Bốn bí quyết dưỡng sinh của cổ nhân qua Hoàng Đế Nội Kinh

Chia sẻ Facebook
15/04/2023 20:32:41

Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh, một trước tác nổi tiếng về y học cổ đại, có viết: “Thượng cổ chi nhân, xuân thu giai độ bách tuế, nhi tận chung kỳ thiên niên”, nghĩa là người thượng cổ đều thọ trăm tuổi, hưởng trọn tuổi trời. Thọ mệnh của con người thời thượng cổ thường rất dài, cũng có liên quan đến những bí quyết dưỡng sinh được đề cập đến trong Hoàng Đế Nội Kinh.

Một phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu Đạo. (Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)


Trong lịch sử y học cổ đại có bảy tác phẩm về y lý nổi bật, bao gồm: Hoàng Đế Nội Kinh, Hoàng Đế Ngoại Kinh, Biển Thước Ngoại Kinh… Nhưng bởi vì nguyên nhân lịch sử mà hậu thế chủ yếu chỉ nghe nhắc nhiều đến Hoàng Đế Nội Kinh. Hoàng Đế Nội Kinh là một bộ sách bao gồm một hệ thống hoàn chỉnh về y lý, y luận và y phương. Từ nội dung sách có thể thấy đây là một phần trong những tâm đắc tu Đạo của Hiên Viên Hoàng Đế. Cuốn sách này được chia làm hai phần là “Tố Vấn”“Linh Khu” . Mỗi phần lại bao gồm 9 quyển, mỗi quyển gồm 9 thiên, tổng hợp lại thành 162 thiên.

Ở phương diện y học, Hoàng Đế Nội Kinh trình bày tường tận và phong phú về nhân tố gây nên bệnh, phương pháp chẩn đoán bệnh, dưỡng sinh phòng bệnh, học thuyết vận khí, kinh lạc tạng phủ, phương pháp châm kim… Có thể nói đây là một công trình cổ đại toàn diện và phong phú. Về triết học, Hoàng Đế Nội Kinh thuyết minh một cách cụ thể việc ứng dụng văn minh cổ đại vào dưỡng sinh, cũng vô cùng cao thâm. Dưới đây là bốn bí quyết dưỡng sinh thời cổ đại, cũng là bốn đạo lý phổ quát được nêu ra trong trước tác này.

Thân lao động nên không mệt mỏi


Hoàng Đế Nội Kinh nói rằng: “Thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất vong tác lao, cố năng hình dữ thần câu, nhi tận chung kỳ thiên niên” , nghĩa là: Ăn uống điều độ, làm việc nghỉ ngơi có quy luật, không lao lực quá mức, nên thần hình đều khỏe mạnh, nhờ vậy mà hưởng trọn tuổi trời.


Các nhà dưỡng sinh cổ đại cho rằng: “Hình”“Thần” nương tựa vào nhau, như câu “Hình thị thần dĩ lập, thần tu hình dĩ tồn” , hình dựa vào thần mà lập, thần phải có hình mới có thể tồn tại. Nếu muốn dưỡng tốt “hình và thần” , thì phải điều hòa tốt “động và tĩnh” . “Tĩnh” giúp bồi dưỡng nguyên khí của cơ thể, “động” giúp nguyên khí tuần hoàn tốt hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, làm thế nào mới có thể giúp tinh thần của con người sung mãn, khiến cơ thể ngày càng trẻ trung? Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì rất đơn giản: Giữ gìn thói quen sinh hoạt tốt, có quy luật, cân bằng thói quen ăn uống điều độ, kiên trì rèn luyện sức khỏe vừa sức… Những điều này đều rất hữu ích cho cơ thể, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.


Chúng ta không khó để phát hiện ra rằng, nếu không chịu ô nhiễm do công nghiệp và nông nghiệp, thì rất nhiều người cao tuổi ở nông thôn, ở các vùng núi cao, thường khỏe mạnh hơn người cao tuổi tại thành phố. Là vì cuộc sống ở nông thôn giúp mọi người giữ được thói quen vận động tốt đẹp một cách trường kỳ. Đây gọi là “ Tình canh vũ độc” , ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách, thuận theo tự nhiên.

Xem thêm: Trí tuệ cổ nhân: Ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách

Tâm an mà không sợ hãi


Hoàng Đế Nội Kinh nói rằng: “Hỷ tắc khí hòa chí đạt, vinh vệ thông lợi” , vui vẻ thì khí hòa chí đạt, khí huyết thông lợi.

Một người có tâm thái bình hòa, sẽ không lo không nghĩ, có thể giúp bản thân giữ được trạng thái tích cực, lạc quan. Vậy nên hoạt động sinh lý trong cơ thể sẽ luôn vận hành thuận theo quy luật tự nhiên. Ngược lại, những người thường lo nghĩ, tâm sự trĩu nặng, luôn tranh đấu với người, thân tâm đều dễ bị tổn thương, ít khi được trường thọ.


Trung y dưỡng sinh coi trọng “dưỡng tâm điều thần” , điều này đồng nhất với cách nói “tâm an mà không sợ hãi” trong Hoàng Đế Nội Kinh. Người tâm an, chí thường vui, cất tiếng như đang cười.

Giữ được tâm trạng vui vẻ và tiếng cười hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật, còn hơn cả thuốc bổ đắt đỏ nơi thế gian. Nội tâm an định, tiêu diêu tự tại, ắt trường thọ bền lâu.

Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa

Đức vẹn toàn thì không nguy


Hoàng Đế Nội Kinh nói rằng: “Cho nên muốn thọ gần trăm tuổi, động tác không suy giảm, đức cần vẹn toàn thì không nguy.”


Có lẽ người hiện đại không hiểu lắm hàm nghĩa của câu nói này. Văn hóa truyền thống phương Đông coi “Đức” là gốc lập thân. Sách Trung Dung chương 17 nói rằng: “Cố đại đức, tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ” , người đại đức ắt sẽ đắc được vị trí, tài lộc, danh phận và sự trường thọ của mình.


Trong Thiên Kim Yếu Phương của Tôn Tư Mạc cũng nói: “Tính kí tự thiện, nội ngoại bách bệnh giai bất tất sinh, họa loạn tai hại diệc vô bất tác, thử dưỡng sinh chi đại kinh dã” , nghĩa là tính tình lương thiện, nội ngoại bách bệnh không xâm nhập, họa loạn tai hại đều không phát sinh, đây là đại kinh của đạo dưỡng sinh vậy.


Dưỡng “Đức” có thể điều chỉnh tính cách của con người, duy trì được nguyên khí cả trong lẫn ngoài cơ thể, giúp con người được trường thọ. Đức này có thể nói ngắn gọn là: “Tính thiện, nhân lễ (có lòng nhân, biết lễ nghi), tri túc (biết đủ), nhẫn nhịn” . Khiêm hòa nhẫn nhịn, kính người giữ thân, giúp bảo hộ hình thần không bị tổn thương, từ đó mà được kéo dài tuổi thọ.

Chí nhàn mới ít dục vọng


Hoàng Đế Nội Kinh nói rằng: “Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai?” , ý nói rằng: Điềm đạm vô cầu thì chân khí theo đó mà sung túc, tinh thần vững vàng thì bệnh tật đâu thể tìm tới?

Tinh thần của con người mà vui vẻ, vô dục vô cầu, thì chân khí tồn trong cơ thể. Tinh thần thủ vững thì không hao tổn, bệnh tật cũng không dám tới xâm chiếm. Con người muốn ngày càng trẻ trung, thì cần học cách kiểm soát, tiết chế dục vọng của bản thân.

Thời nhà Thanh có một nhà dưỡng sinh tên Lý Độ Viễn, rất am hiểu đạo tiết dục dưỡng sinh. Ông đề xướng một phương thức sống như sau: Ăn uống đơn giản, có thể giảm nhẹ gánh nặng cho tỳ vị; dục vọng đơn giản, có thể giúp tinh thần sáng tỏ; kiệm lời giúp điều tiết hơi thở; mối quan hệ xã hội đơn giản có thể giữ thân trong sạch; không tham tửu sắc mới có thể thanh tâm quả dục; bớt lo nghĩ mới có thể tiêu trừ phiền não.

Phàm mọi việc chỉ cần giảm bớt một phân, lại có thể thọ ích thêm một phần. Khi ấy ăn gì cũng thơm ngon, mặc gì cũng dễ chịu, cuộc sống giản dị mà sung túc.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Tản mạn về dưỡng sinh qua nội hàm của chữ “Dưỡng”

Mời xem video

Vì sao luyện khí công giúp cơ thể khỏe mạnh và trẻ lâu

Chia sẻ Facebook