BTC Đường lên đỉnh Olympia lên tiếng về 2 câu hỏi sử học gây tranh cãi
Trước những ý kiến trái chiều về 2 câu hỏi lịch sử trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, BTC chương trình đã lên tiếng giải thích trên trang Fanpage.
Trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 đã chính thức khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, netizen vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trước loạt sạn của chương trình, nhất là 2 câu hỏi về kiến thức lịch sử trong phần thi Về đích.
Nhiều khán giả đặt ra nghi vấn đáp án của chương trình chưa chính xác. Thậm chí nhiều nhà sử học cũng lên tiếng về vấn đề này. PGS.TS Hà Minh Hồng, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, chia sẻ với Tuổi trẻ Online cho hay câu hỏi về "ba vương tập đế" chắc chắn không thể có vua Hàm Nghi (đáp án của chương trình). Bên cạnh đó, đây là một câu vè có nhiều dị bản, không thích hợp để đưa vào một cuộc thi kiến thức.
Sau nhiều tranh cãi, mới đây, BTC chương trình đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể, trang Fanpage có tích xanh của chương trình đã đăng tải phần giải đáp của ban cố vấn trong chương trình.
Theo đó, trong phần thi Về đích của thí sinh Bùi Anh Đức, câu hỏi Lịch sử 30 điểm với nội dung: "Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập.' Ở đây, 'Ba vương' là ba vị vua nào?". Đáp án của chương trình là 3 vị vua: Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan giải thích, trong sách Kinh Thi Việt Nam (NXB Tri thức - được thực hiện theo ấn bản Kinh Thi Việt Nam của Hàn Thuyên xuất bản cục 1941 - 1945), tác giả Trương Tửu có đoạn viết về những câu này như sau: " Chu trị rành rành " nghĩa rằng bá cáo cho mọi người đều biết. Câu thứ hai nói về việc quân đội Pháp vào cửa Đà Nẵng. Câu thứ ba " Con ngựa đứt cương " chỉ sự băng hà của vua Tự Đức và sự rối loạn của triều đình lúc bấy giờ.
"Hồi đó bọn Tường Thuyết chuyên quyền hại nhiều người trung trực. Chúng dám làm trái cả di chúc của Tiên Vương, bỏ Dục Đức vào ngục tối, lập Hiệp Hoà làm vua. Sau chúng lại đem Kiến Phúc thay vào. Rồi chúng lại tôn Hàm Nghi lên ngôi báu. Ba ông vua kế tiếp nhau liền liền như thế nên mới có câu: ba vương lập đế. Đến triều vua Hàm Nghi thì Thuyết nổi lên bài Pháp bị thất bại phải đem vua đi trốn. Một mặt quân đội Pháp lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi cho yên lòng dân. Vì thế mà có câu: cấp kế đi tìm. Nhà sử học Lê Văn Lan xác nhận lại: việc phế - lập ba vua trên diễn ra trong khoảng 1 năm chứ không phải trong vòng chưa đầy 4 tháng. Do đó, đáp án Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi là không sai", ban cố vấn chương trình lý giải.
Câu hỏi thứ 2 gây tranh cãi về đáp án là câu hỏi trong phần thi Về đích của thí sinh Đình Tùng. Nội dung câu hỏi như sau: "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?".
Thí sinh Đình Tùng trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Câu trả lời này được ban cố vấn của chương trình chấp nhận. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến trái chiều.
Đánh giá về đáp án này, một nhà sử học trao đổi với Tuổi trẻ Online cho hay: "'Đại Nam nhất thống toàn đồ' là cách đọc của chữ Hán, nếu nói 'Đại Nam thống nhất toàn đồ' là sai. Khi nói chữ Hán thì phải đọc đúng theo trình tự chữ Hán để ý nghĩa không bị thay đổi."
Về câu hỏi này, nhà sử học Lê Văn Lan đã giải thích quyết định cho điểm Đình Tùng như sau: "Trong tổ hợp từ làm tên của bản đồ này, có hai từ 'thống nhất' , 'nhất thống'. Ngôn ngữ thế kỷ XIX gọi đó là nhất thống, tức là thu hết cả về làm một. Còn đến thời đại chúng ta, ngôn ngữ ấy thành ra là 'thống nhất'. Nguyên văn thì phải nói “ Đại Nam nhất thống toàn đồ ”. Nhưng tinh thần của “nhất thống” hay “thống nhất” là một và Đình Tùng đã nói được điều đó.
Chia sẻ trong chương trình, nhà sử học Lê Văn Lan cũng khẳng định “điều quan trọng ở đây là học sinh đã có sự chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức về một tấm bản đồ quan trọng, giúp khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Câu trả lời đó cũng không làm người nghe hiểu lầm sang một tấm bản đồ nào khác. Vì vậy học sinh hoàn toàn xứng đáng có điểm và phải được điểm với câu trả lời đã đưa ra.”
Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn của netizen. Nhiều người đồng tình với cách giải thích của ban cố vấn chương trình. Tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến cho rằng dù sao đây cũng là một cuộc thi tầm cỡ quốc gia không nên có những câu hỏi gây tranh cãi như vậy.
Một số bình luận của độc giả về sự việc:
"Không phải khó tính đâu nhưng riêng câu hỏi của Đình Tùng mặc dù không làm thay đổi thứ hạng nhưng những cái gì là tên, nghĩa là phải chính xác ý nghĩa của nó, chứ không thể vì hai từ đồng nghĩa mà chấp nhận đáp án được. Cái tên luôn bao hàm lên ý nghĩa và mỗi thời đại thay đổi người ta sẽ dùng những thuật ngữ phù hợp với thời kỳ đó. Ý kiến riêng của bản thân!"
"Riêng các câu hỏi về chủ đề Lịch Sử là một khán giả lâu năm, mình thấy nhà sử học Lên Văn Lan của ban cố vấn đã có những giải thích rất chính xác và trọng tâm. Đặc biệt ở câu hỏi có phần đáp án là 'Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ'. Mặc dù thí sinh của olympia có trả lời là 'Thống nhất' xong ban cố vấn đã có phần trả lời rất có tình rất có lý."
"Muốn những điều đáng tiếc không xảy ra thì đừng ra những câu hỏi gây bối rối và có nhiều đáp án như này."
Trước đó, chương trình cũng từng lên tiếng đính chính đáp án một câu hỏi Tiếng Anh mà thí sinh Bùi Anh Đức bị trừ điểm oan. Cụ thể, đáp án mà Anh Đức đưa ra là " Bond " nhưng không được chấp nhận. Đáp án của chương trình cho câu hỏi này là: " Brotherhood ". Tuy nhiên, sau đó chương trình đã đính chính cả hai đáp án này đều có thể chấp nhận được đồng thời cộng điểm cho Anh Đức. Sau phần cộng điểm này thứ hạng của các thí sinh vẫn không đổi.
Tuy nhiên, sự việc đã khiến netizen vô cùng bức xúc cho rằng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như chiến thuật thi đấu của thí sinh. Bởi thời điểm đó, nếu không bị trừ điểm Anh Đức sẽ có 150 điểm, là người cạnh tranh ngôi vô địch trực tiếp với Nguyên Vũ chứ không phải Nguyên Sơn. Tuy nhiên, khi bị trừ điểm Anh Đức chỉ còn lại 105 điểm đã ảnh hưởng rất nhiều đến chiến thuật chọn gói câu hỏi. Nhiều khán giả yêu cầu chương trình cần lên tiếng xin lỗi nam sinh này.
Bạn nghĩ sao về phần giải thích của Ban cố vấn Đường lên đỉnh Olympia về 2 câu hỏi lịch sử gây tranh cãi? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!
Đường lên đỉnh Olympia là một trong những sân chơi trí tuệ lâu đời nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Tham gia cuộc thi các thí sinh không chỉ có cơ hội thể hiện bản thân mà còn có thể hiện thực hóa ước mơ du học của mình. Không thể phủ nhận những giá trị mà chương trình đem lại suốt 22 năm qua. Tuy nhiên, trong trận chung kết Olympia năm thứ 22, đã có không ít câu hỏi gây tranh cãi. Hy vọng đây sẽ là một bài học để chương trình có thể hoàn thiện hơn về chất lượng trong khâu tổ chức các chương trình tiếp theo.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !