Bóc tách khối u buồng trứng nặng 2,6kg cho bệnh nhân có nhiều bệnh nền

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 14:27:48

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u khổng lồ trong ổ bụng của bệnh nhân V.T.H. (50 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội).


Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị không thường xuyên, đã cắt u nang buồng trứng trái.

Bệnh nhân đi khám vì mệt mỏi, chán ăn, đại tiện khó, bụng to dần và nhập viện trong tình trạng: tỉnh táo, thể trạng gầy, xanh xao, suy kiệt. Bụng chướng to, có khối lớn chiếm toàn bộ ổ bụng, mật độ chắc, di động hạn chế.


Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định tình trạng bệnh. Kết quả các xét nghiệm cho thấy đây là 1 ca bệnh khó. Khối u to liên quan đến các mạch máu lớn và đè đẩy nhiều tạng trong ổ bụng, trên nền bệnh nhân thể trạng gầy yếu, suy kiệt, nhiều bệnh lý kèm theo.

Các bác sĩ tiến hành ca mổ lấy khối u cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển phẫu thuật, dưới sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa và Khoa Gây mê - Hồi sức, sau 4 tiếng phẫu thuật cắt khối u, các bác sĩ đã lấy ra trong bụng bệnh nhân 1 khối u nặng 2,6kg với kích thước 19x18cm chiếm hết ổ bụng, đè đẩy mạnh ruột non, đại tràng, trực tràng, niệu quản, bàng quang. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 10 đơn vị máu.

Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó đại tiện, đi tiểu liên tục. Ngoài ra khối u ở sát các mạch máu lớn sau phúc mạc, khiến cho việc phẫu tích rất khó khăn và mất máu nhiều.

Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, bụng mềm, vết mổ khô, ăn uống tốt, cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều và đã có thể tự đi lại, đại tiểu tiện bình thường. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị hậu phẫu.

Các bác sĩ khuyến cáo: Hiện nay đời sống của mọi người đã được nâng cao, tuy nhiên tỷ lệ đi khám định kỳ còn thấp, kể cả các khu vực có dân trí và nhận thức tốt. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh phối hợp khiến quá trình điều trị khó khăn, kết quả hạn chế, nhiều nguy cơ rủi ro, tai biến.

Do đó, mỗi người đều nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng, phát hiện muộn.

Chia sẻ Facebook