Bỗng chốc trắng tay vì 'hợp đồng giả cách'

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:38:57

Chỉ vì nhẹ dạ, nhiều gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bỗng chốc trở thành “kẻ trắng tay” khi đặt bút ký vào “hợp đồng giả cách”. Cụ thể, khi cho vay tiền, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải ký vào một bản hợp đồng chuyển nhượng hoặc ủy quyền tài sản với mục đích được cho là đảm bảo cho khoản vay…

Tuy nhiên, ngay sau đó các đối tượng cho vay “biến giả thành thật”, tìm cách chiếm đoạt luôn tài sản khi thực hiện thủ tục “sang tên” hoặc đem thế chấp ngân hàng.


Trở thành vô gia cư sau khi ký “hợp đồng giả cách”

Một trong số nhiều nạn nhân của “hợp đồng giả cách” này là bà Trần Thị Hiền, (sinh năm 1962), trú tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Hơn 8 năm qua, gia đình bà Trần Thị Hiền đã phải đi khắp nơi, gõ cửa cầu cứu các cơ quan, ban, ngành về việc bị một đường đây lừa đảo chiếm đoạt nhà cửa, đất đai với chiêu bài cho vay tiền bằng “hợp đồng giả cách”.

Vợ chồng bà Trần Thị Hiền như ngồi trên đống lửa khi ngôi nhà của gia đình có nguy cơ bị ngân hàng phát mãi.

Theo đó, vào năm 2018, gia đình bà Hiền bỗng nhận được thông báo triệu tập từ TAND quận Ba Đình về việc tham gia vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và Công ty Hùng Việt với vai trò là người có quyền lợi liên quan trong vụ án. Làm việc với TAND quận Ba Đình, bà Hiền mới biết, thửa đất số 88, tờ bản đồ số 9, diện tích 391 m2 đất ở của gia đình tại địa chỉ thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã sang tên cho ông Hà Văn Kiên và đã bị thế chấp bảo lãnh khoản vay của Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Hùng Việt (Công ty Hùng Việt) tại một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Đông Anh. Do Công ty Hùng Việt không trả nợ nên ngân hàng tiến hành khởi kiện và phát mại tài sản.

Đáng chú ý, khi xác minh thông tin về thửa đất tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - chi nhánh huyện Sóc Sơn thì gia đình bất ngờ thấy thông tin “bà Hiền đã chết”.

Cụ thể, giấy chứng tử bà Trần Thị Hiền đã chết ngày 28/12/1993, người ký giấy chứng tử là ông Nguyễn Văn Cường, người ký và đóng dấu vào bản sao giấy chứng tử là Phó Chủ tịch Trần Văn Mùa. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chồng bà ghi rõ nội dung “từ ngày 28/12/1993 vợ chết đến nay, ông Đỗ Văn Tuyên chưa kết hôn với ai”. Giấy xác nhận này do cán bộ tư pháp Nguyễn Văn Chuẩn ký, Phó Chủ tịch Trần Văn Mùa ký và đóng dấu.

Nguyên nhân dẫn tới việc tài sản của gia đình bỗng dưng bị ngân hàng phát mãi là do trước đó chồng bà Hiền là ông Đỗ Văn Tuyên đã vay tiền của đối tượng có tên Hà Văn Kiên, sinh năm 1972, tại thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội). Chia sẻ với phóng viên, ông Tuyên cho biết: “Khi đồng ý cho tôi vay khoản tiền 300 triệu, ông Hà Văn Kiên đã bắt tôi ký vào một bản hợp đồng để đảm bảo cho khoản vay đó, không ngờ đối tượng này lại làm luôn thủ tục sang nhượng và đem thế chấp để vay ngân hàng. Tôi không ngờ mình đã gặp phải đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp đến như vậy”.

Không chỉ làm “hợp đồng giả cách” với ông Tuyên mà Kiên còn làm giả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, làm giả luôn giấy chứng tử của vợ ông Tuyên để chiếm đoạt tài sản gia đình ông. Bà Hiền không giấu được bức xúc nói: “Tôi đang sống sờ sờ đây mà nhiều năm qua tôi đã phải làm đơn ra chính quyền địa phương để xác nhận mình còn sống. Thực tế, nếu không có giấy chứng tử xác nhận tôi đã chết thì đối tượng lừa đảo không thể lập hợp đồng chuyển nhượng để mang đi thế chấp ngân hàng được. Gia đình tôi đã làm đơn tố giác tội phạm và mong mỏi Cơ quan công an sớm xử lý. Nếu hành vi xác nhận một người còn sống là đã chết mà không bị pháp luật trừng trị thì người dân chúng tôi sẽ phải sống như thế nào đây”.

Trong diễn biến mới nhất, chiều ngày 10/8/2023, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sóc Sơn đã đến nhà bà Hiền để tiến hành xác minh, kiểm tra hiện trạng tài sản của gia đình bà Hiền để chuẩn bị phát mại. Với chiêu bài tương tự như gia đình bà Hiền, gia đình ông Vũ Bá Hiển, sinh năm 1946, tại thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn cũng trở thành nạn nhân của cái gọi là “hợp đồng giả cách”.

Gần 80 tuổi, ông Vũ Bá Hiển có nguy cơ mất trắng căn nhà do con trai ký 'hợp đồng giả cách' với kẻ xấu.

Được biết, gia đình ông Hiển là gia đình chính sách có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cụ thể, ông Hiển là thương binh nặng trở về từ chiến trường với những di chứng của chiến tranh. Đó là di chứng chất độc da cam có thể nhìn thấy rõ qua hình hài, số phận của từng thành viên trong gia đình.

Nhưng, không dừng ở đó, hiện cuộc sống của cả gia đình ông Hiển đang phải đối mặt với những biến cố không ngờ tới. Đó là toàn bộ đất đai, nhà cửa của gia đình ông đã bị một đối tượng mang thế chấp ngân hàng với khoản vay khổng lồ. Từ khi biết bị kẻ xấu lừa đảo, gia đình ông Hiển đã gửi đơn kiến nghị, cầu cứu, tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Theo nội dung đơn thư, năm 2010, anh Vũ Bá Cấp (con trai ông Vũ Bá Hiển) có vay của Trần Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Hoàng Anh (có địa chỉ tại số 103, quốc lộ 2, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) số tiền là 150 triệu đồng để mua một chiếc ô tô tải làm kế sinh nhai.

Thời điểm này, Trần Mạnh Tuấn đã yêu cầu anh Cấp phải thế chấp sổ đỏ của gia đình (sổ đỏ cấp cho hộ gia đình có 9 thành viên - PV), đồng thời yêu cầu phải ký vào một bản hợp đồng ủy quyền để đảm bảo cho khoản vay. Một năm sau, anh Cấp và gia đình liên hệ với Tuấn để thanh toán khoản nợ và yêu cầu trả sổ đỏ. Tuy nhiên, lúc này, gia đình không thể liên hệ được với Tuấn, tìm tới Công ty TNHH Thương mại Trần Hoàng Anh thì luôn trong tình trạng “vườn không nhà trống”.

Đến cuối năm 2022, gia đình ông Hiển bỗng nhận được thông báo của TAND huyện Sóc Sơn triệu tập tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án một ngân hàng khởi kiện Công ty CP Thép Hồng Trang (có địa chỉ tại số 73, 74 khu 3, quốc lộ 2, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), để yêu cầu thanh toán tổng công nợ hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, tổng cả gốc và lãi phát sinh của khoản nợ liên quan tới sổ đỏ gia đình ông Hiển đang thế chấp là hơn 4 tỷ đồng. Đây là một con số khổng lồ mà chỉ nghe thôi, gia đình ông cũng đủ bủn rủn chân tay vì không biết kiếm tiền đâu mà trả nợ.

Anh Cấp khẳng định chữ viết và chữ ký trong bản xác nhận này không phải của mình.


Nạn nhân thường là người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết

Anh Cấp cho biết, khi vay tiền của Tuấn, vợ chồng anh chỉ ký vào một văn bản hợp đồng, ngoài ra không hề ký vào bất cứ một giấy tờ gì. “Gần đây tôi mới biết, trong hồ sơ vay vốn ngân hàng của đối tượng Tuấn có một văn bản xác nhận về nhân khẩu của gia đình tôi. Cụ thể, chính quyền xã Nam Sơn xác nhận, thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi chỉ có 3 người. Điều này là hết sức bất thường bởi thực tế hộ khẩu gia đình tôi có 9 người. Hơn nữa, chữ viết trong đơn xác nhận không phải của tôi, chữ ký cũng không phải của tôi”, anh Cấp khẳng định. Bên cạnh đó, anh Cấp cũng cho rằng, văn phòng công chứng và ngân hàng đã cố tình làm sai lệch hồ sơ để ký công chứng.

“Các đối tượng đã làm khống, làm giả thông tin, hồ sơ để đủ điều kiện giải ngân vốn nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Rõ ràng đây là đường dây lừa đảo có tính chất chuyên nghiệp, quy mô lớn...”, anh Cấp nói.

Tương tự, vợ chồng bà Hiền cũng cho rằng đã có kẻ nào đó đứng sau tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội chiếm đoạt tài sản của gia đình bà. Cụ thể, trong vụ việc này, sau khi các đối tượng lừa được ông Đỗ Văn Tuyên ký vào một hợp đồng được cho là có nội dung chuyển nhượng nhà đất, ngay sau đó, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, làm luôn cả giấy chứng tử của bà Hiền, đồng thời cũng làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả với nội dung: “Từ khi bà Hiền chết năm 1993, ông Tuyên không kết hôn với ai”. Điều khó hiểu là mặc dù các loại giấy tờ với nội dung hoàn toàn sai sự thật nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn dễ dàng công chứng được hợp đồng chuyển nhượng và hoàn thiện các thủ tục để từ đó chiếm đoạt tài sản của gia đình nạn nhân.

Liên quan tới nội dung này, ngày 5/5/2020 UBND xã Mai Đình có văn bản số 68/BTD-UBX trả lời công dân với nội dung: “UBND xã Mai Đình không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Đỗ Văn Tuyên và UBND xã Mai Đình không còn lưu sổ đăng ký khai tử năm 1993, nên không xác định được”. Ngày 30/3/2020, cũng trong lá đơn của bà Trần Thị Hiền “xin xác nhận còn sống”, UBND xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã xác thực nội dung “bà Trần Thị Hiền có hộ khẩu thường trú tại xã Mai Đình và vẫn đang sinh sống ổn định tại địa phương là đúng”. Thực tế, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, không chỉ gia đình bà Hiền, ông Hiển là nạn nhân của “hợp đồng giả cách” mà còn nhiều gia đình khác cũng đang “sống dở chết dở”, bỗng chốc trở thành kẻ trắng tay do nhẹ dạ tin lời kẻ lừa đảo.

Anh Vũ Bá Cấp không giấu được vẻ đau khổ vì khoản vay của mình mà gia đình sắp lâm vào cảnh bơ vơ.

Trao đổi về các trường hợp nói trên, luật sư Nguyễn Đức Biên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, “hợp đồng giả cách” hay “giả tạo” thực chất là một loại hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu một quan hệ dân sự khác và thông qua hợp đồng đó để chiếm đoạt tài sản khi có vi phạm về nghĩa vụ của hợp đồng. Trong đó, đa số là các hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất để che giấu giao dịch vay tài sản. Thông thường, những người vay tiền không có ý định chuyển nhượng tài sản mà chỉ dùng tài sản để đảm bảo khoản vay, nhưng vì muốn vay được tiền nên chấp nhận ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Cũng có những trường hợp do không đọc kỹ hợp đồng, không am hiểu pháp luật nên không lường trước được hậu quả của việc ký kết dẫn đến bản thân đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản để vay tiền. Chỉ một thời gian sau, tài sản đã bị sang tên người cho vay thì người vay mới phát hiện và làm đơn khởi kiện tại tòa án.

Nói về những vụ lừa đảo này, luật sư Biên cho biết, các đối tượng cho vay thường nhắm đến những cá nhân có nhu cầu về tài chính cấp thiết nhưng thiếu hiểu biết pháp luật. Các vụ tranh chấp liên quan đến “hợp đồng giả cách” rất khó giải quyết cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Đặc biệt là trong hoạt động cho vay, bên vay tài sản thường không được phép giữ các loại giấy tờ giao dịch nên việc chứng minh một hợp đồng giả cách hay không là rất phức tạp và khó khăn.

Cũng theo vị luật sư này, để chứng minh việc ký kết giao dịch là một hợp đồng giả cách, đương sự phải cung cấp được một hợp đồng bề ngoài và một hợp đồng bị che giấu. Việc chứng minh ý chí tự nguyện của người tham gia các giao dịch sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

“Trong một số trường hợp, các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với hoạt động mua bán tài sản, thể hiện có sự đồng thuận của đôi bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản thì càng khó khăn hơn trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến loại vụ việc này”, luật sư Biên nói.

Chia sẻ Facebook