc tế của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) tại Ấn Độ.

Lina Phạm (Phạm Thùy Linh - Ban Truyền hình Đối ngoại VTV4) vừa tham dự Diễn đàn Tin tức quốc tế của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) tại Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên VTV có đại diện tham gia thảo luận bàn tròn bằng tiếng Anh cùng các tên tuổi lớn như CNN, ABC (Australia), BBC, CNA (Singapore), NHK (Nhật Bản), KBS (Hàn Quốc)…

Câu chuyện về VTV mà Linh đem tới Diễn đàn, chia sẻ với đông đảo đồng nghiệp của hơn 30 nước bạn là gì vậy?

Chủ đề của Diễn đàn tin tức năm nay là "sự thật và lòng tin" trong thời khủng hoảng. Với Việt Nam, trong 2 năm qua, COVID và biến đổi khí hậu là hai vấn đề chiếm headlines trong các bản tin. Vì thế, tôi tập trung vào hai chủ đề này và kể những ví dụ cụ thể về cách VTV tổ chức đưa tin tới người xem trong nước và quốc tế.

Với COVID, khi tôi kể chuyện VTV đã có những tính toán dài hạn, đưa phóng viên vào vùng tâm dịch từ sớm, sản xuất không chỉ phóng sự mà còn phim tài liệu, sự lăn xả của phóng viên trong điều kiện tác nghiệp thiếu thốn, các bạn quốc tế rất xúc động.

Lina Phạm tại Diễn đàn Tin tức quốc tế ABU

Trước đó, diễn đàn tranh luận rất nhiều về việc khai thác những hình ảnh thảm hoạ hoặc đau thương đến đâu, giới hạn nào để báo chí chính thống không trở thành câu view, câu khách. Trả lời cho vấn đề này, tôi chỉ nói rằng người Việt Nam vốn rất can trường và linh động. Khi khó khăn đến, chúng ta không ngồi tranh cãi về lý thuyết, mà đặt thực tiễn, tình người và nỗ lực vì cộng đồng lên trên hết để vượt qua khó khăn. Câu hỏi trước hết và trên hết chúng ta đặt ra là liệu với việc đưa tin đó, chúng ta đã làm điều có ích cho cộng đồng và dân tộc hay chưa.

Khi nói điều đó, tôi nhìn thấy sự đồng thuận từ Ban tổ chức và các diễn giả khác. Đó cũng là cơ hội để tôi quảng bá cho những đồng nghiệp ở VTV của mình, và cho những bản sắc con người của đất nước Việt Nam.

Được biết, sau khi Lina trả lời, bà Deborah Steele - Giám đốc Phụ trách tin tức của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương đã rất hài lòng, và ngỏ ý mời bạn lần sau sẽ có một phiên trình bày riêng, 15 phút, điều mà NHK hay ABC đã làm trong diễn đàn lần này. Điều này cho thấy đại diện VTV đã gây ấn tượng với hội nghị?

Sau phần thảo luận và trả lời câu hỏi đó, bà Deborah có chúc mừng tôi và nói: Đại diện các đài nói tiếng Anh thường làm chủ diễn đàn trong những năm trước. Nhưng lần này, bạn đã chia sẻ rất nhiều góc nhìn thú vị từ cách làm của VTV - một đài xét về số lượng phóng viên và số người xem, thuộc hàng lớn trong khu vực. Chúng tôi muốn biết nhiều hơn nữa về cách VTV làm, và vì thế, tôi muốn một khoảng thời lượng dài hơn dành cho bạn trong lần sau, với một bài trình bày riêng.

Tôi rất xúc động bởi tôi hiểu, những lời nói đó không chỉ dành cho tôi mà còn cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả phóng viên, đồng nghiệp ở VTV. Chúng ta đã thể hiện được điều đó qua số lượng tin bài đóng góp cho ABU, qua chất lượng tin bài, và cất được tiếng nói tại diễn đàn của những người làm nghề trong khu vực. Tôi chỉ góp một phần rất nhỏ là truyền tải những nỗ lực chung của VTV tại diễn đàn tin tức quốc tế như ABU.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện hơn 30 quốc gia

Bên cạnh đó, hẳn là Linh cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý từ đồng nghiệp đến từ các nước? Bạn có thể chia sẻ một vài câu chuyện mà mình nhớ nhất?

Khi nói chuyện với các phóng viên quốc tế, tôi mới hiểu các bạn phải trải qua việc đưa tin trong khủng hoảng rất khác nhau. Ví dụ ở những nước không có thể chế chính trị ổn định thì việc đưa tin trong bạo động, biểu tình, hay đánh bom là thường trực. Hay khi trò chuyện với các bạn phóng viên ở những đài nhỏ như Papua New Guinea, Fiji, nghe các bạn chia sẻ về sự thiếu thốn nguồn lực, cả về con người lẫn trang thiết bị, mà vẫn nỗ lực lên sóng, tôi lại càng có thêm ý thức và trách nhiệm về công việc của mình. Người dẫn kì cựu Steven Chia của CNA cũng chia sẻ với tôi những câu chuyện làm nghề của anh ấy, từ một gương mặt quen thuộc của các bản tin, anh ấy cố gắng lột xác để gần gũi giới trẻ, dựng khác đi, để đến gần hơn với người xem.

VTV đã được xướng tên ở Giải thưởng cho hình ảnh thời sự xuất sắc nhất của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương trong năm qua, là đại diện của VTV tham dự, hẳn là Lina đã rất tự hào?

Tôi và chị Hà Thu Hằng - Trưởng Phòng Xã hội, Ban Thời sự hoàn toàn bất ngờ. Thông tin được giữ bí mật đến phút chót. Chúng tôi bàn nhau sẽ mặc áo dài vào buổi lễ vì dù được giải hay không được giải thì cũng là một dịp quảng bá cho Việt Nam. Vậy mà thật bất ngờ, VTV được xướng tên trong hạng mục trao giải đầu tiên.

BTV Lina Phạm (trái) và nhà báo Hà Thu Hằng - Trưởng phòng xã hội, Ban Thời sự tại Diễn đàn tin tức quốc tế ABU.

Về sau, mọi người gọi đùa bàn của chúng tôi là bàn của "winners"- những người được giải, vì ngồi cùng bàn là đại diện của CNA, TPBS (Thái Lan), KBS (Hàn Quốc), đều được giải thưởng. Nhưng đó là sự tình cờ ngẫu nhiên. Có lẽ vì trước đó, tại diễn đàn, chúng tôi đã kết bạn được với những người rất giỏi.

Việc VTV được vinh danh ở các giải thưởng và có tiếng nói trong các diễn đàn nghề nghiệp khu vực và quốc tế đã khẳng định sự hội nhập, phát triển của VTV ngày càng sâu rộng. Theo Lina thì từng phóng viên, BTV phải tích lũy cho mình những kĩ năng gì để hội nhập?

Tôi nghĩ không phải chúng ta không có những phóng viên giỏi, có kinh nghiệm và trình độ sánh được với các phóng viên quốc tế. Chúng ta có. Nhưng rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Có tiếng Anh, chúng ta mới chia sẻ được mình là ai, mình nghĩ gì, mình làm thế nào với bạn bè quốc tế. Còn trong quá trình làm, chúng ta tiếp cận thêm được các nguồn tư liệu và nhân vật để làm dày dặn thêm hiểu biết, đa dạng thêm góc nhìn. Tôi nghĩ chỉ vài năm nữa thôi, việc biết và sử dụng tốt tiếng Anh sẽ không còn là vấn đề ở Việt Nam nữa. Nó là điều hiển nhiên. Còn lại, tôi nghĩ để hội nhập, ta cần thật sự hiểu về mình, về lịch sử và văn hoá đất nước mình, tôn trọng văn hoá nước bạn, và có tinh thần cầu thị.

Và, câu hỏi cuối là những kỉ niệm về Ấn Độ mà Lina có được trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau hơn 2 năm dịch bệnh?

Đây là lần đầu tiên tôi đến Ấn Độ nhưng một điều rất thú vị là người dân ở đây nói tôi giống người Ấn Độ. Tôi thì 100% máu đỏ, da vàng, "nước mắm" và là người Việt Nam. Đặc biệt là khi tôi choàng khăn trùm đầu (điều bắt buộc) khi đi vào đền thờ người Sikh ở Delhi, hay mặc Sari- trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ thì họ thấy rất thú vị và cười khúc khích.

Lina Phạm (trái) trong trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ.

Ấn Độ là đất nước giàu văn hoá, màu sắc, và có bề dày lịch sử đáng nể. Khi đi vào những khu chợ ở Old Delhi, tôi cứ thầm nghĩ, cái này mà lên phim thì đẹp lắm đây. Quả thật vậy, sự đông đúc, đôi khi hỗn loạn còi xe là những chất liệu ngồn ngộn sự sống. Tôi đi thăm chợ gia vị và mùi của các loại gia vị thật ấn tượng. Bạn biết đấy, mùi hương có tính gợi nhớ rất cao. Rồi chợ vải, chợ thủ công ở Ấn Độ là một bữa tiệc của màu sắc. Khi vào đền và các lăng mộ, tôi bị choáng ngợp trước độ tinh xảo và kì công của những chạm khắc trên đá của người xưa. Tôi cứ tự hỏi ngày xưa người ta mất bao lâu để khắc được những bức tường cẩm thạch hoa lá như vậy, mà chỉ cần một nhát đục sai, là hỏng cả tấm đá nguyên khối. Kỉ niệm về Ấn Độ sẽ được tôi lưu giữ bằng tất cả các giác quan của mình, trong đó, tôi nghĩ mùi hương và màu sắc sẽ là những ấn tượng mạnh nhất.


Cảm ơn Thùy Linh!

Phạm Thuỳ Linh (Lina Phạm) là Biên tập viên dẫn loạt các chương trình tiếng Anh như Talk Vietnam, Culture Mosaic, Bản tin tiếng Anh, chương trình lớn như: Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Thế mạnh của Linh là dẫn những chương trình chính luận mang tính đối ngoại, phỏng vấn các học giả, chính trị gia và đại diện các tổ chức quốc tế để đưa đến những góc nhìn mới về các vấn đề chính sách, kinh tế, văn hoá, con người Việt Nam, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.


Một số chương trình được khán giả đón nhận như Talk Vietnam: Cám ơn nhé, Việt Nam (nói về cách Việt Nam đối phó với COVID qua góc nhìn của người nước ngoài), Ngày Việt Nam ở Thuỵ Sĩ (chương trình live trực tiếp với các đầu cầu ở Bern và Zurich, Hà Nội), Talk Việt Nam về Nguyên Phó thủ tướng Đức Philipp Rosler lần đầu trở về nguồn cội, hay chùm phỏng vấn Đại diện Liên hợp quốc về những bước tiến của Việt Nam trong 2 năm COVID, và các vấn đề về nhân quyền.

Với phong cách hiện đại, khiêm tốn, lối dẫn đàng hoàng, đĩnh đạc, Phạm Thuỳ Linh đã chọn cho mình một lối đi riêng, cố gắng tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

Nữ BTV góp mặt trong đề cử hạng mục Biên tập viên dẫn chương trình ấn tượng của VTV Awards 2022.

Chia sẻ Facebook