Brexit khiến người tiêu dùng Anh thiệt hại trên 7 tỷ USD

Chia sẻ Facebook
04/12/2022 19:42:29

Việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến hóa đơn thực phẩm của các hộ gia đình ở Anh trong hai năm tính đến cuối năm 2021 tăng thêm trung bình 210 Bảng (258 USD).


Đây là kết quả nghiên cứu mới do Trung tâm Hiệu quả Kinh tế của Trường Kinh tế London (LSE) thực hiện.


Theo nghiên cứu được công bố, Brexit đã khiến người tiêu dùng Anh thiệt hại tổng cộng 5,8 tỷ Bảng (7 tỷ USD). Nghiên cứu xác nhận rằng hóa đơn thực phẩm tăng 6%, trong đó các hộ gia đình có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Brexit đã khiến các hộ gia đình nghèo ở Anh phải chi thêm 1,1% vào tổng chi phí sinh hoạt của họ, nhiều hơn mức tăng 0,7% của các hộ gia đình giàu có hơn.


Báo cáo nhấn mạnh rằng sự gia tăng giá tiêu dùng là do các sản phẩm chịu hàng rào phi thuế quan cao, trong khi không có sự gia tăng đáng kể nào ở những sản phẩm có hàng rào phi thuế quan thấp. Điều đó có nghĩa các nhà xuất khẩu của EU và các nhà nhập khẩu của Vương quốc Anh phải đối mặt với chi phí cao hơn do những rào cản mới, 50% đến 88% trong số đó được chuyển cho người tiêu dùng.

Thương mại giữa Vương quốc Anh và EU vẫn được miễn thuế theo các quy tắc của thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, việc kiểm tra hải quan chặt chẽ, yêu cầu về quy tắc xuất xứ và các biện pháp an toàn vệ sinh đối với sản phẩm động vật và thực vật đã gây thêm áp lực cho các nhà xuất nhập khẩu.

(Ảnh: Getty)

Nghiên cứu của LSE cũng cho thấy, trong khi các nhà sản xuất thực phẩm trong nước của Vương quốc Anh được hưởng lợi từ việc ít cạnh tranh hơn, lợi ích của họ không thể bù đắp khoản thiệt hại của người tiêu dùng lên tới hơn 1 tỷ Bảng (1,2 tỷ USD). Hơn nữa, lợi nhuận này đã không tạo ra bất kỳ doanh thu nào cho Chính phủ.

Richard Davies, giáo sư tại Đại học Bristol, đồng tác giả của nghiên cứu, viết: "Khi rời khỏi EU, Vương quốc Anh đã đánh đổi mối quan hệ thương mại sâu sắc với ít trở ngại để lấy một mối quan hệ thương mại đòi hỏi nhiều loại kiểm tra, hồ sơ thủ tục và các khâu khác trước khi hàng hóa có thể qua biên giới.


Ông chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng trên 11% vào năm 2022, mức cao nhất trong 40 năm qua.

Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào tháng 6/2016. Sau đó, quá trình đàm phán căng thẳng đã diễn ra trong nhiều năm trước khi Anh chính thức rời EU vào tháng 1/2020 và rời khỏi thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan vào tháng 1/2021.

Lạm phát ở Anh lên mức cao nhất kể từ năm 1981 Lạm phát trong tháng 10 ở Anh đã tăng vọt và cao hơn dự kiến, ở mức 11,1%, cao nhất trong 41 năm qua.

Chia sẻ Facebook