Bốn dự án cao tốc trọng điểm phía Nam nguy cơ “đói” vật liệu

Chia sẻ Facebook
10/03/2023 10:48:19

Cả 4 dự án cao tốc trọng điểm ở phía Nam đều trong cảnh thiếu nguồn vật liệu gồm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Cần Thơ – Hậu Giang, Biên Hòa – Vũng Tàu và Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Sà lan chở cát trên địa bàn Tiền Giang. (Ảnh: baocantho.com.vn)

Bộ GTVT  kiến nghị tăng 50% công suất các mỏ cát

Truyền thông Nhà nước đưa tin về tình hình cung cấp mỏ vật liệu xây dựng phục vụ 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ Việt Nam rằng theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá các loại để thi công 2 dự án khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; khối lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3.

Đối với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án.

Riêng vật liệu cát sông, so với tổng nhu cầu vật liệu cát (khoảng 18,5 triệu m3), đến nay mới có tỉnh An Giang, Đồng Tháp dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu m3 cát do đã có kế hoạch bố trí khoảng 28 triệu m3 cát để thi công các dự án của địa phương.

Liên quan đến hiện trạng cấp phép mỏ vật liệu tại khu vực, Bộ GTVT cho biết, theo thống kê từ Chi cục khoáng sản Miền Nam, đến nay, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã cấp phép 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 71 triệu m3, công suất khai thác khoảng 15,6 triệu m3/năm.

Số liệu khảo sát của tư vấn cho thấy nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu thi công cao tốc chủ yếu tập trung tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Năm 2022, các tỉnh đang khai thác tại 24 mỏ có chất lượng đáp ứng yêu cầu của dự án. Nhưng năm 2023, nếu tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Bộ GTVT cho biết tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch đạt khoảng 215 triệu m3.

Trong đó, tỉnh An Giang khoảng hơn 54 triệu m3/13 mỏ; tỉnh Đồng Tháp hơn 33,5 triệu m3/10 mỏ; tỉnh Vĩnh Long khoảng hơn 42 triệu m3/10 mỏ; tỉnh Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3.

Để giải quyết nguồn vật liệu thi công 2 dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ Việt Nam có ý kiến với UBND tỉnh An Giang ưu tiên bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau.

Đồng thời, Bộ này kiến nghị các tỉnh thành trên tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nguy cơ thiếu vật liệu 2 dự án sắp khởi công

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm phía Nam khởi công trong thời gian tới, do đó nhu cầu cần cát san lấp là rất lớn. (Ảnh: baocantho.com.vn)

Không chỉ có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, hai dự án đường bộ cao tốc trọng điểm khác là Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 tới đây cũng đứng trước nguy cơ “đói” vật liệu thi công.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tại dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tổng nhu cầu vật liệu đá khoảng gần 4 triệu m3; khối lượng cát khoảng 3 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng gần 3,6 triệu m3.

Trên cơ sở tính toán, đơn vị tư vấn đã thực hiện khảo sát 48 mỏ đá, tổng trữ lượng 61,7 triệu m3; 24 mỏ cát (22 mỏ đang khai thác; 2 mỏ quy hoạch), tổng trữ lượng gần 8 triệu m3; 11 mỏ đất đắp, tổng trữ lượng 23,5 triệu m3 sử dụng cho dự án.


“Hiện tại, vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án.


Song, với vật liệu cát, trên địa phận tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng thời một số dự án. Trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông nên với công suất khai thác hiện nay sẽ không đáp ứng nhu cầu dự án” , Bộ GTVT nhận định.

Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá khoảng 1,31 triệu m3; khối lượng cát khoảng 0,22 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng 7 triệu m3.

Đơn vị tư vấn đã khảo sát 17 mỏ đá, tổng trữ lượng hơn 248 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 12 mỏ với trữ lượng khoảng 204 triệu m3; khảo sát và dự kiến sử dụng 3 mỏ cát, tổng trữ lượng hơn 49 triệu m3; khảo sát 12 mỏ đất với trữ lượng khoảng 24,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 8 mỏ với tổng trữ lượng 24,5 triệu m3.

Mặc dù vậy, do hiện nay tỉnh Đồng Nai đang triển khai đồng thời nhiều dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án lớn của địa phương nên có khả năng công suất khai thác từng mỏ không đáp ứng tiến độ yêu cầu.

An Giang: Hàng chục người dân góp tiền để ngăn chặn việc khai thác cát

Trước đó, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào ngày 22/4/2017 tại khu vực tổ 14, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) – khu vực bờ sông Hậu (tỉnh An Giang) đã làm 16 căn nhà của người dân đổ sụp xuống sông chỉ trong ít phút và 40 căn nhà khác có nguy cơ sạt lở cao khiến tỉnh An Giang công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp ngay trong chiều cùng ngày.

Theo cơ quan chức năng, tại khu vực sạt lở trên có hai hố xoáy. Hố xoáy thứ nhất sâu 22 – 30 m, dài hơn 100 m, rộng trên 90 m, nằm sát đường liên xã, nơi xảy ra sạt lở. Hố xoáy thứ hai nằm song song hố thứ nhất, cách bờ tại vị trí sạt lở khoảng 180 m, dài 380 m, rộng 180 m, sâu 44 m. Đây là hố xoáy trung tâm, ước tính hình thành khoảng 10 năm nay.

An Giang là một trong những tỉnh bị sạt lở nặng nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, năm 2010, sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xâm thực dài 150m vào Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; năm 2012, sạt lở dài 80m tại phường Bình Đức – TP. Long Xuyên; năm 2014, sạt lở dài 100m tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, TX Tân Châu…

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, tỉnh An Giang đã ghi nhận 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, ở huyện An Phú, huyện Chợ mới, TX. Tân Châu…, với tổng chiều dài trên 1,2km, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng nhiều tài sản, công trình hạ tầng khác, phải di dời khẩn cấp 136 căn, đồng thời di dời thêm các hộ dân ở vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông cho thấy toàn tỉnh hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài trên 162,5 km, ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp.


Khánh Vy

Chia sẻ Facebook