Brazil phát triển vắc-xin chống nghiện cocaine đầu tiên trên thế giới
Các nhà khoa học Brazil vừa công bố một phương pháp điều trị độc đáo cho người nghiện cocaine đó là sử dụng vắc-xin.
Được gọi là "Calixcoca", loại vắc-xin này đã cho thấy kết quả đáng hứa hẹn trong thử nghiệm trên động vật, kích thích một phản ứng miễn dịch ngăn cản cocaine và một số loại ma tuý khác tiếp cận não, điều mà các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giúp người dùng thoát khỏi vòng xoáy của cơn nghiện. Về cơ bản, người nghiện sẽ không còn cảm giác phê thuốc nữa.
Nếu phương pháp điều trị này được các cơ quan quản lý phê duyệt thì đây sẽ là lần đầu tiên vắc-xin được sử dụng để điều trị chứng nghiện cocaine, nhà tâm thần học Frederico Garcia, điều phối viên nhóm phát triển vắc-xin ở Đại học liên bang Minas Gerais, cho biết.
Được biết, dự án về vắc-xin điều trị nghiện vừa giành giải thưởng cao nhất, lên tới 530.000 USD, vào tuần trước tại giải thưởng Đổi mới Sức khoẻ Châu Âu dành cho y học Latin, do công ty dược phẩm Eurofarma tài trợ.
Vắc-xin hoạt động thông qua thúc đẩy hệ miễn dịch của bệnh nhân sản sinh kháng thể liên kết với phân tử cocaine trong mạch máu, khiến chúng quá lớn để truyền vào đường dẫn truyền khoái cảm của bộ não hay còn gọi là "vùng khen thưởng". Đây là nơi chất kích thích thường mô phỏng nồng độ cao dopamine tạo ra khoái cảm.
Nghiên cứu tương tự cũng được tiến hành ở Mỹ, nước tiêu thụ cocaine hàng đầu thế giới, theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm. Tuy nhiên nghiên cứu bị chững lại khi thử nghiệm lâm sàng không cho kết quả như mong đợi cùng nhiều lý do khác.
Cho tới nay, Calixcoca cho thấy hiệu quả trong thử nghiệm trên động vật, sản sinh lượng lớn kháng thể chống lại cocaine và có rất ít tác dụng phụ. Ngoài ra vắc-xin cũng bảo vệ phôi thai chuột khỏi cocaine, chứng tỏ có thể sử dụng ở người để bảo vệ đứa trẻ trong bụng khi người mẹ bị nghiện.
Hiện nay, vắc-xin này sắp tiến vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người. Theo bác sĩ Garcia, Calixcoca có thể định hình lại việc điều trị nghiện. Tuy nhiên, bác sĩ Garcia lưu ý Calixcoca không phải là "thuốc kỳ diệu" có thể sử dụng cho bất kỳ ai. Nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể sẽ phụ thuộc vào kết quả của thử nghiệm lâm sàng, nhưng lý thuyết là vắc-xin nhắm tới nhóm người nghiện đang phục hồi "không sử dụng cocaine và muốn duy trì tình trạng này", ông nói.
Vắc-xin chống nghiện được sản xuất bằng các hợp chất hóa học do phòng thí nghiệm tạo ra, thay vì các thành phần sinh học như thông thường, do đó sẽ ít tốn kém hơn nhiều loại vắc-xin khác và không cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thay đổi "số liệu đáng buồn" về tình trạng nghiện ngập hiện nay. Theo Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy Mỹ, cứ 4 người sử dụng cocaine thường xuyên thì sẽ có một người bị nghiện, và mỗi 4 người nghiện thì chỉ có 1 người cai được sau 5 năm điều trị.
Đến nay, đã có hơn 3.000 người liên hệ với nhóm của ông Frederico Garcia để tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, Tuổi Trẻ)