BTV Kiều Trinh: “Góc nhìn văn hóa" tính hấp dẫn, lôi cuốn phải đặt lên hàng đầu | VTV.VN
Báo điện tử VTV News đã có cuộc trò chuyện với BTV Kiều Trinh – Người chịu trách nhiệm sản xuất chương trinh Góc nhìn văn hóa để hiểu hơn về chương trình...
Chương trình Góc nhìn văn hóa do Ban Thời sự sản xuất lên sóng vào ngày 7/9 – đúng ngày kỷ niệm 52 năm năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên (7/9/1970 - 7/9/2022) đã nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của khán giả. Sau các số phát sóng, chương trình đã mang đến góc nhìn đa chiều về những vấn đề văn hóa nổi bật nhưng cũng rất gần gũi trong đời sống hàng ngày của mỗi người.
Với thời lượng khoảng 10 phút, phát sóng vào 11h05 hàng ngày trên VTV1, Góc nhìn văn hóa lựa chọn đề cập những chủ đề, nội dung văn hóa nổi cộm đang được quan tâm từ nhiều góc nhìn khác nhau. Mỗi chuyên đề được đề cập theo vệt nội dung phân bổ vào 3 - 4 buổi phát sóng, đảm bảo thông tin vừa bao quát, vừa có chiều sâu.
Để hiểu hơn về nội dung cũng như quá trình thực hiện, tác nghiệp, xây dựng nên Góc nhìn văn hóa , Báo điện tử VTV News đã có cuộc trò chuyện với BTV Kiều Trinh – Chịu trách nhiệm sản xuất chương trình.
Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam rất quan tâm đến mảng văn hóa. Ngoài chuyên mục cố định hàng tuần là Câu chuyện văn hóa, nhiều vấn đề, tiêu điểm, điểm nhấn bình luận Văn hóa đã được sắp xếp phát trên hệ thống bản tin thời sự thời gian qua. Tuy nhiên, để tạo thành điểm nhấn, mũ riêng, vệt tuyên truyền hiệu quả hơn, Ban Thời sự đã quyết tâm mở Chuyên mục Góc nhìn văn hóa hàng ngày, như một điểm hẹn dành riêng lĩnh vực quan trọng này. Đây cũng là hưởng ứng của một cơ quan báo chí lớn, thực hiện những chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội Văn hóa toàn quốc về chấn hưng văn hóa cũng như triển khai Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về văn hóa.
Có thể nói chưa bao giờ văn hóa lại được quan tâm chỉ đạo sâu sắc đến như vậy. Để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng về kinh tế, chính trị thì nhận thức về văn hóa của cộng đồng, từ chính quyền các cấp đến người dân toàn xã hội cần phải được nâng lên.
Chính vì thế việc có được một chuyên mục hàng ngày trên sóng của VTV1 là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm mà Ban Thời sự chúng tôi đề xuất. Chuyên mục này mang tính chất bình luận rất khác biệt so với cả những bản tin trước đây. Trước đây chúng tôi đã từng có hai bản tin đó là Điểm hẹn văn hóa hàng ngày và Câu chuyện văn hóa bình luận hàng tuần.
Trước đây khoảng hơn 10 năm chúng tôi đã thực hiện một ngày 2 bản tin Điểm hẹn văn hóa. Chương trình này (2 số một ngày) chủ yếu tin tức văn hóa, giải trí trong nước và quốc tế và những phóng sự về văn hóa nhẹ nhàng, sâu sắc. Tất nhiên cũng có những hôm chúng tôi làm những vấn đề tiêu điểm về văn hóa nhưng tần suất không nhiều. Câu chuyện văn hóa là một chuyên mục tuần, mỗi một tuần chúng tôi chọn ra một chủ đề, một câu chuyện, một vấn đề, một xu hướng để bàn luận. Chương trình có thời lượng 20 phút mang tính chính luận rất cao.
Còn chương trình Góc nhìn văn hóa mới ra mắt, chúng tôi chẻ ra những góc rất nhỏ, những câu chuyện nhỏ, với thời lượng 10 phút nên phần bình luận có thể đi sâu được. Cách làm của chúng tôi là mang tính chính luận nhưng phải gần gũi, di dỏm và đại chúng.
Góc nhìn văn hóa chúng tôi lựa chọn đề cập đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dưới lăng kính văn hóa. Đó có thể là những vấn đề về văn học nghệ thuật, đó cũng có thể về đạo đức, lối sống, về phong cách sống, hay về những hiện tượng trên mạng xã hội...
Suy cho cùng văn hóa chính là con người, đó là ứng xử giữa con người với con người, và hành xử của con người với môi trường sống quanh minh.
Ví dụ như chuyện đi đường, cũng có thể nhìn góc độ văn hóa giao thông. Hay câu chuyện về văn minh đô thị. Đổ rác chẳng hạn, nhiều người nhìn nhận là vấn đề môi trường, nhưng Góc nhìn văn hóa lại phân tích ở góc độ ứng xử với môi trường, ý thức cộng đồng, đó là văn hóa sống. Đó cũng có thể là những câu chuyện bình luận ở trên mạng hay là những trào lưu, câu view, câu like phản cảm hay thậm chí là những video mới hình thành trên mạng do người dân tự làm.
Với thời lượng khoảng 10 phút ê-kíp thực hiện đã làm rất là nhiều demo để có thể tạo dựng một phong cách, định hình hướng đi cho chương trình, chính luận nhưng phải hấp dẫn và lôi cuốn, dung dị. Có thể nói chương trình này là một chương trình đa format (nhiều hình thức thể hiện) freestyle (tự do trong phong cách thể hiện) không một ngày nào giống ngày nào. Có hôm, chúng tôi làm theo hướng bình luận, có phóng viên xuất hiện tại hiện trường có người dẫn trong trường quay, có kết nối với chuyên gia, có hôm chúng tôi lại làm clip, 3D đồ họa. Có lúc chúng tôi lại nối điện thoại với các phóng viên thường trú....
Nội dung sẽ quyết định hình thức thể hiện và thể hiện phải luôn luôn hấp dẫn, mới, tiết tấu nhanh. Chương trình thời lượng không dài và phải bình luận về một vấn đề xoáy sâu vào nó nên nếu bình luận theo kiểu một chương trình 20, 30, 40 phút thì khán giả xem sẽ rất khó nắm bắt. Chúng tôi muốn cô đọng các thông tin nên tính hấp dẫn, lôi cuốn, hàm lượng chất xám, hàm lượng thông tin đắt giá phải đặt được đặt lên hàng đầu.
Dẫn chương trình sẽ là bản thân những người trong ê-kíp chương trình, nghĩa là người dẫn cũng phải tham gia vào sản xuất. Có thể phải biên tập, có thể làm kịch bản hoặc là biên tập những phần nhỏ.
Tóm lại mỗi một ê-kíp sẽ xây dựng các kịch bản khác nhau. Vì chương trình tần suất phát sóng mỗi ngày nên chúng tôi đã chia thành 3-4 ê-kíp và mỗi một nhóm bao gồm có một kíp trưởng, biên tập viên chính, người dẫn chương trình và có thể có một người biên tập phụ. Mỗi một nhóm sẽ đảm nhiệm khoảng 2 - 3 số tùy theo chương trình một tuần.
Thực sự tần suất hàng ngày rất áp lực cho ê-kíp. Một chương trình bản tin bình thường không quá gây áp lực bởi chúng tôi có thể tổng hợp, lượm lặt tin tức từ nhiều kênh, từ thường trú, từ các VTV khu vực và từ các nguồn khác nhau.
Thế nhưng khi một chương trình có tần suất hàng ngày với phong cách bình luận thì rõ ràng áp lực mỗi một câu chuyện, mỗi một bình luận, mỗi một lời nói, mỗi một bình luận đều phải suy tính, cân nhắc kỹ. Phải nói thế nào, bình luận thế nào, phân tích thế nào vấn đề để làm sao tất cả mọi người đều hiểu được câu chuyện, bình luận thuyết phục, chí lí chí tình chứ không kiểu phán xét hay lên mặt dạy đời. Chính luận nhưng không đao to búa lớn, phải dung dị, thuyết phục và đại chúng, với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, xây đi đôi với chống. Đó là áp lực không nhỏ khi duy trì chuyên mục bình luận về văn hóa hàng ngày. .
Khó khăn lớn nhất chính là vượt qua chính mình, nghĩa là không một số nào được giống số nào. Freestyle, đa format tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra rất khó. Luôn luôn phải có những sáng tạo liên tục từ phía người làm chương trình.
Những MC dẫn Góc nhìn văn hóa thực ra phải là những người chuyên làm về văn hóa và cũng phải có chất bình luận. Tuy nhiên, họ không được quá cứng và cần phải có chất đời sống ở đây. Chính vì thế việc lựa chọn MC cũng là một câu chuyện.
MC không chỉ là những con búp bê xinh đẹp và chúng tôi không lựa chọn những gương mặt như vậy. Hình thức, ngoại hình là một yếu tố thôi. Quan trọng là phải duyên dáng và tự tin. Những người được lựa chọn phải là những biên tập viên và phóng viên của thời sự và ưu tiên nhất là những người tham gia, yêu thích đam mê bình luận các vấn đề về văn hóa.
Thực ra, mong muốn lớn nhất của những người làm chương trình chúng tôi đó là làm sao để tất cả khán giả cùng cảm nhận được văn hóa, đó không phải cái gì quá to tát, đó là tất cả cuộc sống quanh chúng ta. Đó có thể đơn giản là cách đi đứng, ăn mặc, nói chuyện, cách tương tác với những người xung quanh, cách ứng xử của mỗi người trong gia đình, ứng xử trong xã hội, trường học, cơ quan…Đó là lời nói, bình luận của chúng ta trên mạng xã hội chẳng hạn
Chúng tôi mong muốn rằng là những cái gì được coi là những biểu hiện xấu xí, những hành vi lệch chuẩn sẽ dần mất đi và gieo mầm cho những điều tốt, hướng tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
Thực ra phản hồi của khán giả rất nhiều. Từ những số đầu tiên lên sóng, đồng nghiệp của chúng tôi cũng rất khen, VTV ra mắt một chương trình tính bình luận rất cao, tần suất hàng ngày và cũng rất là gần gũi với khán giả. Những cái số gần đây của chúng tôi thì luôn luôn có cái sự tương tác với khán giả.
Ví dụ như series về Câu view, câu like và hệ lụy của nó đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các bậc phụ huynh. Bởi lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất của những thông tin hay những clip ở trên mạng xã hội chính là lứa tuổi teen hoặc các em nhỏ. Vậy nên phụ huynh rất quan tâm đến những vấn đề đó.
Tôi nghĩ chương trình lên sóng cần phải chuyển tải một thông điệp nào đó, và phải đem lại ý nghĩa, tác động xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, hướng đến một xã hội văn hóa văn minh. Đó là mong muốn của những người trực tiếp làm. NHỮNG KEY WORD MÀ CHÚNG TÔI VẪN LUÔN NÓI: SỐNG XANH, SỐNG ĐẸP, VĂN MINH VÀ NHÂN VĂN. Tôi nghĩ đó cũng là những giá trị văn hóa lớn mà mỗi con người, mỗi xã hội, đều hướng tới. Và thực sự thay mặt ê-kíp sản xuất, chúng tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo và động viên của Lãnh đạo Đài, Lãnh đạo Ban Thời sự đã quyết tâm xây dựng chuyên mục riêng về văn hóa. Đây là sự khích lệ lớn với đội ngũ BTV, phóng viên văn hóa và cũng là dấu ấn về lĩnh vực văn hóa của một Đài Truyền hình quốc gia.