BOJ bất ngờ nới biên độ lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã gây sốc cho thị trường tài chính bằng việc bất ngờ nới rộng biên độ lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, khiến đồng yên tăng giá, đẩy lợi suất trái phiếu lên cao và cổ phiếu giảm mạnh.
BOJ bất ngờ nới biên độ lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ
Trong tuyên bố về chính sách tiền tệ ngày 20/12, BOJ cho biết họ sẽ cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng hoặc giảm trong phạm vi 50 điểm cơ bản xung quanh mức mục tiêu 0%, lớn hơn biên độ 25 điểm cơ bản trước đó.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nói với các phóng viên ở Tokyo rằng: “Đây không phải là thắt chặt cũng không phải là bước đệm tiến tới rút lui. Đây là một sự điều chỉnh đối với hoạt động chính sách tiền tệ”. Đây chỉ đơn thuần là phản ứng của BOJ trước những thay đổi về bối cảnh thị trường, ông Kuroda khẳng định thêm. “Chúng tôi làm điều này để hỗ trợ nền kinh tế”.
Theo thông báo của BOJ, kể từ đầu mùa xuân năm nay, mức độ biến động trên thị trường tài chính và thị trường vốn ở nước ngoài đã tăng lên, và điều này ảnh hưởng đáng kể đến các thị trường tương tự ở Nhật Bản. Nếu tình hình như vậy vẫn tiếp diễn, nó có thể tác động tiêu cực đến bối cảnh tài chính ở Nhật Bản, như điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
BOJ cũng cho biết họ đã quyết định sửa đổi cách thức kiểm soát đường cong lợi suất để cải thiện hoạt động của thị trường, giúp đường cong này trở nên mượt mà hơn, cũng như để duy trì các điều kiện tài chính phù hợp. Theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất này, BOJ có thể mua không giới hạn trái phiếu chính phủ Nhật Bản để đưa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm về 0% và lợi suất trái phiếu ngắn hạn về âm 0.1%.
Tỷ lệ trái phiếu chính phủ Nhật Bản do BOJ nắm giữ đã lần đầu tiên vượt quá 50% trên cơ sở giá trị thị trường, dữ liệu ngày 19/12 cho thấy.
Không một ai trong số 47 chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán BOJ sẽ thay đổi chính sách tại cuộc họp này. Động thái mới của BOJ đã khiến chỉ số Nikkei 225 giảm 2.5%, đẩy đồng yên từ 137 yên đổi 1 USD lên khoảng 132 yên, và khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 0.46%.
Quyết định của BOJ được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, với mức tăng lãi suất chỉ 0.5% trong tháng 12/2022, thay vì 0.75% trong 4 lần họp trước đó.
Áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ đối với BOJ đã giảm bớt trong vài tháng qua khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 4.2% xuống 3.4%, làm giảm chênh lệch với trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Chênh lệch lợi suất ngày càng thu hẹp thì sức hấp dẫn của đồng đô la Mỹ càng giảm so với đồng yên.
Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ đã tạo ra khoảng trống cho BOJ. Cho đến gần đây, nhiều ngân hàng trung ương đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ chỉ để giữ cho đồng nội tệ không bị mất giá so với đồng USD .
Một số chuyên gia kinh tế dự đoán BOJ có thể tiếp tục điều chỉnh chính sách đối với việc kiểm soát đường cong lợi suất trong thời gian tới, nếu không tiến hành việc thắt chặt tiền tệ.
“Lạm phát rõ ràng đã đạt đỉnh ở Mỹ và lãi suất khó có thể tăng mạnh như trước. Chúng tôi tin rằng không cần phải nới biên độ lợi suất mục tiêu hơn nữa”, ông Kuroda cho hay.
Lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản đang ở mức cao nhất 40 năm, với lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, tăng lên 3.6% trong tháng 10/2022, vượt xa mục tiêu 2% của BOJ. Nhưng trong tháng 10/2022, BOJ đã dự đoán rằng lạm phát cơ bản sẽ chậm lại ở mức 1.6% trong năm tài chính 2023, sau khi đạt mức trung bình 2.9% trong năm tài chính hiện tại.
Ông Kuroda khẳng định lạm phát chỉ mang tính tạm thời và việc thay đổi chính sách tiền tệ là quá sớm. Theo đó, BOJ vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức âm 0.1%.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida dự định kiềm chế lạm phát bằng các khoản trợ cấp nhiên liệu và điện nước bắt đầu từ tháng 01/2023. Việc này sẽ giúp giảm lạm phát giá năng lượng cho người tiêu dùng.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)