Bồi thường xe cơ giới tăng mạnh, Bảo hiểm Hàng không "hụt chân" báo lỗ quý 3

Chia sẻ Facebook
23/10/2022 08:26:43

Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính đều giảm sâu là nguyên nhân khiến Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) lỗ ròng hơn 25 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.

Bồi thường xe cơ giới tăng mạnh, Bảo hiểm Hàng không "hụt chân" báo lỗ quý 3


Kết thúc quý 3/2022, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của AIC có lợi nhuận gộp giảm đến 74% so cùng kỳ, còn hơn 13 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bồi thường bảo hiểm (gấp 2.3 lần), chi phí khác (tăng 54%) và dự phòng (tăng 72%) đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Thêm nữa là, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm mạnh 72%, còn gần 6 tỷ đồng chủ yếu không còn được hoàn nhập chi phí đầu tư tài chính như cùng kỳ năm trước.


Từ các yếu tố trên, AIC lỗ ròng quý 3/2022 hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 10 tỷ đồng.


Giải trình các nguyên nhân trên, AIC cho biết trong quý 3 năm nay, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh do cùng kỳ năm trước áp dụng lệnh giãn cách phòng chống dịch COVID-19 nên hoạt động đi lại và dịch vụ vận chuyển bị hạn chế giúp tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với năm 2022.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán quý 3/2022 không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước nên phần trích lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm sâu.

Tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm giảm 21% so cùng kỳ, còn gần 95 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 27% so với cùng kỳ, còn hơn 9 tỷ đồng dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng mạnh 80%, đạt hơn 108 tỷ đồng.


Năm 2022, AIC đặt mục tiêu đạt 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 4 lần thực hiện năm 2021.

So với kế hoạch này, Công ty đã thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng nhưng do lỗ trong quý 3 nên tỷ lệ thực hiện trong 9 tháng thu hẹp về chỉ còn 14%.


Bên cạnh kết quả kinh doanh ảm đạm, trong quý 3, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của AIC cũng chuyển từ dương hơn 30 tỷ đồng sang âm gần 207 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tiền chi trả cho hoạt động kinh doanh tăng mạnh, gấp 3.2 lần cùng kỳ năm trước.


Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của AIC tăng 9% so với đầu năm, lên hơn 3,783 tỷ đồng, chủ yếu do khoản đầu tư dài hạn tăng 25% so với đầu năm, đạt gần 950 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn của Công ty phần lớn là đầu tư mua cổ phiếu, giá trị gần 913 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm.

Nợ phải trả hơn 2,721 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn và tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tập trung chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ với hơn 2,015 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Khang Di

Chia sẻ Facebook