Bốn nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt hậu COVID-19
Nhà khoa học Ai Cập Haytham Al-Mahalawy đưa ra bốn yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19.
Ngày 14-6, thư viện y khoa điện tử của Mỹ PubMed (nơi công bố các công trình nghiên cứu có giá trị trong y học thế giới) đã đăng tải nghiên cứu của nhà khoa học Ai Cập Haytham Al-Mahalawy, trưởng bộ môn răng hàm mặt và khoa phẫu thuật răng hàm mặt, Đại học Fayoum, Ai Cập, về 12 trường hợp bị hoại tử xương hàm trên sau các giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian từ tháng 1 đến 8-2021.
12 trường hợp được báo cáo có biểu hiện hoại tử xương hàm, cả 12 người đều có ít nhất một bệnh nền mãn tính và được kê toa corticosteroid dựa trên phác đồ điều trị bệnh COVID-19.
Thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hoại tử xương trung bình là 3-12 tuần tính từ ngày xét nghiệm PCR âm tính.
Việc xử trí được thực hiện thành công thông qua phẫu thuật khử trùng, kháng sinh trước và sau phẫu thuật. Không có thuốc chống nấm nào được kê, nuôi cấy nấm và báo cáo mô bệnh học là âm tính với nấm.
Yếu tố chính là virus. Tế bào đường hô hấp trên có nhiều thụ thể ACE-2 nên virus SARS-CoV-2 dễ dàng tấn công và gây phản ứng viêm quá mức, tăng cytokine và rối loạn điều hòa miễn dịch, tạo các huyết khối vi mạch và trạng thái tăng đông máu, làm vùng hàm mặt bị tổn thương và thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương.
Thứ hai là các loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng viêm quá phát và cơn bão cytokine, đó là các corticosteroid và các loại thuốc sinh học như Tocilizumab, kháng thể đơn dòng.
Corticosteroid có tác dụng phụ làm kéo dài thời gian nhiễm virus và còn giảm mật độ xương, loãng xương, nếu dùng trong thời gian dài có khả năng gây hoại tử xương.
Thứ ba là các bệnh bội nhiễm do vi khuẩn hoặc nấm. Khi nhiễm COVID-19 làm tổn thương niêm mạc các xoang nằm cạnh xương hàm, là cửa ngõ để vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào xương.
Thứ tư là các bệnh nền mãn tính kèm theo, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, làm suy giảm thêm khả năng miễn dịch tại chỗ và bẩm sinh của cơ thể.
Chiều 14-7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị các bệnh viện có thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học về các ca bệnh bị hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19, tránh làm hoang mang bất ổn trong xã hội.