“Bơm” thêm tiền cho nền kinh tế
Sau tuần trước liên tục bơm ròng tiền, đồng thời nới hạn mức tín dụng thêm cho 4 ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần này lại đảo ngược hút ròng...
Động thái "bơm" tiền của NHNN được kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phục vụ sản xuất cuối năm nay.
Hạ nhiệt lãi suất
Lãi suất tiết kiệm và lãi suất liên ngân hàng đều tăng cao, đẩy chi phí huy động trên cả thị trường 1 và 2 đều lên mức cao trong tuần qua. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động tùy kỳ hạn từ 8-8,2%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng vay mượn lẫn nhau kỳ hạn qua đêm với đỉnh lãi suất kỷ lục trên 9%, thậm chí 10%.
NHNN dĩ nhiên không để lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng quá cao, nên đã bơm hơn 40.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở - mua vào tín phiếu và không thực hiện giao dịch bán ra.
Với động thái bơm tiền đồng ngắn hạn cho thị trường, đặc biệt khi nhà điều hành thôi cho vay với lãi tín phiếu cao, một chuyên gia đánh giá có khả năng lãi suất sẽ sớm hạ nhiệt. “Có khả năng NHNN sẽ tiếp tục bơm tiền trong 1,2 tuần tới, trừ khi lãi suất thấp hơn”, vị chuyên gia này dự báo.
Thêm vốn cho doanh nghiệp
Theo VNDirect, đã có thêm 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các TCTD khác là Vietcombank, MB, HDBank và VPBank được NHNN thông báo nới thêm hạn mức tín dụng sau đợt bổ sung tín dụng cho 18 tổ chức. Theo đó, các ngân hàng này sẽ có thêm hơn 80 nghìn tỷ đồng để cho vay ra.
“Không chỉ các ngân hàng này được lợi mà quan trong nhất, nền kinh tế được lợi khi theo tính toán, có khả năng chỉ tiêu tín dụng của toàn hệ thống sẽ được nâng trần lên trên mức 14%, có thể đạt 14,80% hoặc 15% vào cuối năm”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính dự tính.
Ông Hồng Thái, Giám đốc một doanh nghiệp thương mại dịch vụ, cho biết cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bổ sung 18.584,907 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại… Vấn đề là cần triển khai gói này cũng như hướng dẫn chi tiết việc giảm nhẹ các thủ tục cho các đối tượng thụ hưởng gói vay ra sao?
“Nhiều doanh nghiệp vẫn có cảm giác đây là gói vay rất phức tạp. Tôi cho rằng cần tránh giải ngân theo phong trào và nên ưu tiên hiệu quả cao cho các đối tượng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp đang rất cần vốn để tăng tốc ở kỳ cuối năm nay”, ông Hồng Thái kiến nghị.
Linh hoạt vì mục tiêu ổn định tỷ giá
Tuy nhiên, sang tuần này, NHNN lại đã quay trở lại hút ròng lượng lớn VND ra khỏi hệ thống ngân hàng. Cụ thể, chỉ trong 3 phiên vừa qua (18/10 – 20/10), Nhà điều hành đã hút về gần 110.000 tỷ thông qua kênh phát hành tín phiếu; Trong khi chỉ bơm ra chưa đầy 1.000 tỷ thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá. Theo đó, NHNN đã rút khỏi hệ thống ngân hàng hơn 109.000 tỷ trong 3 ngày qua.
Động thái đảo ngược này của NHNN khiến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm sâu.
Theo số liệu NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 18/10 đã giảm về còn 3,03%/năm. So với đầu tuần trước khi thị trường phản ứng với sự kiện bất lợi liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất qua đêm đã giảm hơn một nửa. Còn so với mức đỉnh hơn 10 năm ghi nhận vào ngày 5/10 (8,44%/năm), lãi suất qua đêm đã giảm 5,41 điểm %. Các kỳ hạn còn lại ghi nhận xu hướng tương tự nhưng mức giảm không nhiều.
Phân tích động thái đảo ngược này, một chuyên gia cho biết với diễn biến trong 2 tuần qua, sau khi NHNN công bố điều chỉnh biên độ tỷ giá mới, tỷ giá đã liên tục được điều chỉnh. Với diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường cũng đã thu hẹp nhanh chóng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Áp lực đối với ổn định tỷ giá USD/VND theo đó càng lớn. Do đó, có thể NHNN đã hút bớt tiền về để duy trì chênh lệch lãi suất, giảm nhiệt cho tỷ giá.
"Ngoài ra, cũng cần lưu ý là NHNN đã bơm ròng tiền tuần trước trong bối cảnh diễn biến rút tiền tại SCB diễn ra. Sau khi NHNN công bố cử lãnh đạo các Ngân hàng trong nhóm Big 4 vào HĐQT điều hành ngân hàng, đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để kiểm soát sớm nhanh chóng ổn định ngân hàng, ổn định hệ thống, thì xu hướng "xếp hàng rút tiền" cũng đã giảm xuống. Nhu cầu tiền mặt để hỗ trợ thanh khoản trong giai đoạn này cho ngân hàng vì các mục đích trên cũng giảm xuống. Nên có thể là yếu tố tiếp theo thúc đẩy NHNN rút tiền", chuyên gia nhận định và cho rằng theo diễn biến này, NHNN sẽ còn tiếp tục uyển chuyển các chính sách bơm - hút tiền để vừa đạt các mục tiêu đáp ứng hỗ trợ vốn, thanh khoản cho hệ thống, cung tiền phù hợp theo nhu cầu cho nền kinh tế, vừa giảm bớt áp lực tỷ giá trong biên độ giao dịch mới.