“Bồi thường khí hậu” lên bàn nghị sự tại COP27

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 19:53:42

Các đại biểu tại COP27 đã nhất trí thảo luận có nên hay không việc các nước giàu nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn, dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu.

COP27 bàn về bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu


Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức khai mạc tại Ai Cập. Với chủ đề "Chung tay để hành động", COP27 năm nay dự kiến không có thêm cam kết mới nào, mà là nơi bàn thảo để thúc đẩy thực thi cam kết tại COP26.

Tuy nhiên lần đầu tiên, vấn đề "bồi thường khí hậu" được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị.


"Bồi thường khí hậu" chỉ việc các quốc gia giàu có, phát thải nhiều có trách nhiệm bồi thường cho các quốc gia đang phát triển, phát thải ít, nhưng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý.

"Việc đưa vấn đề này vào thảo luận chính thức phản ánh tinh thần đoàn kết và sẻ chia với những khó khăn, mất mát mà các nạn nhân của những thảm họa liên quan biến đổi khí hậu phải chịu đựng", Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry nhấn mạnh.

Khung cảnh hạn hán tại thị trấn Kajiado (Kenya) hồi tháng 10/2022. (Ảnh: Reuters)

"Ước tính mới nhất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho Pakistan vào khoảng 30 tỷ USD. Mặc dù chúng tôi đang đóng góp chưa đến 1% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính", Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif thông tin.


Vào năm 2021, các nước giàu cam kết cung cấp 40 tỷ USD/năm đến năm 2025 để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính con số này chưa đến 1/5 nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển.

Điều này thúc đẩy lời kêu gọi một khoản tiền bồi thường riêng để giúp các nước nghèo khắc phục thiệt hại của các thảm họa khí hậu.

"Vấn đề tài chính rất quan trọng. Cần có các cuộc đối thoại và giải pháp để làm hài lòng các nhà tài trợ về sự hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên khoản hỗ trợ đó phải đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc phục hồi và khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu", ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nhận định.


Hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc các nước giàu nên lấy tiền từ đâu để chi cho chính sách bồi thường khí hậu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu đang kêu gọi đánh thuế lợi nhuận tăng bất thường của các công ty năng lượng.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam thu hút tài chính khí hậu


Rõ ràng việc bồi thường khí hậu là vấn đề mà các nước chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu rất quan tâm, trong đó có Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, năm 2020, Việt Nam mất 10 tỷ USD, khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.


Cũng theo WB, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0.


Vấn đề bồi thường khí hậu là rất cấp thiết, nhưng để đạt được sự nhất trí của các nước giàu là chưa thể một sớm một chiều. Bởi cam kết chi 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu phải thực hiện từ năm 2020, nhưng hiện cam kết này có thể phải lùi sang năm 2023.

Việc đàm phán sẽ mất thời gian, nhưng có thể thấy quyết tâm của nước chủ nhà Ai Cập tại COP27 năm nay trong việc đưa ra những vấn đề mới để cùng nhau thảo luận và tìm kiếm trách nhiệm lớn hơn của những nước phát thải nhiều.

Trong lúc chờ đợi các khoản bồi thường khí hậu này, các quốc gia sẽ cần tới có các công cụ khác để huy động tài chính khí hậu, chẳng hạn như thuế carbon, quỹ khí hậu hoặc thu hút tài chính xanh.

"Tôi nghĩ rằng một điều vô cùng quan trọng đối với Việt Nam là cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý, những biện pháp khuyến khích để có thể huy động các nguồn vốn tư nhân đặc biệt. Các dự án xanh thường có nhiều yếu tổ rủi ro, do vậy chính phủ cần có những chương trình giãn hay ưu đãi thuế hoặc có một số khoản vốn mồi giai đoạn đầu để giảm thiểu những rủi ro triển khai trong ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước cũng nên đưa ra những hướng dẫn để thu hút tài chính xanh.

Cơ chế thuế carbon là một công cụ rất hữu hiệu. Theo tính toán, Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế hàng năm, với giá 5 USD/tín chỉ, ước tính thu về 235 triệu USD mỗi năm", ông Muthukumara Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế môi trường, Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhấn mạnh.


Dự kiến, hội nghị COP27 sẽ diễn ra từ nay đến ngày 18/11 tới. Các chủ đề về tài chính khí hậu, bồi thường khí hậu hay tài chính xanh được kỳ vọng sẽ tìm được tiếng nói chung trong các cuộc thảo luận của hơn 190 thành viên, bởi để ứng phó hay thích ứng biến đổi khí hậu thành công sẽ luôn cần một cam kết tài chính nhất định từ các nước phát triển.

COP27 được đánh giá là kỳ hội nghị lớn nhất từ trước đến nay về vấn đề biến đổi khí hậu và cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức với kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ Facebook