Bớt một túi rác nhựa, có khó không?

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 14:01:56

Rác nhựa nhiều vô số, chúng ở khắp mọi nơi, từ làng quê cho tới thành phố lớn, từ nhà ra đại dương, ruộng đồng, đổ từ nước giàu sang nước nghèo.


Con người thường tặc lưỡi một cái để biện hộ cho suy nghĩ thường gặp nhất, tỉ như: "Ai cũng vậy chứ riêng gì mình!", "Đáng gì một cái túi nilông, một cái ống hút mà phải lăn tăn?!"...

Triển lãm "Quái nhựa" hiện đang tổ chức ở TP.HCM cho công chúng thấy rõ mỗi người Việt Nam hằng năm tạo ra 37kg rác nhựa (không tính rác thải loại khác).

Tưởng tượng một trăm triệu con yêu quái rác nhựa này hằng năm không nằm yên trong đại dương, không nằm ngoài các bãi chôn lấp rác mà nhảy xổ vào từng mâm cơm, sống trong từng hộ gia đình thì khủng khiếp cỡ nào!

Sự tiện dụng, ngại bẩn, ưa nhanh, theo xu hướng, kích cầu bằng giảm giá… đã khiến con người điên cuồng mua sắm, hưởng thụ mà quên mất mình đang cùng nhau xả thêm rác. Rồi ai nấy đều yên chí rằng chỉ cần bỏ rác vào thùng, đẩy ra ngoài đường, vứt xuống biển khuất mắt là hết trách nhiệm, quả báo chỉ dành cho ai đó chứ nó tránh mình ra.

Tôi không nghĩ vậy! Vậy nên tôi đã duy trì thói quen đi mua sắm bằng túi sử dụng nhiều lần, đựng thức ăn tươi sống trong hộp...

Là một người phụ nữ, tôi thường đưa ra những quyết định có cân nhắc về giảm thiểu tối đa rác thải nhựa từ đời sống cá nhân, chăm lo cho gia đình, cả đến công việc.

Là một người tiêu dùng có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng, tôi chọn chỉ trở thành khách hàng thân thiết với những thương hiệu nào có ý thức với môi trường bên cạnh chất lượng sản phẩm.

Là một công dân và con người sống trên Trái đất, tôi dõi theo và chờ mong ngày các biện pháp chế tài về quy cách sản xuất, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp với chính rác thải nhựa của họ được áp dụng.

Không hề dễ dàng để có được sự đồng thuận của tất cả mọi người sống quanh tôi. Có người tôi tin họ không biết nhựa có thể trở thành vi nhựa và đi vào cơ thể con người thông qua muối, cá, tôm, không khí... nên họ vẫn vô tư xả rác mà chẳng ngần ngại gì.

Có người tôi tin rằng biết tuốt nhưng họ chọn lối sống tiện lợi cho mình, rác đã có công ty vệ sinh môi trường, nhà nước lo. Cả hai nhóm đều cần được lay động tâm can bằng những hình ảnh, thông tin sinh động hơn nữa để họ nhận thức được rằng, giảm thiểu rác không phải là công việc của người dư thời gian, bớt rác là vì chính họ và con cái của họ.

Nhìn ra xung quanh, tôi thấy mình không cô đơn vì có những nhóm người đã hành động vì chính họ, vì cộng đồng nhỏ chứ không ngồi đợi đến lúc "nối vòng tay lớn".

Nhờ những tấm gương gần gũi như người bà, người mẹ vẫn còn thói quen đội nón lá (khi cần có thể ngửa nón ra đựng mớ cà chua, nắm rau thơm), xách giỏ đi chợ, tỉ mỉ vuốt thẳng từng túi giấy rồi gấp lại để dùng lần sau mà nhiều người khác giật mình nhận ra, sống xanh là vầy, bớt một cọng rác chẳng hề khó.

Đừng nghĩ gì to lớn, chỉ cần bạn hỏi chính mình vài lần trước khi đưa ra lựa chọn mấy lúc bỗng dưng thèm một ly trà sữa, chợt nhìn thấy một món đồ, hoặc đơn giản là đang đi dạo thì nảy ra ý ghé vào chợ mua sắm. Biết đâu bạn sẽ chọn về nhà pha một ly trà, mở lại tủ quần áo… vừa đủ đầy vừa bớt đi một mớ rác.

Ông Hoàng Minh Anh Tú - tổng giám đốc Công ty Alta Group (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM), cho rằng việc đưa ra lộ trình sử dụng các loại túi thân thiện môi trường trong các siêu thị, trung tâm thương mại hoàn toàn có thể thực hiện.

Chia sẻ Facebook