BRICS gặp “nút thắt” mới trong quá trình mở rộng thành viên

Chia sẻ Facebook
24/01/2024 03:55:45

Sau khi Argentina chính thức xác nhận từ chối lời mời, gần đây lại có các báo cáo mâu thuẫn về việc Ả Rập Xê-út có gia nhập nhóm BRICS hay không.


Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS – bao gồm Brazil, Ngà, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi – sẽ tăng gấp đôi số lượng thành viên vào năm 2024, sau khi kết nạp thêm 5 quốc gia mới.


Trước đó, trong quyết định mang tính lịch sử hồi tháng 8 năm ngoái, BRICS đã mời Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran, Argentina và Ethiopia gia nhập nhóm bắt đầu từ ngày 1/1 năm nay. Sau đó, Argentina đã chính thức xác nhận từ chối lời mời.


Đang trong một quá trình gồm nhiều bước


Hãng Reuters hôm 19/1 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Ả Rập Xê-út vẫn chưa chấp nhận lời mời của BRICS, và quyết định gia nhập khối đang chờ xử lý. Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng ngày 1/1/2024 không phải là thời hạn để đưa ra quyết định, thời gian còn rất xa để các quốc gia được mời có nhiều thời gian thảo luận về việc gia nhập BRICS.


“Ả Rập Xê-út đang đánh giá lợi ích và sau đó sẽ đưa ra quyết định, đang có một quá trình diễn ra”, một nguồn thạo tin nói với Reuters.


Bộ trưởng kinh tế Ả Rập Xê-út Faisal Alibrahim cũng xác nhận rằng Vương quốc này vẫn chưa gia nhập BRICS. Ông giải thích rằng đất nước ông đang trải qua một quá trình nội bộ và sẽ sớm đưa ra quyết định.


“Ả Rập Xê-út là một phần của nhiều nền tảng đa phương và các tổ chức đa phương, và bất cứ khi nào Vương quốc này được mời tham gia vào một tổ chức nào đó, chúng tôi sẽ xem xét lời mời thông qua một quá trình gồm nhiều bước và cuối cùng sẽ đưa ra quyết định. Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình tương tự và tôi sẽ bình luận khi quá trình đó kết thúc”, ông Alibrahim nói với Reuters.

Sau lần mở rộng thứ 2 kể từ khi thành lập, BRICS sẽ tăng gấp đôi số lượng thành viên. Tuy nhiên, nhóm này đang gặp những "nút thắt" trong quá trình này, bao gồm việc Argentina từ chối lời mời và Ả Rập Xê-út chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Ảnh: Arabian Business


Việc gia nhập BRICS sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Ả Rập Xê-út vì các thành viên Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Vương quốc Ả Rập này.


Nhưng Vương quốc hàng đầu thế giới Ả Rập cũng đang phải cân nhắc các lựa chọn về việc gia nhập BRICS trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington, Bắc Kinh và Moscow. Riyadh không muốn rơi vào thế bất lợi hay phải cắt đứt quan hệ với Mỹ và phương Tây.


“Mặc dù việc chính thức gia nhập nhóm là có lợi cho nền kinh tế của Vương quốc, nhưng nước này phải xem xét cẩn thận những tác động chính trị có thể có đối với mối quan hệ với các cường quốc khác”, ông Hesham Alghannam, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Khoa học An ninh Naif Arab, cho biết.


“Vương quốc đặt mục tiêu duy trì khoảng cách bình đẳng với tất cả các cường quốc và hiện tại, họ không muốn gửi bất kỳ tín hiệu nào có thể bị bất kỳ bên nào hiểu sai”.


Cân nhắc về kinh tế chứ không phải chính trị


Nga – nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS trong năm nay – cho biết, công việc hướng tới sự hội nhập của Ả Rập Xê-út vào khối đang diễn ra và Moscow rất coi trọng quá trình này.


“Công việc hội nhập của Ả Rập Xê-út với các nước BRICS vẫn tiếp tục; chúng tôi coi nó rất quan trọng. Nó cũng đã được thảo luận trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Riyadh”, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 17/1.


Ả Rập Xê-út cũng đang có kế hoạch mở cửa đất nước cho khách du lịch, tương tự như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Một bước đi sai lầm có thể gây tổn thất nặng nề cho Ả Rập Xê-út vào thời điểm họ đang hướng tới một tương lai ít phụ thuộc hơn vào Petrodollar (Dollar dầu mỏ).

Siêu đô thị tương lai ở Ả Rập Xê-út là một phần trong kế hoạch của Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Vương quốc này vào Petrodollar. Ảnh: Getty Images


Trong khi đó, UAE – nước giống như Ả Rập Xê-út là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) – cho biết họ đã chấp nhận lời mời và gia nhập BRICS, theo Bộ Ngoại giao UAE.


Quyết định gia nhập BRICS dựa trên những cân nhắc về kinh tế chứ không phải chính trị, Bộ trưởng Kinh tế UAE Abdulla bin Touq al Marri cho biết hôm 18/1.


“Chúng ta không sống trong Chiến tranh Lạnh… việc gia nhập BRICS không phải từ lập trường chính trị mà từ lập trường kinh tế”, ông Marri cho biết trong một phiên họp tại khu nghỉ mát trượt tuyết Davos của Thụy Sĩ, nơi diễn ra hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).


“Đúng là sự phân cực đã xảy ra – điều chưa từng có kể từ những năm 1980, nhưng việc gia nhập BRICS mang tính chất chương trình nghị sự Nam-Nam nhiều hơn… UAE sẽ luôn can dự với phương Tây”, vị quan chức UAE cho biết .


Minh Đức (Theo Reuters, TASS, Watcher Guru)

Chia sẻ Facebook