Bóng ma lạm phát bủa vây, người này mua thức ăn rẻ, kẻ khác vẫn sắm Gucci
Nhiều người tiêu dùng toàn cầu đang chọn mua đồ rẻ do áp lực đến từ lạm phát cao. Họ phải ưu tiên hàng hóa cơ bản như thực phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, những người có tiền vẫn thoải mái mua hàng xa xỉ.
Theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế đang theo dõi chặt chẽ thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty để nhận diện những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang tiến tới suy thoái.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7-2022 do áp lực dai dẳng về lạm phát cao hơn và lãi suất tăng.
Tuy nhiên, cho đến nay hành vi tiêu dùng toàn cầu đang gửi đi những tín hiệu trái chiều.
Mặc dù giá nhiên liệu và lương thực tăng kỷ lục nhưng dữ liệu từ chi tiêu thẻ tín dụng cho thấy nhiều người dân vẫn đang chi tiền đi du lịch và các chi tiêu xa xỉ khác.
Trong tuần này, rất nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2. Theo nhà bán lẻ Walmart, khách hàng của họ ở Mỹ - vốn phần đông là các hộ gia đình có thu nhập thấp, đang ưu tiên mua thực phẩm, nhu yếu phẩm và bớt sắm quần áo, đồ thể thao.
Các công ty Coca Cola, McDonald’s, Unilever đều xác nhận họ vẫn bán tốt, doanh số tốt hơn ngay cả khi giá cao hơn.
Nhu cầu của người tiêu dùng giảm với trò chơi điện tử và đồ điện tử cá nhân.
Trong khi đó, doanh số bán hàng của tập đoàn xa xỉ LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton lại tăng 19% trong quý 2, chỉ thấp hơn một chút so với quý 1 năm nay. Doanh số bán hàng túi xách và rượu cao cấp ở châu Âu và Mỹ cũng khả quan, bù cho sự chậm lại của nền kinh tế hai nơi này do ảnh hưởng của việc Trung Quốc phong tỏa chống COVID-19.
Công ty xử lý các khoản thanh toán qua thẻ visa cho biết các khoản chi xuyên biên giới tăng 40%, chứng tỏ du lịch hè bùng nổ và một số khả năng phục hồi kinh tế của người tiêu dùng.
Ashish Sinha, giám đốc danh mục đầu tư tại Unilever, cho rằng khó đoán định sức mua tốt sẽ kéo dài bao lâu vì "chúng ta thấy giá cả tăng hằng tuần. Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng có thể chấp nhận với việc tăng giá này thêm bao nhiêu nữa?".
Nhiều công ty không lạc quan về triển vọng kinh doanh cả năm. Công ty giày thể thao Adidas đã cắt giảm mục tiêu doanh số năm 2022 do hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc phục hồi chậm.
Công ty xe General Motors cho biết họ đang siết chi tiêu và hạn chế tuyển dụng trước khả năng xảy ra suy thoái kinh tế. Công ty dự báo sẽ có tăng trưởng trong năm 2022. Dù giá cao, nhu cầu mua xe của hãng vẫn cao do bị dồn nén vì tình trạng thiếu chip bán dẫn kéo dài một năm qua.
Theo Hồng Vân
Tuổi Trẻ