Bớt say với nhà ở thương mại

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 13:21:31

Bao lâu nay, người ta chỉ nói đến những cơn sốt giá nhà đất, về người này trúng căn hộ, người kia trúng đất. Trong những cơn sóng nhà nhà trúng nhờ bất động sản ấy, ít ai nhắc đến làm cách nào để người thu nhập thấp có được chỗ ở.

Dự án nhà ở xã hội Ecohome tại Hà Nội - Ảnh: H.K.


Đôi lúc cũng có người đặt ngược lại rằng giá nhà đất cứ tăng vùn vụt như thế, trong khi lương không tăng, vậy giấc mơ an cư bao giờ thành hiện thực? Chẳng lẽ người thu nhập thấp cứ mãi kiếp sống tạm bợ hay sao...!


Thế nhưng cơn sốt tăng giá nhà, giá đất vẫn không dừng. Chính quyền cũng có nhiều chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng thực hiện thế nào? Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đề ra mục tiêu phải đạt 12 triệu m² nhà ở xã hội, nhưng chỉ xây hơn 7 triệu m² với hơn 142.000 căn, đạt gần 60%!


Trên thực tế xã hội chỉ chăm chăm vào nhà ở thương mại, với giá căn hộ mà cả đời người làm việc với thu nhập thấp cũng không dám mơ có ngày đủ tiền để mua. Có lúc báo chí đã phải rút tít Căn hộ hợp túi tiền sắp "tuyệt chủng" .


Thống kê cho thấy từ năm 2015 - 2020 thị trường không còn thấy bán những căn hộ có giá 1 - 2 tỉ đồng. Hoặc thông tin như "Chỉ số giá nhà ở tại Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập trung bình của xã hội". Đằng sau những con số này là tâm tư của những người đang sống tạm bợ, ở thuê trong khu trọ tồi tàn, hay gọi lịch sự là "chưa đủ tiện nghi"...


Vậy mà cơn lốc đầu tư vào nhà ở thương mại vẫn quay cuồng, bỏ rơi ước mơ có nhà ở của nhiều người.

Cũng phải thôi, thu ngân sách của địa phương dựa vào đất, nếu dành đất để xây dựng nhà ở xã hội nhiều (được miễn tiền sử dụng đất), ngân sách hụt thu, mấy ai mặn mà quy hoạch đất để làm nhà ở xã hội. Vì vậy, không có gì lạ khi sau giãn cách năm 2021, hàng triệu công nhân ở các đô thị, các khu công nghiệp bỏ về quê bởi sau bao năm họ vẫn chưa có chỗ an cư.

Hệ lụy là khi dịch bệnh được khống chế, nhiều nhà máy xí nghiệp thiếu công nhân, nhiều khu trọ trở nên thưa thớt.

Sau cú sốc này, bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, những người làm công ăn lương và nhất là công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp được nhắc lại thấu đáo hơn.

Thực tế cho thấy không chỉ người dân đô thị mà cả người đến đô thị làm việc cũng mong ngày nào đó có nơi ở với giá hợp túi tiền. Vì vậy, chúng ta không thể mãi đầu tư, dồn sức chạy theo nhà ở thương mại. Thị trường nhà đất phải phục vụ cho số đông người dân có thu nhập thấp.

Gần đây nhiều kế hoạch xây dựng nhà cho người thu nhập thấp đã được triển khai. Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, trong đó có 100.000 nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nhiều tập đoàn, công ty lớn cam kết tham gia xây nhà giá rẻ cho công nhân...

Ngạn ngữ có câu "Khi đẹp trời người ta dễ quên lời thề trong gió bão". Những chiến lược nhà ở giá rẻ nêu ra sau COVID-19 phải được thực hiện. Những cam kết của chính quyền, doanh nghiệp cần phải được giám sát. Hãy làm sống lại căn hộ có giá hợp túi tiền để mọi người chưa có nơi ở có thể trở lại với giấc mơ an cư...!

Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc sau hai ngày rưỡi làm việc vào hôm 8-7. Các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết.

Chia sẻ Facebook